Phận làm con, trách nhiệm làm chồng, làm cha cũng tâm tư, nhưng người lính biên phòng luôn xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, cấp trên giao nhiệm vụ là chấp hành và hoàn thành tốt.
“Tết Covid” thật đặc biệt
Cuối tháng Mười Một vừa qua, chúng tôi có dịp gặp và trò chuyện với Thiếu tá Đỗ Thế Chử (đồn Biên phòng Sen Thượng, Mường Nhé, Điện Biên khi anh có công việc về phép với gia đình ở Thạch Thất, Hà Nội ít ngày.
Thời điểm cuối năm, anh Chử hào hứng kể rất nhiều câu chuyện của năm qua và những ngày Tết ở đồn. Với anh Chử, đúng theo khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, anh đã gắn bó không biết bao nhiêu cái Tết với các đồn biên phòng khắp dải biên cương phía Bắc. “Nhưng cái Tết mà tôi đặc biệt ấn tượng và nhớ nhất ấy là 2 năm 2019-2020 vừa qua khi ở lại cùng đồng đội góp sức chống giặc Covid-19”, anh nói.
Những ngày chống dịch vất vả mà cũng nhiều kỷ niệm khó quên phút chốc ùa về trong nụ cười hào sảng đúng chất lính biên phòng.
Thiếu tá Chử nhớ lại: “Cuối năm 2019, tôi chuyển công tác theo sự phân công của cấp trên từ đồn Mường Nhé sang đồn Nà Hỳ, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, Điện Biên. Vừa sang thì dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, vậy là tôi ở lại đồn. Năm 2020, dịch dã vẫn rất căng thẳng, bộ đội biên phòng tiếp tục nhận lệnh trực Tết 100% để đảm bảo an ninh an toàn và phòng chống dịch trên địa bàn. Vậy là tôi ăn Tết thứ hai ở đồn”.
Đặc thù địa hình biên giới rộng, đường biên kéo dài mà lực lượng quân số lại mỏng, Thiếu tá Đỗ Thế Chử cùng đồng đội luôn phải căng mình để làm tốt yêu cầu nhiệm vụ kép: Đảm bảo an ninh trật tự, chủ quyền an ninh biên giới, kiểm soát xuất nhập cảnh người và phương tiện qua biên giới, kiểm soát tốt phòng chống dịch, không để người nhập cảnh theo đường tiểu ngạch, nhất là lại là người mắc Covid-19 về Việt Nam.
“Chúng tôi có các chốt cứng và các tổ lưu động đi tuần dọc biên giới thường xuyên. Từ chốt này sang chốt kia có những nơi cách nhau cả chục cây số, còn bình thường cũng 5-6 cây số. Do đường chính qua cửa khẩu luôn được kiểm soát chặt chẽ, thế nên anh em phải chia nhau ra đi tuần 24/24, kiểm soát các đường mòn lối mở, không đểđối tượng xuất nhập cảnh trái phép có cơ hội hoạt động.
Trực tiếp chốt chặn ở biên giới Việt Lào thuộc bản Huổi Sang, xã Nà Hỳ, Thiếu tá Chử cho biết: “Quan trọng nhất khi kiểm soát là sự nhạy bén để nhận định tình hình thực tế một cách khách quan. Bởi người về từ bên ngoài địa bàn có nhiều lý do muôn hình muôn vẻ, chỉ cần mất tập trung, thiếu nhạy cảm có thể khiến nguy cơ dịch xâm nhập là hiện hữu.
Không ai chịu nhận mình từ bên kia biên giới sang, họ sẽ nói dối là đi làm nương hoặc đi tìm trâu, tìm bò chăn thả bị lạc… Nhưng qua những nhận định, tin báo, chúng tôi xác định được trường hợp nào là vượt biên trái phép, trường hợp nào đi thăm nương rẫy thật.
Sau khi sàng lọc, kiểm tra thân nhiệt, tất cả những người này đều được đưa về khu cách ly tập trung hoặc trạm y tế để bên đó cùng phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Hết thời gian cách ly, thấy họ an toàn về sức khỏe,với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm quy chế biên giới như vượt biên thì chúng tôi sẽ đưa về đồn để giải quyết”.
Việc kiểm soát người ra vào khu vực biên giới rất áp lực, nhưng không vì thế mà chùn bước. Bộ đội biên phòng có “nghệ thuật” nắm bắt lý lịch từng người trên địa bàn. Ai lạ đến, ai đi đâu về, ai vắng nhà, đi đâu, lý do thế nào, đi bao nhiều ngày, về thời gian nào, đã cách ly chưa, từ khu cách ly về bao giờ, Kết quả xét nghiệm ra sao… Họ nắm trong lòng bàn tay.
Tuy nhiên, để chống dịch tốt và thành công là sự phối hợp của nhiều ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương, chủ công vẫn là lực lượng y tế. “Với chức năng nhiệm vụ của mình, chúng tôi luôn cố gắng phối kết hợp thật tốt và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”, anh Chử chia sẻ.
Tình quân dân “thích ứng an toàn”
Theo lời kể của vị Thiếu tá, Tết bình thường ở đồn rất vui, tình quân dân như cá với nước cũng được thắt chặt và gắn bó hơn ở những dịp như thế. Bộ đội biên phòng sẽ chia nhau xuống bản, đến từng nhà để chúc Tết bà con, cùng đón giao thừa, tiễn năm cũ, chào năm mới với những niềm vui mới. Ngược lại, bà con cũng thể hiện tình cảm yêu quý bộ đội biên phòng nên thường lên đồn chúc Tết từ sớm, mang theo con gà, bắp ngô, củ sắn… là những thứ mình làm ra được để tặng bộ đội.
Thế nhưng “Tết Covid” thì khác hẳn, các đơn vị bộ đội đều quán triệt không tổ chức xuống bản và bà con ở bản cũng không lên đồn chúc Tết.
“Chúng tôi vẫn đi xuống bản nắm tình hình, đảm bảo an ninh trật tự nhưng xuống bản với tâm thế phòng chống dịch nghiêm ngặt, tuân thủ đúng 5k và không tụ tập vui chơi rượu chè. Người dân cũng chấp hành nghiêm túc, nhà nào biết nhà ấy, không tổ chức bất cứ hoạt động vui chơi, tụ tập đông người nào. Nếu là Tết như bình thường thì họ sẽ đón Tết sum vầy vui lắm, nhà nọ sang nhà kia, cán bộ biên phòng xuống vui Tết cùng dân, qua giao thừa, liên hoan đến sáng và vui chơi những ngày Tết tiếp theo.
Tháng Sáu vừa qua, anh Chử lại nhận lệnh cấp trên điều động về đồn Biên phòng Sen Thượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Vẫn tinh thần chống dịch như thế, đảm bảo 5k và an ninh trật tự trên địa bàn.
Khi tôi hỏi về cảm xúc của cá nhân, anh Chử lắng lại, tâm sự: “Nếu nói không buồn, không nhớ nhà thì không đúng, nhưng đã là người lính thì nhiệm vụ là trên hết, luôn chấp hành đầy đủ. Vợ con bao năm cũng quen cảnh người thân xa nhà”.
Dương Thu