Giỏi tiếng Pháp nhờ chiến tranh
Trong không khí dư âm của những ngày đầu năm mới, chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Phó (hay còn gọi là Mười Văn) vào một buổi chiều tàn. Ở đâu cũng vậy, khoảng thời gian này là lúc mọi người trong gia đình xum vầy trong bữa cơm ấm áp cuối ngày. Thế nhưng, trong căn nhà 4 bức tường vôi trắng xoá của gia đình ông Phó, chúng tôi chỉ thấy cái không khí lặng lẽ và không một bóng người. Sau một hồi tìm kiếm, cuối cùng PV cũng gặp được ông Phó. Người thương binh già đang nằm cô quạnh trên chiếc võng với nét mặt buồn man mác.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phó cho biết, ông sinh ra trong một gia đình thuần nông chân lấm tay bùn nhưng có truyền thống cách mạng ở xã Mỹ Thạnh (huyện Giồng Trôm). Từ nhỏ, ông đã thấm thía cuộc sống nghèo khó và đầy cực nhọc. Thế nhưng, tinh thần vươn lên trong học tập để xoá nghèo luôn thôi thúc ông miệt mài với những con chữ cũng như trong lao động. Sau bao nhiêu năm chứng kiến tội ác của quân xâm lược, ông Phó vác ba lô, xách súng ra chiến trường đánh đuổi quân xâm lược. Khi đó ông mới tròn 15 tuổi.
Bác thương binh Lê Văn Phó và những câu chuyện bất hạnh.
Trong cuộc chiến quyết liệt và dưới "trời bom" của quân thù, ông Phó phải đối diện với sự hiểm nguy, chết chóc. Mặc dù là người chiến đấu ngoan cường nhất của đơn vị Vệ binh đỏ (đơn vị quân đội của Thành ủy tỉnh Bến Tre) nhưng ông không thoát khỏi sự tàn sát của bom mìn trong trận đánh thuỷ lục chiến những năm 1969 - 1970 với quân Mỹ. Sau một thời gian quyết sống chết với quân thù, ông Phó bị thương nặng. Một cánh tay trái và một con mắt của ông đã vĩnh viễn mất đi. Không dừng lại ở đó, một bên tai cũng biến dạng nhiều phần và trên người ông găm nhiều mảnh vỡ của bom mìn. Cho đến nay, nỗi đau thể xác từ những di chứng ấy cứ đeo bám và hành hạ ông mỗi khi trái gió trở trời.
Nhắc lại những kí ức một thời bom đạn, ông Phó tâm sự: "Cuộc chiến dù ác liệt nhưng giúp tôi trưởng thành và chín chắn lên rất nhiều. Điều đặc biệt, nhờ thời gian tham gia chiến đấu mà vốn tiếng Pháp của tôi ngày càng tốt hơn. Bởi trước đó, trong chương trình học THCS của chế độ cũ ở miền Nam đều phải có chương trình ngoại ngữ tiếng Anh hoặc Pháp, tôi học rất kém. Nhưng mãi cho đến khi ra chiến trường, vốn tiếng Pháp của tôi mới thật sự được áp dụng vào thực tế".
Ông Phó cũng hé lộ: "Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, quân đội cách mạng đa số là nông dân nghèo. Nếu không có chuyên viên giỏi tiếng Pháp, Mỹ thì làm sao hỏi cung được mỗi khi bắt được quân địch hay những người dân vô tội bị nghi oan là lính cách mạng rơi vào tay địch thì làm sao có thể tự giải thích được. Chính vì thế, nhờ biết tiếng Pháp, tôi đã giải hàm oan cho nhiều người. Thế nên, tôi hay nói đùa với các đồng đội rằng biết tiếng Pháp khi đi làm cách mạng là cả một may mắn của người lính". Và cho đến nay, mặc dù cuộc sống cơm áo gạo tiền đã khiến kiến thức tiếng Pháp của ông vơi bớt nhiều phần nhưng ông Phó vẫn có thể đọc và ngâm những bài thơ bằng tiếng Pháp mà không sai một chữ. Thậm chí, ông còn nói rạch ròi từng đặc điểm của loại hình ngôn ngữ này.
62 tuổi vẫn không "mảnh tình vắt vai"
Trở về từ chiến trường, ông không chỉ tự mình chiến đấu với bệnh tật mà còn phải đối diện với tình hình khó khăn về kinh tế của gia đình. Tài sản ông có là một ngôi nhà rách nát và gánh trọng trách phải mẹ già mắt đã không nhìn thấy gì. Nhưng với một tâm hồn lạc quan, vui vẻ, ông không hề khuất phục trước những khó khăn. Người lính già lăn lộn với những công việc vất vả nuôi mẹ già mà quên mất bản thân mình đã mất sức 81% vì bom đạn chiến tranh. Cứ thế, cuộc sống của gia đình ông cứ lặng lẽ trôi qua trong cái nghèo và bệnh tật. Nhưng trong ngôi nhà ấy chất đầy tình yêu thương, chở che ấm áp.
Tấm lòng hiếu thảo của ông Phó khiến bà con hàng xóm, bạn bè nể phục. Ông Nguyễn Duy Trảng, một người bạn của ông Phó cho biết: "Tôi và anh Phó gặp nhau sau ngày hoà bình lập lại. Nhưng tôi luôn quý trọng anh ấy bởi tấm lòng hiếu thảo. Gần như anh ấy đã hi sinh cả cuộc đời và tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, cho gia đình và những người xung quanh mà không cần được đền đáp. Dù mang trên mình đôi tay không lành lặn nhưng anh vẫn cơm nước, tắm giặt cho mẹ già. Khó nhọc là vậy nhưng nụ cười hiền hậu vẫn không bao giờ tắt trên đôi môi người lính "tàn nhưng không phế" ấy".
Được biết, ông Phó còn dùng số lương thương binh ít ỏi của mình nuôi bốn cháu gái của một người em ăn học thành tài. Ông xem chúng như những đứa con đẻ của mình. Nuôi dưỡng những đứa trẻ trong gia đình dòng họ thành người thành đạt đó cũng chính là nguyện vọng cuối đời của người lính già đơn độc ấy. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều công tác của hội khuyến học địa phương nhằm giúp đỡ cho những học sinh nghèo, khó khăn không có điều kiện tiếp tục đến trường. Ông Phó chia sẻ: "Là một người nông dân, tôi thấu hiểu cái nghèo đôi khi kìm hãm tài năng của lớp trẻ. Vì thế, tôi muốn dùng sức lực và những gì mình đang có để góp phần thắp sáng ước mơ cho tụi nhỏ có hoàn cảnh khó khăn".
Tuổi trẻ của ông cứ thế trôi qua cho đến khi người mẹ già dời xa sự sống. Lúc này, ông Phó đã 62 tuổi. Tóc đã bạc, mắt đã mờ mà người lính già vẫn chăn đơn gối chiếc. Ông Phó tâm sự: "Vì những lo toan của cuộc sống nên tôi đã để tuổi thanh xuân của mình trôi qua trong sự lặng lẽ và nuối tiếc. Hơn nữa, với thân hình tàn tật, đôi tay một mất một còn như tôi thì liệu có người phụ nữ nào dám gửi gắm cả cuộc đời. Chính vì lẽ đó mà cho tới bây giờ dù đã 62 tuổi nhưng tôi vẫn còn "thanh niên" lắm. Nếu như trong quãng đời còn lại có một ai đó yêu thương thì dù cho quỷ có cản đường tôi vẫn quyết gạt đi, dành tình thương của mình để che chở cho họ. Tôi luôn mong mình có quyền được xây dựng hạnh phúc gia đình như bao nhiêu người bình thường khác".
Mặc dù phải đối diện với nhiều nỗi bất hạnh nhưng ông Phó vẫn lạc quan với tâm hồn nghệ thuật thơ ca. Thậm chí, chỉ cần nhìn những hoa lộc vừng nở, ông cũng thấy được cả cái sự đỏng đảnh, cái cách làm duyên làm dáng của những cánh hoa khi đong đưa trong gió. Đâu chỉ có thế, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì đã bao nhiêu năm trôi qua mà ông Phó vẫn nhớ hàng loạt bài thơ xưa. Không chỉ thưởng thức các sáng tác trong làng thơ ca đương đại, ông còn sáng tác nhiều bài thơ tự do nhưng chỉ để "ta ngâm, ta nghe chứ không tiết lộ cho ai biết". Bởi với ông, mỗi người cần phải có những bí mật cho riêng mình trong cuộc đời. Chính tâm hồn thơ ca, âm nhạc ấy đã xoá mờ, xoa dịu đi những cơ cực của cuộc đời bất hạnh và làm ấm lòng người lính mang trên mình nhiều mảnh vỡ của đạn bom.
Được đặt biệt danh "Mười Văn" vì không hề thuộc văn thơ Sở dĩ, ông Phó đặt cho mình cái biệt danh Mười Văn bởi, đi kháng chiến ở tuổi 15, với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và sôi động, để xua tan cái không khí ảm đạm, chết chóc của chiến tranh, người lính thường tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ ngoài chiến trường. Trong những buổi giao lưu ấy, người chọn văn, người chọn thơ,… để biểu diễn còn ông Phó chẳng biết hát, lại không biết ngâm thơ, đọc văn. Nên từ đó cái tên Mười Văn xuất hiện". Kết thúc cuộc trò truyện với chúng tôi, ông tâm sự: "Cả cuộc đời mình, tôi luôn mong muốn mọi người trong xã hội có một cuộc sống hạnh phúc, có học vấn, văn hoá để không phải luồn cúi ai". |
Thơ Trịnh