Tối 13/2, Lê Quốc Tuấn (SN 1987, tên gọi khác Tuấn “khỉ”), nghi phạm nổ súng gây ra vụ giết người cướp tài sản khiến 5 người chết, 3 người bị thương tại Củ Chi đã bị lực lượng chức năng tiêu diệt sau 15 ngày chạy trốn.
Tuy nhiên, ngay sau sự việc xảy ra, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều đoạn clip, livestream việc Tuấn “khỉ” bị tiêu diệt, quay cận cảnh căn nhà hoang nơi đối tượng từng ẩn náu.
Thậm chí, nhiều người còn đứng trước căn nhà của gia đình Tuấn (huyện Củ Chi) để chờ quay clip đăng lên mạng xã hội. Hơn nữa, trước đó không ít người dân còn tò mò đến tận hiện trường vây bắt Tuấn "khỉ" chỉ để được chứng kiến tận mắt.
“Máu” liều cao sẽ tự đẩy mình gặp rủi ro
Trước sự việc này, TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh (Giảng viên Học viện Hành chính TP.HCM) đã đưa ra những phân tích của mình dưới góc độ tâm lý.
Theo vị chuyên gia tâm lý, bất kỳ ai cũng có tính tò mò và hiếu kỳ. Tuy nhiên, mức độ tò mò và điều kiện để được tò mò ở từng người là khác nhau. Quan trọng họ dùng ở đâu? Dùng với đối tượng nào, dùng như thế nào?
"Trong sự việc trên tôi nghĩ một số người dân đang quá khao khát muốn biết cái mới, có được thông tin cụ thể để “khoe” với bạn bè hoặc sợ không nắm được sự việc cụ thể sẽ chậm hơn so với người khác, như vậy sẽ bị chê cười là “mù thông tin”. Chính tâm lý này để khiến nhiều người tự đẩy mình vào nguy hiểm”, TS. Nguyễn Thị Minh nếu quan điểm.
TS. Nguyễn Thị Minh phân tích, ngoài tính tò mò thì việc nhận thức và hành vi trong mỗi con người có mối quan hệ với nhau. Tuy nhiên, không phải cứ nhận thức đúng là hành vi sẽ đúng. Vấn đề ở chỗ không chỉ dừng lại ở việc nhận thức được thì sẽ dễ dàng điều khiển được hành vi, muốn điều khiển hành vi thì cần có sự tham gia của cảm xúc và ý chí trong đó.
Một số người hiểu hành động xem vây bắt tội phạm, livestream việc Tuấn “khỉ” bị tiêu diệt là sai nhưng việc họ hành động lại là chuyện hoàn toàn khác. Cũng giống như những người không được giáo dục tốt về kỹ năng sống, nên chưa hiểu rõ được mức độ nguy hiểm cũng như hành động của họ đang cản trở cơ quan chức năng thi hành nhiệm vụ.
“Không ít người hiện nay “máu” liều cao, muốn có thật nhiều thông tin để khoe với đám đông và bị ảnh hưởng thêm bởi tâm lý đám đông. Thấy người khác làm được mình cũng phải a dua để làm theo. Đây là hành động đáng lên án và cần thay đổi ngay của một bộ phận người dân. Vì thế chúng ta cần phải có những phân tích để có hướng sử dụng kỹ năng bản thân cho phù hợp. Khi nào được phép tò mò, khi nào nên giúp đỡ và phải ứng xử ra sao. Mỗi người cần tự học cho tốt kỹ năng sống, có nhiều bài tập thực tế và tình huống ứng xử để không lặp lại những câu chuyện đáng buồn như trên”, TS. tâm lý Nguyễn Thị Minh nêu quan điểm.
Cần truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe
Trao đổi về vấn đề pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, qua vụ vây bắt Tuấn "khỉ" và một số vụ việc mà cảnh sát bắt đối tượng có hung khí thời gian gần đây, có rất nhiều người dân Việt Nam có tính hiếu kỳ, tò mò, không sợ chết, sẵn sàng lao vào gần những đối tượng có hung khí, vũ khí chỉ để “nhìn cho rõ”. Chứng kiến “trực tiếp” hay thậm chí là livestream lên mạng xã hội...
Đây là một hiện tượng rất đáng buồn, thậm chí lo ngại về một bộ phận người dân thể hiện sự tò mò thái quá và thiếu kỹ năng sống, coi thường tính mạng, sức khỏe của mình và gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy tìm, bắt giữ những đối tượng gây án, làm cản trở việc thi hành công vụ.
“Không những thế việc livestream, đưa các thông tin không chính thức, thông tin sai sự thật này còn ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý của những người thân đối tượng – những người không liên quan đến vụ việc khi có quá nhiều thông tin thêu dệt thái quá, bịa đặt”, luật sư Đặng Văn Cường nhận định.
Ngoài ra, luật sư Cường cũng nêu quan điểm, mặc dù Tuấn “khỉ” đã bị tiêu diệt, tuy nhiên nơi đối tượng ẩn náu là hiện trường của vụ án hình sự. Khi đã được xác định là hiện trường, được khoanh vùng bảo vệ để thực hiện các hoạt động điều tra như: Tìm kiếm dấu vết, thu thập chứng cứ, xác định vai trò đồng phạm... và các yếu tố khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án hình sự.
Luật sư Cường cho hay, việc người dân do hiếu kỳ hoặc có mục đích, ý đồ cá nhân khác mà xâm phạm vào hiện trường vụ án hình sự, gây xáo trộn hiện trường, ảnh hưởng đến hoạt động điều tra thì cũng sẽ bị xem xét xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, đối với những hành vi livestream, đưa những thông tin không được kiểm chứng lên mạng thì những người này có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại khỏan 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến với mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Đối với những trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự, là những trường hợp có hành vi xâm nhập vào hiện trường nhằm mục đích cản trở hoạt động điều tra hoặc có căn cứ khác cho thấy hành vi này đã cản trở hoạt động điều tra vụ án thì sẽ bị khởi tố hình sự về nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp như tội Che giấu tội phạm trong trường hợp có hành vi xóa dấu vết, xáo trộn hiện trường,…
Ngoài ra, trường hợp người vi phạm không chấp hành mệnh lệnh, yêu cầu của lực lượng chức năng mà có hành vi cản trở thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo quy định tại điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015.
Mai Thu - Lê Liên