Người lưu giữ “những mảnh hồn làng”

Người lưu giữ “những mảnh hồn làng”

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Ông có một niềm đam mê mà người ta coi là "quái gở": Thích chụp ảnh cổng làng. Với ông, cổng làng là nơi lưu giữ "hồn" của làng đó.

Nhìn ông có vẻ lạc lõng và nhỏ bé giữa phố phường Hà Nội với chiếc xe đạp cũ. Ít ai biết, đằng sau người đàn ông ấy là cả một niềm đam mê, góp nhặt những "khoảnh khắc hồn làng" nơi những chiếc cổng hoen ố màu thời gian đã hàng chục năm qua. Người ta gọi ông với cái tên trìu mến: "Nhiếp ảnh gia cổng làng" Vũ Kiêm Ninh.

Pháp luật - Người lưu giữ “những mảnh hồn làng”

“Nhiếp ảnh gia cổng làng” Vũ Kiêm Ninh

Tình yêu vượt qua thời gian khó

Do có hẹn từ trước nên chúng tôi tìm đến với căn hộ của vợ chồng ông ở khu tập thể Nam Đồng, Đống Đa ( Hà Nội) không khó. Cầu thang cũ, lụp xụp, trong nhà đồ đạc cũng "kiệm" hết mức có thể. Bà Từ, vợ ông đang loay hoay với bữa sáng dành cho cô cháu nội đang đi học nhà trẻ. Vui chuyện, bên ấm nước vối còn nóng hổi, bà còn chỉ cho tôi chỗ để mua vối tốt nhất ở Hà Nội. Trong lúc bà tất tả cơm nước, ông loay hoay tìm cho tôi xem bộ sưu tập ảnh cổng làng của mình qua các năm. Nghe ông kể về lai lịch những tấm ảnh, nhìn ông cười hiền hậu mới thấy được niềm đam mê của ông đối với những chiếc cổng làng nhiều thế nào. Mười mấy năm qua, niềm đam mê không vì tuổi tác, sự già cả mà giảm đi, thậm chí lại còn nhiều hơn.

Ông sinh ra trong một gia đình nho giáo ở làng Bưởi Yên Thái, tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận, cha và ông nội ông đều là những thầy thuốc nổi tiếng có tài và có tâm. Tuổi thơ của ông lại gắn bó với vùng quê nghèo Thường Tín quê mẹ, có lẽ vì vậy mà ông yêu nhiều hơn những nét giản dị, chất phác của làng. Hồi ấy, hiệu thuốc Mai Nguyên Đường của gia đình ông được xem là địa chỉ uy tín cho những người nghèo khó trong vùng. Là người trọng nếp nhà, cha và ông nội đều cố gắng giữ gìn cho con cháu cái nết làm người trước nhất. Chẳng ai có thể ngờ, cậu Ấm Ty (tên thường gọi ngày bé) lại có cuộc đời lận đận về sau.

Đến 1959, khi mới 19 tuổi thì mối tình cuộc đời của ông mới được đánh dấu. Người ông yêu chính là cô em hàng xóm, lưng vách chạm vào nhau. Năm đó, cô Từ mới 17 tuổi, đang là học sinh lớp 6 trường Xuân Đỉnh. Trong làng Yên Thái lúc bấy giờ, có cái cổng Giếng, vừa là nơi lấy nước, cũng là nơi người làng tụ tập với nhau. Mỗi lần về, bắt gặp cô Từ đi gánh nước, trong lòng chàng trai trẻ Kiêm Ninh bỗng thấy rung động.

Lần ấy, Ninh được lệnh cấp trên, chuẩn bị theo đoàn làm phim đi công tác ở Phú Thọ một thời gian dài. Biết trước lâu lâu mới lại được trở về, trong lòng anh đã thấy buồn bực. Khi gặp cô Từ gánh nước qua, anh mới giữ lấy một bên thùng lại mà nhắn: "Sáng mai tôi đi xa". Cô chẳng nói gì, chỉ cười. Đến lúc về, cô lẳng lặng đưa cho anh một cái gói, trong đó có một cuốn sổ tay và một tấm ảnh của mình. Được lời như cởi tấm lòng, những ngày xa quê, nỗi nhớ trong lòng, anh dồn hết vào những lá thư và cuốn sổ, đợi ngày về thì trao lại cho cô. Những đợt công tác tiếp theo làm cho mối tình của họ ngày càng sâu sắc và bền chặt. Ngày ấy, trai gái đến với nhau phải theo sự sắp đặt của gia đình. Việc tự do tìm hiểu của hai người vô tình gây nên sự ác cảm với hai bà mẹ, họ cực lực phản đối mối tình này. Nhưng trước tấm chân tình của đôi trẻ, sự tác thành của tổ chức đoàn thể cũng làm hai cụ nguôi ngoai.

Sau khi kết hôn, hai vợ chồng được gia đình cho một gian nhà nhỏ để gây dựng cuộc sống mới. Tuy vợ chưa có việc làm ổn định, lại thêm đứa con nhỏ nhưng với đồng lương của ông lúc bấy giờ, hai vợ chồng vẫn xoay xở được.

Những ngày ông theo xưởng phim Tài liệu lên đóng chốt ở an toàn khu H57, bà ở lại Thủ đô một mình với đàn con thơ. Lần lượt 4 đứa con nhỏ ra đời, bà phải xoay xở đủ hướng để có thể chu toàn cho các con ăn học và phụng dưỡng mẹ già. Thi thoảng ông có về cũng chỉ được đôi ba bữa rồi lại đi. Chiến tranh kết thúc, mọi người lần lượt trở về Thủ đô, tưởng vợ chồng con cái được sum họp thì ông lại được lệnh dời xưởng về Cổ Loa. Khó khăn nhiều, cũng có lúc ông muốn bỏ nhưng vợ chồng lại tiếp tục động viên nhau cố gắng vượt qua.

Năm 1984, sau khi gặp phải một tai nạn nghề nghiệp, bị thương ở vai, mất sức lao động, ông buộc phải ngừng công việc. Để chăm sóc ông, bà lúc bấy giờ đang làm tài vụ cũng xin về mất sức. Cuộc sống gia đình càng trở nên khốn khó với mức lương mất sức lao động 45% của ông, không đủ chi phí cho thuốc men bệnh tật. Trước khó khăn, cả đại gia đình lại xoay ra làm đủ nghề để có tiền sinh sống. Mỗi sáng, bà ra chợ mua những vỏ bao xi măng đã qua sử dụng về, vợ chồng con cái lau chùi, cắt, dán lại thành những túi nhỏ, tới chiều lại mang ra chợ Đồng Xuân bán lại. Mỗi ngày cũng kiếm được dăm hào đong gạo đi qua thời gian khó.

Đến giờ khi các con đã khôn lớn, gánh nặng cuộc sống cũng nhẹ đi nhiều phần, hai vợ chồng ông mới có thời gian dành cho nhau. Với ông, niềm an ủi lớn nhất vẫn là có được một người vợ luôn cảm thông và chung lưng góp sức, kể cả phải cảm thông với niềm đam mê "quái gở" của mình.

Pháp luật - Người lưu giữ “những mảnh hồn làng” (Hình 2).

Cuốn "Cổng làng Hà Nội xưa và nay" là kết quả của nhiều năm lặn lội đi sưu tầm của ông Vũ Kiêm Ninh

Đam mê không bao giờ là muộn

Năm 1946 rời phố Ga ra đi, mãi đến năm 1996, Vũ Kiêm Ninh mới có cơ hội được trở về làng. Sẵn máy ảnh được cơ quan thanh lý cho, ông muốn chụp lại tất cả những khoảnh khắc về nơi mình đã sinh ra. Sau đấy mấy năm thì rộ lên phong trào xóa bỏ hết các di tích tại nông thôn để thực hiện đô thị hóa. Những di tích bị coi là phong kiến bị đập đi để xây lại cái mới.

Ông đau lòng khi thấy những nơi trước kia là cái cổng uy nghi bề thế, niềm tự hào của cả làng bị thay thế bằng những cây cột sắt đơn giản và lạnh lẽo. Nỗi thương nhớ thúc giục ông đi tìm và ghi lại những gì còn sót lại của "những mảnh hồn làng": Cái cổng. Khi ông bày tỏ nỗi niềm với vợ, bà tích cực ủng hộ. Thế là suốt mười mấy năm, ngày nào ông cũng một mình một xe đi tới khắp các vùng lân cận để chụp, ghi lại và tìm hiểu phong tục tập quán các làng. Thời gian đầu, chỉ có chiếc xe đạp làm phương tiện, về sau kinh tế khấm khá hơn, các con sắm cho ông chiếc xe máy Cha-ly để đi lại. Cũng chỉ được vài năm, tuổi già đâm ra lẫn, các con ông lại buộc phải "tịch thu" chiếc xe vì lý do an toàn. Ông lại lọc cọc với chiếc xe đạp cũ.

Từ 1996 đến giờ, bộ sưu tập ảnh cổng làng của ông cứ ngày một dày hơn. Ông nghĩ tới việc cho ra đời cuốn sách nhưng đi đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Về sau, nghe người ta mách, ông tìm đến quỹ văn hóa Thụy Điển. Được sự ủng hộ của nhà Việt Nam học Hữu Ngọc, ông được hội đồng thông qua. Cùng sự giúp đỡ của nhà sách Dân trí đến 2007 thì cuốn "Cổng làng Hà Nội xưa và nay" của ông được xuất bản.

Đỗ Huệ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.