Tình yêu, sự chung thủy của ông khiến bao lớp trẻ phải cảm động. Ông là Trần Nguyên Bính, trú tại xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu (Nghệ An), người đã viết nên câu chuyện cổ tích nổi tiếng ở làng Vọng.
Ngót 20 năm trời ông Bính vẫn tận tình chăm sóc vợ mình
TÌnh yêu cổ tích
Căn nhà nhỏ lụp xụp được che thêm những tấm bạt nilon là nơi sinh sống của hai vợ chồng người lính già. Nằm trên chiếc giường nan nhỏ là bà Nguyễn Thị Tuận (SN 1932), người vợ của ông Bính. Bà Tuận đang nằm ở góc giường, thấy người lạ vào, bà cố ngửa cổ lên để chào và nở nụ cười thân thiện. Căn nhà tuy nhỏ nhưng được ông Bính xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp.
Năm 1953, ông bà cưới nhau và sau đó lần lượt 3 đứa con (2 gái, 1 trai) chào đời. Mặc dù cuộc sống khó khăn nhưng ông Bính vẫn chịu khó đi cắt từng gánh cỏ để về chăm đàn hươu lộc và lo cho cuộc sống gia đình. Hạnh phúc chưa được bao lâu thì năm 1960, chàng trai trẻ Trần Nguyên Bính phải vác ba lô lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc, sau khi đã có 3 mặt con. "Ngày ấy, khi tôi bước chân lên xe, hình ảnh bà nhà một tay bế đứa con nhỏ mới mấy tháng tuổi, một tay nắm chặt hai đứa lớn dưới chân làm tôi bịn rịn. Nhưng biết thế nào được, phải riêng nhà mình đâu, với lại tiếng gọi của Tổ quốc còn quan trọng hơn rất nhiều" - Ông Bính nhớ lại xúc cảm của mình.
Ông Bính vừa bón từng thìa cháo cho vợ, vừa luôn tay quạt cho bà mát và chia sẻ câu chuyện đời mình bằng những lời mộc mạc, giản dị giữa trời hè nóng bức của mảnh đất miền Trung. Ở bộ đội, ông được biên chế vào đơn vị C36, Cục thông tin Quân khu 4 ở TP Vinh. Đến năm 1965, ông bị thương nặng và được chuyển về hậu cứ rồi xuất ngũ về quê. Đời lính chiến nay đây mai đó nhưng không lúc nào ông quên hình ảnh quê nhà, nơi có người vợ trẻ và 3 đứa con thơ đang sinh sống. Gắng kìm nén lòng mình trong nỗi nhớ nhà, nơi có tổ ấm bé nhỏ của mình, Trần Nguyên Bính đã cố gắng làm tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó. "Lúc tôi về nhà, 3 đứa con không dám đến gần, cứ nghĩ tôi là người lạ. Mình ra đi khi con còn nhỏ và đi quá lâu nên các con không còn nhận ra bố. Phải mất thời gian dài, mọi sinh hoạt mới trở lại bình thường" - ông Bính chia sẻ.
Côi cút chăm vợ bệnh tật
Năm 1993, trong một lần đi bỏ phiếu bầu cử ở xã về, bà Nguyễn Thị Tuận bỗng dưng thấy đau đầu, rồi nằm quay giữa nhà. Thấy vậy, ông Bính liền chạy đi mời thầy thuốc về nhà khám nhưng tất cả đều vô vọng khi bà nằm bất động trên giường mà không hay biết gì. Bà bị viêm não, rồi dẫn đến tai biến mạch máu. Bao nhiêu tiền của, thuốc men dồn sức chạy chữa nhưng cũng tuyệt vọng. Kể từ đó, bà Tuận chỉ biết nằm bất động một chỗ trong đau đớn, thất vọng.
Bây giờ, mỗi khi nghe chồng kể về cuộc sống vợ chồng bấy lâu nay, bà Tuận nước mắt cứ ngắn dài: "Suốt cuộc đời này, tôi mang nặng nghĩa tình với ông ấy lắm. Là phụ nữ, là người vợ, người mẹ, tôi lại chịu cảnh thân tàn như thế này buồn lắm". Mọi công việc từ giặt giũ, cơm nước, vệ sinh cá nhân đều do bàn tay ông Bính đảm nhiệm.
Trong căn nhà nhỏ, ông Bính cứ lủi thủi chui ra, chui vào để dọn dẹp, rửa chén bát và giặt từng chiếc áo, chiếc quần cho bà. Thế nhưng, ông không bao giờ thốt ra một lời oán than. Những lúc gặp chuyện gì buồn ông liền đi nơi khác để tránh mặt khỏi bà nhìn thấy.
Lâm bệnh được một thời gian ngắn thì bệnh tình bà Tuận ngày càng nghiêm trọng. Có thời gian một tháng trời bà không hề nói được câu nào và 10 ngày không đi ngoài được. "Lúc đó, tôi và con cháu xác định, chắc bà ấy không qua khỏi nên đã chuẩn bị việc hậu sự. Thế nhưng, may mắn thay bà lại từ cõi chết trở về" - ông Bính nhìn bà tếu táo nói. Cho đến bây giờ, những đồ vật đó vẫn được ông cất giữ cẩn thận. Bà Tuận biết vậy cũng chỉ mỉm cười rồi nói: "Mình chuẩn bị rày (này - PV) thì sau này khỏi phải chuẩn bị thôi, già cả rồi mà".
Từ ngày vợ lâm bệnh, ông Bính vẫn âm thầm làm lụng, gánh vác việc trong gia đình thay vợ mình những mong bà Tuận bớt đi nỗi khổ tâm để sống. Ngày các con lớn lên, cũng một tay ông săn sóc, chăm bẵm cho đến lúc gả chồng, lấy vợ. Nay, các con ông cũng đã ra ở riêng, ở xa nên chẳng được thường xuyên thay cha chăm sóc mẹ lúc trái gió trở trời.
Những đứa con của ông bà vì miếng cơm manh áo nên mỗi người một ngả, kẻ miền Nam, đứa miền Bắc, chỉ có người con trai ở gần đó nhưng cũng đi làm cả ngày. Mọi công việc, sinh hoạt chỉ có hai ông bà lủi thủi với nhau. Thân già côi cút chỉ biết dựa vào nhau để sống. Ngôi nhà cũ đã gần sập, chiếc bát đã sứt mẻ theo năm tháng nhưng tình cảm của đôi vợ chồng lính trẻ vẫn son sắc như ngày nào…
Kim Long