Câu chuyện “bán tim” lấy tiền với mong muốn thực hiện ca ghép tế bào gốc cho đứa con trai lên 7 tuổi bị bệnh Thalassemia (tan máu bẩm sinh) của chị Trần Thị Hoa (27 tuổi, quê Bình Thuận) vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
Để có cái nhìn đa chiều hơn về chia sẻ của chị Hoa, phóng viên Báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với luật sư Trịnh Cẩm Bình – Giám đốc Công ty luật Biển Đông, Đoàn luật sư TP. Hà Nội.
Chia sẻ về vấn đề này luật sư Bình cho hay, Việt Nam đã có Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (có hiệu lực từ ngày 1/7/2007) quy định những nguyên tắc, thủ tục và các vấn đề có liên quan.
Theo quy định của luật này, việc hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác theo nguyên tắc tự nguyện đối với người hiến, người được ghép; vì mục đích nhân đạo, chữa bệnh, giảng dạy hoặc nghiên cứu khoa học; không nhằm mục đích thương mại; giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 4).
Bên cạnh đó, luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đơn cử như lấy trộm, ép buộc người khác phải cho hoặc lấy của người không tự nguyện hiến; mua, bán; lấy, ghép, sử dụng, lưu giữ vì mục đích thương mại; quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận vì mục đích thương mại (Điều 11)...
Như vậy, việc mua bán bộ phận cơ thể người mà cụ thể là buôn bán thận thuộc hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
“Việc người phụ nữ này bán quả tim của mình đi, tất nhiên đó là 1 bộ phận của chính họ, họ có quyền quyết định những gì thuộc sở hữu của mình nhưng cũng là trái quy định của pháp luật.
Bởi lẽ, như tôi phân tích ở trên, theo quy định của luật, chưa cho phép bán các bộ phận trên cơ thể, để tránh trường hợp mua - bán nội tạng”, luật sư Bình phân tích.
Tuy nhiên cũng theo vị nữ luật sư, trường hợp này khá cá biệt vì người phụ nữ bán quả tim của mình với mục đích để có tiền chữa bệnh cho đứa con trai ruột đang bị bệnh tan máu bẩm sinh. Điều ấy thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng chứ không vì mục đích thương mại hay trục lợi gì khác.
Ở một góc độ khác, GS. TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương cho rằng người mẹ trẻ đó đang... “nói quá”.
“Chỉ cần nói hai từ “bán tim” người không có chuyên môn cũng hiểu, “bán tim” là chết. Tim chỉ hiến khi người đó bị chết não”, GS Trí cho hay.
Nói về trường hợp cháu Trương Hoàng Phúc (con trai chị Hoa – PV), GS. Trí chia sẻ: Cháu Phúc bị bệnh tan máu bẩm sinh nhưng chưa ghép được tế bào gốc vì không phải ai cũng ghép được tế bào gốc.
“Cháu đang trong tình trạng bị ứ sắt, quá tải sắt quá lớn, các bác sĩ không bao giờ ghép khi các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương.
Việc này chúng tôi đã giải thích rồi và cũng trao đổi là chưa ghép được. Ghép phải có điều kiện chứ không chỉ có tiền. Ghép phải có tế bào gốc, phải chuẩn bị nền tàng đẩy đủ mới ghép được mà ghép còn khó”, GS. Trí đưa ra ý kiến.
Với cá nhân chị Hoa, chị tâm sự: “Khi tôi có ý định bán nội tạng nhằm lấy tiền cứu con, nhiều người đã bảo tôi nói dối, lừa đảo nhằm kiếm tiền, có người còn gọi điện thẳng cho tôi mắng té tát, dùng những ngôn từ rất khó nghe... Nhưng họ không thể hiểu rằng, nếu không vì hoàn cảnh tôi đâu phải đăng tin như vậy.
Tôi không cần trục lợi cho bản thân, không muốn trở thành người nổi tiếng để đến nỗi phải đi lừa dối ai. Ước mong duy nhất của tôi là con khỏe mạnh. Mong sao mai này con trai khôn lớn sẽ là người giúp ích cho xã hội, gia đình”...
Nguyễn Huệ