Người mẹ cai nghiện cho con bằng liệu pháp tình thương

Người mẹ cai nghiện cho con bằng liệu pháp tình thương

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Câu chuyện của một người mẹ có con từng dính phải làn khói trắng và đã quyết tâm cai nghiện cho con khiến tôi đặc biệt xúc động.

Tôi gặp bà Nguyễn Thị Mai lần đầu tại trụ sở Hội phụ nữ phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nhìn người đàn bà trước mặt mình, tôi khó đoán định tuổi chính xác bởi nghe tiếng cười sảng khoái của bà thật trẻ nhưng gương mặt lại hằn rõ những nhọc nhằn, tủi cực của gần cả đời người đã từng qua.

Pháp luật - Người mẹ cai nghiện cho con bằng liệu pháp tình thươngẢnh minh họa.

Tán gia bại sản vì lô đề

Ngoài 20 tuổi, bà lấy chồng. Cho tới lúc về hưu (năm 1989) gia đình bà cũng chưa từng có vấn đề gì khiến xóm giềng phải phiền lòng. Chồng bà làm ở Nhà in báo Quân đội Nhân dân, còn bà làm bên lương thực, gia đình cũng thuộc diện cơ bản. Ba người con của ông bà đều ngoan hiền, hiếu thảo với mẹ cha. Trong ngôi nhà nhỏ ở phường Bưởi của ông bà luôn đầy ắp tiếng cười.

Những năm 90, nạn chơi số đề bắt đầu trở nên rầm rộ. Do áp lực về kinh tế, con trai lớn lập gia đình và ra ở riêng, đứa con trai nhỏ vừa mới tốt nghiệp chưa có việc làm, chồng bà bắt đầu làm một chân ghi số đề. Lẽ thường đồng tiền không qua lao động thì không bền, đến năm 1997, gia đình bà phải bán cả căn nhà đang ở để gán nợ cho người ta.

Không nhà, không cửa, vợ chồng bà được bà con bên nội thương tình gọi cho ở nhờ một căn gác nhỏ tại Cầu Giấy cùng với cô con gái út. Đứa con trai thứ tên T. mới tốt nghiệp cấp 3, chưa có công ăn việc làm cũng phải đi thuê chỗ khác để ở. Gia đình tứ tán, vợ con sống khổ sở, chồng bà, vì lo nghĩ nhiều nên đổ bệnh và qua đời năm 1998.

Chồng mất, mẹ con bà Mai lại khăn gói về Nghĩa Đô tính kế mưu sinh. Ngoài 50 tuổi, hàng ngày bà Mai vẫn phải đi chở vật liệu thuê cho các gia đình đang xây dựng trong thành phố. Anh T. xin làm thêm ở các quán bar, nhà hàng, không kiếm được là bao nhưng cũng phụ mẹ được một chút để nuôi em gái. Cuộc sống khốn khó cứ lặng lẽ trôi đi, vất vả nhưng thấy các con ngoan, bà Mai cũng thấy dịu lòng.

Một lần T. dẫn về một người con gái và xin phép mẹ được cho cưới. Nhìn thấy cái thai trong bụng cô gái đã lùm lùm, bà Mai đành phải chấp nhận. Nhưng hạnh phúc của vợ chồng T. chẳng được bao lâu, khi đứa con được gần một tuổi thì vợ T. không chịu nổi cảnh khổ đã bế con bỏ đi. Sau cú sốc đó, T. trở nên lầm lì ít nói.

Làm việc trong môi trường phức tạp, lại thêm buồn chán, bị bạn bè xấu rủ rê, T. dính vào ma túy lúc nào không hay. Vì không ở chung nên gia đình cũng không biết T. nghiện. Chỉ đến khi anh nghiện nặng, bỏ cả việc làm, suốt ngày vất vưởng đi kiếm tiền mua thuốc thì mọi người mới biết. T. nghiện nhưng không trộm cắp của ai bao giờ, khi nào đói thuốc quá thì vào nhà bà con họ hàng, ngửa tay xin tiền, hôm xin được, hôm không.

Nhiều hôm đói thuốc quá nhưng T. cũng chẳng dám làm liều, chỉ tự cào cấu bản thân. Khuyên em không được, có hôm người anh cả giận quá đập cả mũ bảo hiểm vào đầu em, nhìn thấy máu chảy mới giật mình đưa đi cấp cứu. Chỉ sau một đêm, tóc trên đầu bà Mai đã bạc đi từng mảng. Sau nhiều ngày suy nghĩ, bà bắt đầu cuộc hành trình làm lại cuộc đời cho con trai.

Hành trình giành lại con từ thần chết

Chạy vạy khắp bà con họ hàng, cuối cùng bà Mai cũng vay được một khoản tiền nhỏ, mượn một căn nhà của một người em trên phố, đưa T. đến đó ở để cách ly với đám bạn, rồi mời thầy thuốc đến thăm khám, điều trị cho T. Thương mẹ, cũng muốn bứt ra khỏi ma túy để trở về cuộc sống bình thường, làm ăn nuôi con, T., nhốt mình trong phòng, uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bà Mai bỏ việc, túc trực bên con cả ngày lẫn đêm. Mỗi khi T. lên cơn, bà phải lánh sang phòng khác để khóc.

Suốt mấy tháng trời, ngày nào cũng vậy, đến khi cơn nghiện của T. thuyên giảm, hai mẹ con trở về Nghĩa Đô. Bà Mai lại tiếp tục đi thồ vật liệu thuê. Bà canh cánh món nợ trên vai nhưng mừng khi con đã cơ bản thoát khỏi ma túy. Nhưng rồi T. tái nghiện. Năm lần bảy lượt, bà khuyên con đi cai tiếp nhưng không được.

Lúc ấy, bà Mai lại nghe tin con dâu đã bỏ đứa con trai mới một tuổi cho nhà ngoại để đi theo một người đàn ông khác. Bà Mai lại lặn lội lên ẵm cháu về nuôi. Nuôi một đứa con gái ăn học đã cực, nay lại thêm một đứa trẻ còn khát sữa, nợ nần chất thêm sau mỗi lần con trai cai nghiện hụt. Người con trai lớn muốn giúp mẹ nhưng cũng lực bất tòng tâm.

Thấy T. tuy nghiện nặng nhưng những lúc tỉnh vẫn thường tranh thủ về thăm con, bà Mai nghĩ nhiều lắm. Sau cùng bà yêu cầu T. nếu không cai nghiện thì không được phép gặp con. Thương con, tủi nhục và muốn làm lại cuộc đời, T. bảo mẹ lên phường, xin cho đi trại. Danh sách cai nghiện của phường lúc ấy đã chốt, nhưng nhìn thấy người mẹ tiều tụy vì con, các cán bộ phường thương tình cho T. vào danh sách.

Lên trại B93 ở Sơn Tây, T. cố gắng lao động và rèn luyện theo hướng dẫn của các bác sĩ nhưng suốt cả tháng trời không thấy mẹ lên thăm. Cứ cuối tuần, nhìn bạn bè trong trại có vợ con, anh em quan tâm, tiếp tế và động viên mà T. thấy tủi thân. Mượn tạm cây bút, anh viết về cho mẹ lá thư xin mẹ tha thứ và tin tưởng ở mình, không quên lời hứa hoàn lương để được trở về nuôi con đỡ đần cho mẹ.

Đọc thư, bà Mai khóc rất nhiều nhưng vẫn kiên quyết từ chối. Bà muốn con trai ý thức được nỗi khổ, nỗi tủi nhục để có ý chí làm lại cuộc đời. Sau này, khi người anh cả lên thăm em, thấy T. đã có nhiều tiến triển tốt mới về khuyên can mẹ. Bà lại mở lòng, ôm cháu lên thăm con. Nhìn con trai bi bô trên tay mẹ, T. càng có thêm quyết tâm để cai nghiện.

Hơn một năm sau thì T. được về. Mẹ con bà cháu mừng mừng tủi tủi nhưng bà Mai vẫn canh cánh về khả năng tái nghiện của con trai. Căn nhà nhỏ được sửa sang lại, anh chuyển về sống với mẹ, với con và em gái. Sau khi đi tham khảo khắp nơi, bà Mai đi kiếm lá trầu không, giã lấy nước để mỗi lần T. thấy khó chịu trong người thì uống. Về sau, khi T. đã cai nghiện hoàn toàn, hễ có ai đến hỏi, bà Mai lại nhiệt tình hướng dẫn họ.

Được sự giúp đỡ của Hội phụ nữ, đoàn thanh niên phường Nghĩa Đô, T. tìm được việc làm bảo vệ tháp nước ở bốt Hàng Đậu. Vừa làm, anh vừa tranh thủ học thêm nghiệp vụ. Đến năm 2008, anh được nhận vào làm bảo vệ một trong những khách sạn hàng đầu ở Hà Nội. Hòa đồng và tốt bụng, thêm sự cẩn thận chu đáo trong công việc nên T. được đồng nghiệp tin yêu. Hiện anh đang phụ trách bộ phận an ninh của một khách sạn.

Khi nhìn lại quãng đời đã qua, anh T. tâm sự: "Nhờ có mẹ mà mình mới có được ngày hôm nay. Đến lượt mình cũng nên giúp đỡ những người khác. Tùy sức mình, giúp được đến đâu thì đến nhưng quan trọng là phải có cái tâm". Mỗi khi có người đến nhờ giúp cai nghiện, T. lại nhiệt tình hướng dẫn họ chống lại sự cám dỗ của ma túy.

Nơi ở của mẹ con bà Mai hiện giờ vẫn chỉ là một mái nhà lúp xúp, được dựng lên tạm bợ. Con trai giờ cũng đã lớn nên anh T. phải thuê một căn phòng nhỏ gần đó để ở. ước mơ của cả gia đình bà Mai giờ đây là dành dụm được một món tiền, cất một ngôi nhà kiên cố để mẹ con được quây quần. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bà Mai vẫn hồ hởi: "Cháu nó không tái nghiện là tôi như được tái sinh thêm lần nữa rồi! ".

Đỗ Huệ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.