Đó là bà Đào Thị Kiều (62 tuổi), ngụ ấp Bình Thạch, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Mẹ nghèo đào hố chôn con
Người dân xã Bình Hòa thường gọi người mẹ đau khổ ấy là bà Sáu Kiều. Họ quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ 2 màu tóc thường cắp chiếc nón lá đi làm thuê cuốc mướn kiếm tiền đong gạo nuôi con. Hơn 60 tuổi nhưng bà chưa bao giờ được hưởng cảnh sung túc. Đã từng có thời gian, 2 vợ chồng phải bào quả chuối non nấu cháo ăn qua ngày.
Bà Đoà Thị Kiều chăm sóc cho chị Lâm Kim Liên (43 tuổi), người con đầu lòng của bà bị nhiễm chất độc da cam phải sống cuộc sống thực vật .
Trong căn nhà trống trải, bà bắt đầu câu chuyện với quá nhiều khổ đau của mình. Năm 19 tuổi, bà Sáu Kiều bén duyên cùng thanh niên hơn mình 6 tuổi tên là Lâm Bá Trung. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề nên đám cưới không có mâm cao cỗ đầy, mà chỉ là những cái gật đầu đồng ý giữa 2 họ. Cuộc sống hạnh phúc chưa được bao lâu thì chồng bà bị bắt đi quân dịch ở chiến trường Quảng Trị. Hai tháng sau, ông Trung trở về bên bà với cây nạng gỗ và những vết thương chi chít do bom đạn gây nên.
Năm 1970, bà Kiều sinh hạ đứa con gái đầu lòng là Lâm Kim Liên. “Lúc đầu Liên cũng bụ bẫm như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, khi lên 2 tuổi thì bắt đầu có những biểu hiện phát triển không bình thường. Cháu không biết nói, không biết đi và càng ngày chân tay co quắp, nằm một chỗ, không ý thức được gì. Đến nay, đã hơn 40 tuổi nhưng Liên vẫn là đứa trẻ sống cuộc sống thực vật”, bà Kiều nghẹn ngào nói.
Nuôi hy vọng có đứa con lành lặn nên vợ chồng nghèo tiếp tục sinh đứa thứ 2, thứ 3, rồi… đến đứa thứ 7. Nhưng những người con ra đời cứ mang trong mình di chứng chất độc da cam khiến hình hài co quắp, dị dạng rồi lần lượt từ giã cõi trần. “Mấy đứa nhỏ ra đời rồi chỉ sống được một thời gian ngắn. Có đứa sống được cả chục năm nhưng cũng có đứa chỉ sống chưa đầy 20 ngày”, bà Kiều chia sẻ.
8 lần sinh nhưng người mẹ nghèo có đến 6 lần phải đào hố chôn con. Đưa tay quệt dòng nước mắt lăn dài trên má, bà Kiều sụt sùi: “6 người con đều nằm chết trên tay của tôi. Mấy đứa nhỏ không thể trăng trối gì mà chỉ biết ôm chặt cổ mẹ, nước mắt trào ra rồi trút hơi thở cuối cùng. Dù bệnh tật nhưng có lẽ chúng ý thức được về hơi ấm tình mẫu tử”.
Người mẹ đau đớn kể về 6 lần đào hố chôn con.
3 lần uống thuốc độc tự tử
Chồng con đau ốm liên miên, một mình bà là trụ cột chèo chống cho cả gia đình. Để có tiền lo thuốc thang, đong gạo nuôi chồng con, bà phải lặn lội khắp các mỏ đá ở Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Dương xin làm phu đá với những đồng tiền công ít ỏi. Khi các mỏ đá đóng cửa, bà một thân một mình lên tận huyện miền núi Định Quán (Đồng Nai) xin làm rẫy thuê. Được đồng tiền nào bà lại dành dụm gửi về nuôi chồng con, phần mình thì kiếm đu đủ, sắn, chuối xanh nấu cháo ăn qua ngày.
Cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Vách nhà tranh rách nát, cứ mưa gió là vợ chồng đứng cả đêm căng tấm nylon che mưa cho mấy đứa con. Kể về những tháng ngày đói khổ, bà Sáu Kiều tâm sự: “Có thời gian quần áo cũng không đủ để mặc. Suốt mấy tháng liền trên người tôi chỉ có một bộ quần áo. Ban ngày thì mặc đi làm, ban đêm về lại cởi ra giặt rồi đem phơi để sáng hôm sau mặc tiếp”.
Đói khổ về vật chất, đau đớn về tinh thần nên bà đã từng tìm đến cái chết. Lần thứ nhất, bà tự trộn thuốc Tây lẫn với thuốc Bắc để uống nhưng được hàng xóm vô tình phát hiện và đưa lên bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cấp cứu. Lần thứ hai, sau khi đi làm về bà trốn ra vườn chuối sau nhà rồi mở chai thuốc trừ sâu để uống. Khi lọ thuốc vừa tới miệng thì chồng bà từ phía sau lao tới hất văng chai thuốc.
Sau những đắng cay, nghiệt ngã, cuộc đời cũng bù đắp phần nào bù đắp khi đứa con gái út là Lâm Ngọc Nhẫn thông minh học giỏi, hiện là giảng viên đại học.
Sau 2 lần tự tử bất thành, bà chấp nhận với cuộc sống buồn tủi của mình. Vậy nhưng vì cuộc sống quá cay cực nên một lần nữa người mẹ nghèo lại tìm đến cái chết. Trong một lần chồng đi xa, bà ở nhà đổ chai thuốc diệt rầy vào ca nước với ý định giải thoát cho mình và những đứa con tội nghiệp.
Khi bà đang bưng chén thuốc độc kề lên miệng người con gái tật nguyền thì chồng bà phát hiện và ném bay ca thuốc. Bà kể: “Lúc đó ông ấy quỳ xuống và van lạy tôi đừng bao giờ làm thế. Mình sinh con ra, đói khổ, bệnh tật thế nào cũng nên gắng gượng. Đừng hại con. Cái nợ của vợ chồng mình thì mình phải trả. Lúc đó, 2 vợ chồng chỉ biết ôm nhau mà khóc”.
Đó cũng chính là lúc bà không còn nghĩ đến chuyện tự tử và an phận với những bất hạnh của cuộc đời. Sau gần 10 năm kể từ khi người con thứ 6 từ trần, đôi vợ chồng khốn khổ mới dám sinh con. Năm 1989 người con gái út của bà Kiều là Lâm Ngọc Nhẫn chào đời. Sau bao đau thương, mất mát, cuối cùng hạnh phúc cũng mỉm cười khi Nhẫn lớn lên và hoàn toàn khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác.
Năm 2004, chồng bà mất sau một thời gian lâm bệnh nặng. Giờ đây, Nhẫn là nơi để bà nương tựa khi tuổi đang ở xế chiều. Nhẫn tốt nghiệp xuất sắc ngành Kế toán và hiện là giảng viên tại trường Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai). Có lẽ đó là sự bù đắp xứng đáng của cuộc đời giành cho bà sau bao đắng cay, nghiệt ngã mà bà đã gánh chịu.
Theo Tri thức