Nhiều băn khoăn của F0
Thời gian gần đây, nhiều người dân vẫn đang bối rối đặt ra câu hỏi khi bị mắc covid có nên tắm và tắm như thế nào để không bị viêm phổi nhất là trong khoảng thời gian thời tiết đang chuyển mùa.
Chị Phùng Mai Loan (28 tuổi, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi có 5 người thì có 3 người đã trở thành bệnh nhân covid và đang được điều trị tại nhà. Sau khi chồng và con mắc, tôi lên mạng đọc và tìm hiểu thì thấy hoang mang vô cùng. Mỗi người đưa ra một lời khuyên về cách chăm sóc F0 tại nhà và đặc biệt là tắm hay không khi bị Covid”.
Cũng theo chị Loan, chị đã nghe lời khuyên của một số người bạn rằng không nên tắm, vì tắm rất có thể bệnh nhân covid sẽ bị viêm phổi và lâu khỏi bệnh.
Còn chị Đào Hạnh (30 tuổi, tại Thanh Oai, Hà Nội) cho hay, chị mới trở thành bệnh nhân covid được một ngày, nhưng ai cũng khuyên chị không nên tắm, nếu có tắm thì nên tắm nhanh không sẽ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi. Chị thực sự hoang mang không biết trong thời gian cách ly tại nhà có nên tắm và tắm như thế nào là tốt nhất để không ảnh hưởng đến sức khỏe?
Bác sĩ bày cách
Để giải quyết những thắc mắc này của người dân, Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Đoàn Mạnh Nam (Khoa Hồi sức cấp cứu – BVĐK Hòa Bình) là một trong những cán bộ của bệnh viện viết đơn xin tình nguyện ra tuyến đầu phòng chống dịch hồi năm 2020.
Bác sĩ Nam cho biết, hiện nay người dân đã bị nhiễu thông tin vì tin và đọc theo mạng xã hội quá nhiều. Chuyện người mắc Covid-19 không được tắm và tắm như thế nào hoàn toàn khác nhau. “Người dân mắc Covid-19 nên vào những trang thông tin của Bộ Y tế để đọc và tìm hiểu về những hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà.
Khi tắm cũng nên lưu ý tắm bằng nước ấm, tắm trong phòng kín gió và đặc biệt, không nên tắm quá lâu. Tắm xong nên lau người thật nhanh và mặc đồ ấm ngay. Bệnh nhân mắc Covid-19 cần ghi nhớ, không nên tắm khi đang sốt, khi người đang đổ mồ hôi, tắm bằng nước lạnh hoặc ngâm mình trong nước, như vậy rất dễ mắc bệnh và lâu khỏi”.
Cũng theo bác sĩ Nam, nhiều người khi mắc bệnh cũng rất cẩn thận như đun nước lá bưởi, lá xả để tắm. Thậm chí nhỏ vài giọt dầu tràm vào nước để tránh viêm phổi. Dù có làm bằng cách nào đi chăng nữa thì việc tắm đúng thời gian, tắm đủ ấm vẫn là quan trọng nhất.
“Việc không ít người bị viêm phổi là do thể trạng, sức đề kháng của mỗi người khác nhau, viêm phổi do phế cầu bao năm nay, hiện vẫn có. Có những người vừa ốm dậy, vội vàng tắm rất dễ viêm phổi, hoặc đi ngoài đường nắng nóng, về tắm bằng nước lạnh nguy cơ viêm phổi rất cao. Viêm phổi như vậy là do vi khuẩn chứ không phải virus. Vì thế, khi mắc Covid-19, bệnh nhân không nên kiêng khem quá kỹ”, bác sĩ Nam lý giải.
Bên cạnh đó, cũng theo Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại nhà của Bộ Y tế, tắm gội đầu giúp giải phóng các tế bào da chết (ghét), làm thông thoáng da, cải thiện bài tiết của tuyến mồ hôi, cải thiện lưu thông máu, giảm sưng đau khớp, cải thiện tinh thần, cải thiện giấc ngủ. Ở nhiều bệnh viện khoa ICU(Hồi sức tích cực)vẫn thường xuyên tắm khô và gội đầu cho người bệnh nằm lâu.
Đế tránh biến chứng, người đang suy kiệt nặng, huyết áp thấp, người đang tiêm truyền, người có vết mổ, người suy tim gan thận nặng không được tắm.
Khi tắm cần tắm bằng nước ấm 30 – 35 độ C, tắm nhanh trong khoảng 5 -10 phút, nơi kín gió, sau tắm lau khô người và mặc quần áo, sấy tóc khô.
Với người mắc Covid-19 nên tắm cách ngày 1 lần, tắm nhanh, tận dụng nồi lá xông, xông xong rồi tắm nhanh trong 5 – 10 phút, lau khô người, sẽ thấy sảng khoái, giúp hạ sốt, thông thoáng mặt da, ngủ ngon, mau khỏe.
Uống một ly nước ấm trước khi tắm gội để đảm bảo cơ thể không mất nước. Vệ sinh trong ăn uống và vệ sinh thân thể giúp F0 mau hồi phục, kiêng khem thái quá sẽ rước thêm bệnh.
Theo thống kê của Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19, ngày 28/3 ghi nhận 83.376 ca mắc Covid-19 mới, giảm 8.453 ca so với ngày trước đó tại 62 tỉnh, thành phố (trong đó có 55.010 ca trong cộng đồng); Có 28 tỉnh, thành ghi nhận từ 1.000 – hơn 9.300 ca. Hà Nội vẫn nhiều nhất, tuy nhiên số ca mắc mới trong ngày của Hà Nội trong thời gian gần đây liên tục giảm.
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 109.424 ca/ngày
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.274.849 ca mắc Covid-19, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 93.891 ca nhiễm).
Nguyễn Sơn - Hoàng Bích