Người mẹ 20 năm rửa bát thuê nuôi hai con vào đại học

Người mẹ 20 năm rửa bát thuê nuôi hai con vào đại học

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

“Chỉ cần các con học hành thành đạt, vất vả mấy tôi cũng cố gắng được”.

Hơn 20 năm nay, người dân thị trấn Lục Yên (Yên Bái) dường như đã quá quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ hàng ngày đạp chiếc xe cà tàng đi rửa bát thuê. Chồng mất sớm, một tay chị nuôi dạy các con ăn học và chăm sóc đứa con bại não.

Pháp luật - Người mẹ 20 năm rửa bát thuê nuôi hai con vào đại học

Hơn 20 năm qua, dù ốm đau hay khỏe mạnh chị vẫn miệt mài với công việc rửa bát thuê

Người đàn bà khổ nhất phố núi

Men theo con đường ngoằn ngoèo đi sâu vào chân núi đầy những ổ gà, hố voi sâu hun hút, chúng tôi tìm đến gia đình chị Đỗ Thị Thạch ở tổ 14, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Bước chân vào ngôi nhà nhỏ ấy, chúng tôi gặp chị đang thổi từng thìa cháo nóng hổi cho người con bị bại liệt ăn. Phải chờ thêm 30 phút sau khi chị cho con ăn cháo và uống thuốc, chị mới có thời gian trò chuyện. Kể về cuộc đời mình, về những ngày tháng gian khổ đã qua, những giọt nước mắt bỗng lăn trên đôi gò má đen sạm.

Chị Thạch sinh năm 1954 ở một vùng quê ở nghèo Hải Dương. Năm 1980 chị lập gia đình với anh Giàng Khái Vu người cùng quê. Rồi vợ chồng trẻ mang quyết tâm đến vùng đất Yên Bái làm kinh tế. Cả hai đều làm công nhân cho một công ty xây dựng với đồng lương chỉ đủ ăn. Cuộc sống gia đình chật vật hơn khi chị sinh hạ được hai người con Giàng Thị Kim Nhung và Giàng Thuận Ý. Anh Vu làm việc quá sức nên bị ốm nặng và thường xuyên phải nằm viện.

Người con thứ ba là Giàng Thuận Đông vừa chào đời đã mắc bệnh thiểu năng, cả ngày chỉ nằm ở một góc giường. Mọi sinh hoạt của Đông phải nhờ vào sự chăm sóc của người mẹ. Một thời gian sau, các bác sỹ phát hiện anh Vu bị mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Anh chạy chữa khắp nơi nhưng cũng đành bất lực. Chỉ thêm được vài tuần từ khi đưa về nhà, anh Vu qua đời trong nỗi đau xé lòng của người vợ trẻ. Cũng từ đó, mọi gánh nặng gia đình đều do một tay chị Thạch cáng đáng.

“Khó khăn mấy tôi cũng chịu được”

Sức khỏe yếu, kinh tế gia đình lại khó khăn trong khi chị vừa nuôi hai con đi học và một người con mắc bạo bệnh. Gia tài duy nhất có giá trị là chiếc xe đạp Phượng hoàng cũ. Vậy là chị lên thị trấn xin phụ việc ở một quán phở. Sáng nào cũng vậy, từ tinh mơ sau khi cho các con ăn, dọn dẹp nhà cửa chị lại đạp xe lên thị trấn làm. Chiều tối, sau khi công việc ở quán ăn đã xong chị lại vội vàng đạp xe về nhà lo cơm nước.

Thương mẹ vất vả, hai em Nhung và Ý đều chăm ngoan và học giỏi. Năm nào hai em cũng đạt học sinh giỏi và giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi do trường, huyện, tỉnh tổ chức. Trong đợt thi học sinh giỏi của tỉnh, Nhung đạt giải nhì cấp tỉnh môn Lịch sử, còn em Ý đạt giải nhì môn Vật lý. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, thi vào Đại học Nhung liền xin mẹ cho đi rửa bát thuê để có tiền trang trải. Nhung không phụ lòng mẹ khi nhận được giấy báo nhập học của hai trường: Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và Đại học Thương mại với điểm số cao. Vốn có kiến thức sâu về ngoại ngữ nên Nhung xin mẹ theo học khoa tiếng Trung của trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Biết cuộc sống gia đình sẽ khó khăn hơn nhưng chị Thạch vẫn chạy vạy vay tiền cho con theo học. Ở nhà, ngoài công việc rửa bát thuê, buổi tối chị lại tranh thủ ra bến xe bốc vác. Năm sau, người con trai Giàng Thuận Ý thi đỗ cả hai trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Y Thái Nguyên. Bước sang năm thứ 2 của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Ý tiếp tục dự thi Đại học thêm lần nữa và đã trúng tuyển vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân với số điểm thủ khoa.

Nhà nghèo, số tiền mẹ kiếm được từ việc rửa bát thuê không đáng là bao nên ngoài giờ học trên giảng đường Ý và Nhung tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Tuy vậy, năm nào hai em cũng mang về những tấm bằng khen, giải thưởng tặng mẹ giúp chị thêm hãnh diện về các người con. Lòng chị quặn thắt khi biết các con nhịn ăn uống để lấy tiền nộp học. Cuối năm 2010, Nhung bị bệnh Hẹp hang vị, cần phải phẫu thuật. Thương con, chị chạy đôn chạy đáo khắp nơi để vay số tiền 30 triệu đưa con đi bệnh viện.

Bản thân chị Thạch vốn mang nhiều bệnh, cứ mỗi khi trở trời là đầu đau buốt, chân tay tê nhức. Thế nhưng chị chẳng dám lơ là công việc rửa bát. Chị tâm sự: “Khổ thân mấy đứa, bố thì mất sớm, em trai thì bị bại liệt nên nó phải vừa đi học, vừa phải đi làm thêm. Đời tôi khổ nhiều rồi giờ chỉ mong cho hai đứa được học hành đến nơi đến chốn để sau này đừng khổ như mẹ nó. Chỉ cần các con học hành thành đạt, vất vả mấy tôi cũng cố gắng được”.

Bác Nguyễn Thị Lan, một người hàng xóm kế bên nhà tâm sự: “Hai đứa Nhung và Ý học giỏi lắm, năm nào cũng đạt học sinh giỏi. Hè về mấy đứa lại xin mẹ cho lên thị trấn rửa bát cùng. Ngày nào, chị Thạch cũng đi làm tối mịt mới về, mặt mũi tái xanh ai cũng thấy tội. Chị ấy kiếm được đồng tiền nào cũng chẳng dám chi tiêu, suốt ngày bảo để dành lo thuốc thang và chi tiêu cho các con”.

Giờ đây, bữa ăn hàng ngày của chị và người con thiểu năng cũng bớt đạm bạc hơn, không còn cảnh bữa đói bữa no. Cứ thế, ngày nào chị cũng đi từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới về nhà với công việc rửa bát thuê. Khó khăn là vậy nhưng bà con lối xóm chưa bao giờ thấy chị than thở. Những lúc rảnh rỗi, chị vẫn lấy những tấm bằng khen học sinh giỏi của các con ra lau chùi và khoe với hàng xóm. Giọt nước mắt chị nhẹ rơi với nụ cười hạnh phúc...

Nhật Tân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.