Sống với niềm đam mê
Với mong muốn nâng cao hơn giá trị và hình ảnh cho sản phẩm sen đất sen hồng Đồng Tháp, nghệ nhân Lê Văn Nghĩa, 61 tuổi, tên thường gọi Bảy Nghĩa; ngụ ấp Hưng Lợi Đông, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò đã tạo nên những bức tranh bằng sen độc đáo. Trong đó, có bức chân dung về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ thuở nhỏ, ông Bảy Nghĩa vốn yêu thích nghệ thuật nên khi rảnh rỗi ông thường tranh thủ mày mò học vẽ. Niềm đam mê nghệ thuật từ ông Bảy Nghĩa được dâng trào mãnh liệt hơn khi ông được học nghề thông qua các tác phẩm từ họa sĩ vẽ tranh sơn dầu.
Do đó, ông Bảy Nghĩa có thể bỏ nguyên ngày để học cách vẽ tranh, cách bố trí màu, cách họa đường nét. Thấy vậy, một số họa sĩ đã dành thời gian chỉ dẫn cho ông Nghĩa mà không lấy phí.
Nhớ lại những ngày đầu, ông Bảy Nghĩa cho biết do chưa từng theo học bất kỳ trường lớp mỹ thuật nào, chỉ bằng niềm đam mê và vốn liếng về hội họa được tích góp, ông quyết định thử sức với những bức tranh vỏ tràm.
Ban đầu, ông chỉ thử sức ở nhiều thể loại như: tranh phong cảnh, tranh chân dung, nhưng cuối cùng vẽ chân dung vẫn là thể loại mang lại trong ông nhiều cảm xúc nhất. Thế là, qua thời gian làm tranh từ vỏ tràm, ông Bảy Nghĩa đã nhận được nhiều lời khen từ bạn bè, tác phẩm cứ thể được đa dạng hơn, đường nét tranh cũng sắc nét hơn.
Những ngày theo chân các họa sĩ già đi vẽ tại các đình, chùa giúp tay nghề của ông Bảy Nghĩa ngày càng nâng cao. Song, với mong muốn tạo nét riêng cho nghệ thuật quê hương, năm 2017, ông Bảy Nghĩa quyết định sử dụng lá sen để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Thời điểm đầu, ông Bảy Nghĩa gặp khá nhiều khó khăn do chất liệu lá sen không hề dễ dàng để tạo thành những bức tranh. Vì lá sen chỉ có màu đặc trưng nên nếu không biết cách xử lý, sau một thời gian ngắn tranh bị biến dạng. Nhưng, với niềm đam mê nghệ thuật, ông Bảy Nghĩa vẫn miệt mài nghiên cứu để tìm ra cách sử dụng lá sen vào tranh vẽ một cách hợp lý và ông đã thành công.
“Từ ngày vợ tôi mất, tôi rất hụt hẫng, tinh thần lao dốc, cũng may duyên đẩy đưa để tôi trở về ước mơ thời trẻ. Tôi bắt tay vào sáng tác miệt mài, quên ăn quên ngủ. Có những lúc sáng tác được một bức tranh vừa bụng, tôi thao thức cả đêm vì sung sướng và hạnh phúc. Tôi cảm thấy mình như tái sinh lần nữa khi được sống trọn với đam mê của mình”, ông Nghĩa xúc động chia sẻ.
Nâng niu từng chiếc lá sen
Theo ông Bảy Nghĩa, toàn bộ lá sen được ông tận dụng tất cả để tạo ra tác phẩm tranh. Cụ thể, tác phẩm tranh từ các mảng lá sen, gân sen, vụn lá sen. Lá sen được chọn là những lá già, đã chuyển màu xanh đậm hoặc sẫm, các sợi gân sẽ có độ dai hơn, lá cũng dày hơn dễ dàng cho việc sử dụng và khi xử lý lá không bị rách.
Lá khi đem về phải được phơi nắng, phơi sương, nếu nắng tốt chỉ mất 7 ngày, nắng ít phải mất từ 10 - 15 ngày. Sau khi phơi xong, lá sen được rải khắp nền gạch để cắt hoặc xé thành miếng và ủi nóng. Sau đó, chọn màu lá đậm, nhạt để dán. Loại tranh này cũng không thể vẽ lưới tỉ lệ, khi phác thảo chỉ có thể vẽ thật nhạt một vài chi tiết quan trọng.
Tuy nhiên, cái khó của loại tranh sen là không thể phác thảo như tranh vẽ thường, chỉ cầm miếng lá hoặc cái gân của lá sen để dán lên bằng keo. Khi dán vào rồi không thể lấy ra. Do đó, ông Bảy Nghĩa phải họa nét vẽ trước trong đầu và thấy được cái hình mẫu trên tờ giấy, rồi dán theo cái hình mà trong đầu tưởng tượng ra.
Để hoàn tất một bức tranh từ sen phải qua các công đoạn: chọn lá sen; phơi nắng; cắt, xé, ủi lá; phân loại màu; phát thảo trên giấy; cố định lá sen lên nền bằng keo; phơi khô chỉnh sửa lần cuối; xịt thuốc chống côn trùng, mối, mọt; phủ lớp keo mỏng để giữ cố định từng chi tiết rồi đóng khung.
Theo ông Bảy Nghĩa, tranh sen phong cảnh và tranh chân dung đều có nét đặc trưng và có cái khó riêng. Cái khó khi làm tranh phong cảnh là làm sao để người xem hiểu được bức tranh đang nói về cái gì, làm sao người xem chìm đắm cảm xúc vào trong đó. Còn tranh chân dung công đoạn khó khăn nhất là phải làm sao tạo hồn cho nhân vật. Vì vậy, tùy theo mỗi bức tranh sẽ có những nét riêng trên khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười để tạo nên nét thần thái của từng nhân vật.
Đặc biệt, hằng năm, cứ đến dịp sinh nhật Bác Hồ, ông Bảy Nghĩa đều thể hiện lòng kính yêu của mình bằng việc khắc họa chân dung Bác. Các bức tranh được ông làm nổi 3D từ lá sen trở nên sống động, chân thật từng đường nét.
Ông Nghĩa cho biết, đối với tranh chân dung Bác Hồ, sau khi hoàn thành hình khối, ông biến tấu những lá sen, gân sen theo vị trí phác họa lên khuôn tranh. Ngoài ra, phải xem hình ảnh, cảm nhận rất lâu và kỹ lưỡng để khắc sâu những chi tiết đặc biệt ở hình dáng của Bác như vầng trán cao, đôi mắt sáng, sâu, nụ cười đôn hậu… khi đính tranh.
Những bức tranh chân dung về Bác được nghệ nhân Bảy Nghĩa kết hợp đính dán tạo hình từ lá sen, bụi, gân sen theo từng chi tiết để làm bật lên hình ảnh gần gũi, giản dị của vị cha già dân tộc. Do cần độ tỉ mỉ cao, cũng như tùy thuộc vào mỗi chủ đề của từng bức tranh, để hoàn thiện một bức tranh, phải mất từ 3 - 15 ngày.
“Tranh chân dung công đoạn khó khăn nhất là lên 'thần', tức là khắc họa cái 'hồn' của từng nhân vật. Vì vậy, tùy theo mỗi người sẽ có những nét rất riêng trên khuôn mặt nên phải làm nổi khối, cường điệu chi tiết hoặc giảm xuống theo thần thái của từng nhân vật”, ông Bảy Nghĩa chia sẻ.