Người mắc tiểu đường khi tiêm vắc-xin Covid-19 cần lưu ý những gì?

Người mắc tiểu đường khi tiêm vắc-xin Covid-19 cần lưu ý những gì?

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 2, 27/09/2021 14:00

Theo khuyến cáo của WHO và thông tin từ những hãng sản xuất vắc-xin, những người có bệnh lý nền như tiểu đường type I hoặc II nên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 sớm.

Tiểu đường hay đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính rất phổ biến, có thể gây ra các biến chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.

PGS.TS.Tạ Văn Bình, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết: Ở người mắc tiểu đường thì hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nhiều so với người không mắc bệnh. Người mắc tiểu đường càng lâu, có nhiều biến chứng, thì nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng càng cao (nhiễm vi khuẩn, nhiễm virus…). Do hệ miễn dịch suy giảm, nên khi bị nhiễm virus, bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm trùng thứ phát, tức là dễ bị "bệnh chồng bệnh".

Các báo cáo về việc tiêm vắc-xin Covid-19 trên bệnh nhân tiểu đường cũng cho thấy khi nhiễm virus, trường hợp này sẽ có khả năng cao mắc các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng.

Việc tiêm vắc-xin sẽ giúp bệnh nhân giảm nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 và ngăn tình trạng bệnh tiến triển nặng nếu mắc phải. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng khuyến cáo, những người có bệnh lý nền như tăng huyết áp và tiểu đường nên tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Cho tới nay, nghiên cứu cho thấy các vắc-xin Covid-19 dung nạp tốt, có hiệu quả và tạo ra phản ứng miễn dịch ở người mắc bệnh tiểu đường. Thử nghiệm lâm sàng của vắc-xin Pfizer và AstraZeneca thực hiện ở người mắc bệnh tiểu đường cho thấy các tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin ở nhóm này tương tự người không mắc tiểu đường.

Tuy nhiên, theo PGS.TS.Tạ Văn Bình, người mắc bệnh tiểu đường cần lưu ý các vấn đề sau:

- Không được bỏ các thuốc điều trị tăng đường huyết trước, trong và sau tiêm vắc-xin.

- Tại nơi tiêm phòng, phải thông báo cho bác sĩ khám sàng lọc về các thuốc đang uống. Ví dụ như thuốc hạ đường huyết loại nào, có uống kèm thuốc hạ huyết áp hay không. Đặc biệt nếu có uống thuốc chống đông máu phải thông báo với bác sĩ ngay.

- Thông báo cho bác sĩ biết tình trạng bệnh tiểu đường và các biến chứng kèm theo. Ví dụ tiểu đường có biến chứng thận, có biến chứng mạch máu, thần kinh….

- Tuân thủ nghiêm túc theo hướng dẫn của nhân viên y tế - nơi tiêm vắc-xin, về nguyên tắc theo dõi và báo cáo, xử trí… đối với người tiêm vắc-xin.

- Đối với từng loại vắc-xin đều có thể gặp những phản ứng thông thường, như: Sốt, đau đầu, mỏi cơ..., đến triệu chứng nặng hơn như là sốc phản vệ do vắc-xin cũng có thể xảy ra. Vì vậy, bệnh nhân tiểu đường nên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại trung tâm có bác sĩ khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm và có đầy đủ phương tiện cấp cứu. Đồng thời cần theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu khoảng vài ngày sau khi tiêm để kiểm soát đường huyết tăng đột biến.

Hiện chưa thấy có hiện tượng tương tác giữa vắc-xin với insulin và các thuốc trị tiểu đường khác. CDC cũng cho biết vắc-xin Covid-19 không tương tác với hầu hết loại thuốc không kê đơn (OTC) và thuốc điều trị tình trạng sức khỏe mạn tính, bao gồm cả bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, CDC vẫn khuyến cáo không nên dùng thuốc không kê đơn để ngăn ngừa tác dụng phụ trước khi tiêm vắc-xin. Những người thường xuyên dùng các loại thuốc này vì bệnh lý nên tiếp tục sử dụng chúng như thông thường. Mọi người cũng không nên dùng thuốc kháng histamine để giúp ngăn ngừa phản ứng dị ứng trước khi tiêm.

Minh Hoa (t/h theo Zing, Sức khỏe và Đời sống)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.