Từ du kích Ba Tơ đến Cảm tử quân
Chúng tôi tìm đến nhà cụ Thủy Ngọc Công (ngụ tổ 2, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam), khi trời đã về chiều. Cụ Công đang chơi cờ tướng cùng với người hàng xóm của mình. Dù đã 97 tuổi, nhưng cụ vẫn tự tay sắp đặt bàn ghế, bưng trà rót nước mời khách chứ nhất định không để đứa cháu gái của mình "động tay" vào. Cụ Công chia sẻ: "Mấy đứa con cụ nó không cho cụ đi xe đạp nữa vì thấy cụ tuổi cao rồi, mà tụi trẻ bây giờ thì đi xe ẩu quá, lỡ có chuyện gì xảy ra thì chúng nó ân hận cả đời". Thấy các con nói vậy cụ đành gác chiếc xe đạp cà tàng của mình lên gác bếp, hàng ngày ngoài việc chơi cờ tướng vừa giải trí vừa rèn luyện trí lão.
Cụ Công cho biết mình vốn sinh ra trong một gia đình đông anh em ở thị trấn Hà Lam. Ngay từ khi còn rất nhỏ, cụ đã phải bươn chải rất nhiều nơi để mưu sinh kiếm sống. Năm 14 tuổi, cụ đã thành tay phụ xe lanh lợi có tiếng trên bến xe Đà Lạt. Không chịu bằng lòng với thứ nghề nay đây mai đó, cụ học cho mình chút kiến thức về nghề sửa xe ô tô. Vốn lanh lợi thông minh nên cụ học rất nhanh. Đang làm tại một gara chuyên sửa chữa ô tô ở thành phố Nha Trang thì cụ bị đuổi việc, vì tội tham gia phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên ở thành phố biển. Về quê được một thời gian ngắn thì khởi nghĩa Ba Tơ nổi lên, hừng hực khí thế. Cụ Công một lần nữa từ bỏ vợ nhỏ con thơ đi theo tiếng gọi của cách mạng.
Cựu du kích Ba Tơ Thủy Ngọc Công.
Cách mạng tháng Tám phát triển, cụ cùng các chiến sỹ du kích Ba Tơ đã tích cực giúp đỡ Việt Minh về mặt lực lượng, nhanh chóng dành được chính quyền trên toàn tỉnh Quảng Ngãi. Sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập (ngày 2/9/1945) các lực lượng vũ trang cách mạng được chuyển thành các đơn vị của Quân đội Nhân dân Việt Nam thống nhất. Cũng từ đây cụ Công trở thành chiến sỹ đặc công của trung đội 30, do đồng chí Trần Công Khanh làm chỉ huy có nhiệm vụ bảo vệ thị xã Nha Trang lúc bấy giờ khi thực dân Pháp, với sự hậu thuẫn của hai đồng minh là đế quốc Anh và Mỹ đang lăm le xâm lược nước ta một lần nữa.
Lúc đó, đơn vị của cụ Công có nhiệm vụ hỗ trợ quân và dân Nha Trang, phá hủy các kho tàng, bến bãi, sân bay nhằm chặn đường tiếp tế của thực dân Pháp hòng không cho chúng thực hiện âm mưu đánh nhanh thắng nhanh mà phải chuyển sang đánh lâu dài với ta. Tổ nhiệm vụ của cụ lúc bấy giờ gồm có 5 đồng chí nhận nhiệm vụ ôm bộc phá, phá hủy sân bay Cam Ranh. Nhận trọng trách cao cả, trước khi lên đường, để nêu cao tinh thần "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, đã ra đi là hoàn thành nhiệm vụ". Cụ cùng 4 người đồng đội mới là những người giỏi nhất, được tuyển chọn từ toàn đơn vị đã được làm lễ truy điệu sống. Ý thức được trọng trách mà mình đang mang trên vai nên không ai bảo ai tất cả đều thể hiện quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Sân bay Cam Ranh lúc đó dù được canh phòng rất cẩn thận, nhưng cụ cùng các đồng chí của mình vẫn lọt vào thành công. Một tiếng nổ chát chúa vang trời báo hiệu cụ Công cùng các đồng chí của mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, biến sân bay Cam Ranh thành một ngọn đuốc lớn phá hủy hoàn toàn kế hoạch của kẻ thù. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ cụ Công cùng với các đồng đội của mình có mặt ở rất nhiều điểm nóng trên chiến trường khu V lúc bấy giờ. Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7/1954) được ký kết, cụ Công nhận được lệnh triệu tập ra Bắc.
Cụ Thủy Ngọc Công vẫn rất minh mẫn khi trò chuyện với PV.
Nhiều lần được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Vinh dự nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng Dù tuổi cao sức yếu nhưng cụ vẫn không bỏ bất cứ một buổi sinh hoạt nào của chi bộ Đảng nơi mình sinh sống. Cụ trở thành tấm gương sáng cho các Đảng viên khác noi theo, khi hàng ngày cụ vẫn luôn nhắc nhở bản thân học tập theo tấm gương Đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh. Tháng 2/2014 nhân dịp kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam cụ Thủy Ngọc Công vinh dự được nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. |
Ở đây, cụ đã được học tập và cùng với nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đặc biệt, cụ vinh dự được nhiều lần gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngồi lau lại những tấm huân chương, những bằng khen, cụ Công cười hạnh phúc: "Được gặp Bác là niềm vinh hạnh đối với mỗi người. Đối với riêng tôi, là người con của miền Nam ruột thịt, thì đây là niềm vinh hạnh mà không phải ai cũng có được". Từ năm 1954 đến 1957 cụ được phân công về đoàn xe Bộ tư lệnh Thủ đô có nhiệm vụ chuẩn bị xe, phương tiện đi lại cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các vị lãnh đạo Nhà nước ta lúc bấy giờ.
Trong khoảng thời gian ấy, cụ thường xuyên được gặp Bác. Cụ nhớ lại, có một lần, Bác vào thăm công xưởng sửa chữa xe, anh em cán bộ đang mải mê làm việc nên không hay Bác đến. Khi gặp Bác, ai nấy đều bất ngờ và sung sướng. Có anh em thưa: "Sao Bác không báo để chúng con ra đón ạ. Để Bác vào trong này vất vả quá". Bác cười đáp: "Đó là chủ ý của Bác. Bác muốn thấy tận mắt các chú làm việc vất vả như thế nào".
Và một niềm hạnh phúc nữa trong những năm tháng sống và chiến đấu, cụ Công nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là một ngày đầu năm 1960, cụ đi cùng xe với Đại tướng lên vùng núi Thái Nguyên. Trong khi đi, Đại tướng không quên hỏi thăm tình hình gia đình cụ ở trong Nam, Đại tướng nói chuyện thân mật như anh em một nhà. Không những thế, cụ Công còn được cùng ăn với Đại tướng. Cụ cười móm mém: "Anh Giáp là cách gọi thân thương mà khi về Nam, chúng tôi hay gọi. Anh Giáp là người vui tính, thân mật và sống giàu tình cảm lắm"...
Năm 1960, cụ Công được chuyển lên Khu gang thép Thái Nguyên. Ban đầu, cụ làm công nhân, sau đó được cấp trên phân công làm Quản đốc Xưởng 19/5 của Khu gang thép này. Đầu năm 1965, Bác Hồ đến xưởng 19/5 thăm hỏi anh em công nhân đang làm việc. Cùng đi với Bác có Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau những lời động viên ân tình và sâu sắc, Bác đến gặp từng anh em công nhân để hỏi thăm sức khỏe và tình hình gia đình. Bác khuyên: "Các cháu cố gắng học tập, vừa học vừa làm nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu cho tốt...". Trong tập thể anh em công nhân, cụ Công được Bác quan tâm hơn vì là một người con của miền Nam.
Cụ nhớ lại: "Hôm ấy, sau khi đi thăm và nói chuyện với anh em trong phân xưởng, Bác gặp tôi và khen: "Bác có lời khen ngợi chú Công. Chú không chỉ đánh Pháp giỏi mà ra đây tham gia sản xuất cũng tháo vát. Các chú làm 5 ngày bằng 1 tháng, như vậy là rất đáng biểu dương! Nói xong, Bác tặng hoa và huy hiệu cho chúng tôi". Kể từ đó trở về sau, cụ Công thường xuyên được Bác quan tâm và đến thăm hỏi mỗi lần lên Thái Nguyên.
Kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau thế nhưng trong suốt cuộc đời của mình, cụ Thủy Ngọc Công luôn khắc sâu trong tâm mình những điều Bác Hồ dạy và ghi nhớ những tình cảm mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho mình cũng như các chiến sỹ người Nam Bộ. Chính nhờ Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp mà ông mới nên duyên với vợ mình một cô gái có vẻ đẹp mặn mà của người Hà Nội. Tuy năm nay đã ở tuổi 97, nhưng mỗi lần kể về những ngày tháng ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, được gặp Bác, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đôi mắt cụ lại rạng ngời niềm tự hào, hạnh phúc.
Nguyễn Cường - Phương Hưng