Thầm lặng thương con…
Người cha 13 năm “gà trống nuôi con” mà PV báo Người Đưa Tin đã từng viết là ông Lê Tiết Nhân, người được dân cư ở xóm lao động nghèo gần dốc cầu Chánh Hưng (quận 8, TP.HCM) vô cùng nể phục. Họ dành cho ông không ít lời khen ngợi như: “Người cha mẫu mực”, “người cha tần tảo”... Chưa từng ai nghe ông than phiền dù 13 năm sống cảnh “gà trống nuôi con”. Khi có ai đó ngỏ ý “mai mối”, ông đều nhẹ nhàng từ chối: “Tôi chưa nghĩ đến, tôi muốn lo cho các con trước đã”.
Ngày vợ mất, ông tự nhủ: “Dù có nghèo đói, cũng không thể để con thiếu chữ” và thế là ông đặt ra mục tiêu: “Nghèo khổ đến mấy con cái cũng phải tốt nghiệp lớp 12”. Vượt xa mong đợi của ông, cả ba chị em Tú Chinh đều được học hành đến nơi đến chốn. Hai người chị lớn, người đã tốt nghiệp cao đẳng, người đang học trung cấp. Hiện nay, các cô gái đều đã đi làm và đỡ đần thêm cho ông.
Riêng Tú Chinh, cô con gái út là niềm tự hào lớn nhất của gia đình ông. Ban đầu, ông Nhân chỉ nghĩ cho Tú Chinh tham gia môn điền kinh để rèn luyện sức khỏe. Bởi, với ông, việc cho con học chữ vẫn là mục tiêu quan trọng nhất. “Nhưng vì Tú Chinh đam mê điền kinh quá nên nó vừa tranh thủ đi học, vừa luyện tập. Thế rồi tôi cũng cho Chinh tập nhưng với điều kiện thực hiện song song việc học tập với luyện tập điền kinh”, ông Nhân chia sẻ.
Là con út lại chịu cảnh côi cút từ lúc còn quá nhỏ nên Tú Chinh được ba dành tình cảm nhiều nhất. Dù Tú Chinh tập luyện tại sân vận động quận 8 hay sân Thống Nhất (quận 10, TP.HCM), ông cũng luôn là người đưa đón cô.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ hình ảnh xúc động tại giải điền kinh trẻ châu Á diễn ra giữa năm 2016 khi Lê Tú Chinh chạy lên khán đài, ôm ba khóc ngon lành sau khi giành HCV cự ly 200m nữ. Đó là giọt nước mắt vỡ òa hạnh phúc. Tú Chinh hoàn toàn không ngờ là cha mình có mặt chứng kiến giây phút con chiến thắng. Bởi, trước đó, ông chỉ nhắn tin động viên Tú Chinh thi đấu tốt và cho biết ông không đến sân cổ vũ được vì còn phải đi làm thuê cho người ta.
Thành công là thế nhưng Tú Chinh vẫn ra sức tập luyện và xem cha là điểm tựa tuyệt vời của mình. Những lúc tập luyện mệt mỏi, buồn lòng vì không đạt được kỳ vọng như HLV đưa ra, Tú Chinh luôn về nhà tâm sự với ba.
“Dù thương con tập luyện vất vả, nhưng tôi không bao giờ để lộ ra cho con thấy. Tôi hỏi rõ lý do con buồn và ngồi nghe con chia sẻ để an ủi, động viên con. Tôi luôn nói, đây là con đường con chọn. Dù chông gai hay gian khó, con phải mạnh mẽ tự mình đứng dậy để vượt qua”, ông Nhân chia sẻ.
Không những thế, mỗi lần Tú Chinh đi thi đấu ở đấu trường quốc tế, ông Nhân đều gác lại công việc, chở con gái ra sân bay. Trước giờ bay, ông trò chuyện và không quên những lời động viên, pha vào đó là những câu đùa vui để con bớt căng thẳng. Tú Chinh cũng vậy, trước những sự kiện quan trọng, cô ôm ba mình cái ôm ấm áp như để có thêm động lực, có thêm sức mạnh.
Cô - trò cùng mồ côi mẹ
Tối 22/8, Tú Chinh giành HCV SEA Games 29 nội dung 100m với thành tích 11 giây 54, bỏ xa các đối thủ. Khi “nữ hoàng tốc độ” mới bước lên bục nhận huy chương, người hâm mộ vẫn không sao quên được hình ảnh ở bên dưới, HLV Thanh Hương đứng ngồi không yên. Bà chụp ảnh học trò rồi lại dạy cách khoác cờ, cách dang tay để tạo dáng.
HLV Thanh Hương chia sẻ: “Thời điểm đó, tôi là HLV điền kinh và được tăng cường về quận 8 hỗ trợ công việc. Tình cờ, tôi phát hiện và tuyển Tú Chinh đi tập điền kinh. Khi đó, Chinh chưa biết điền kinh là gì và cơ thể cũng rất gầy yếu. Khi bắt đầu vào huấn luyện, tôi mới biết Chinh mất mẹ. Biết tin ấy, tôi càng thương Chinh hơn vì Chinh và tôi cùng mồ côi mẹ. Tôi không còn mẹ từ 13 tuổi nên nhận biết được nhiều thứ. Chinh hiền lành, ít nói, 8 năm qua, hai cô trò đã đi bên nhau giống như 2 mẹ con vậy”.
Gia cảnh khó khăn khi mồ côi mẹ từ nhỏ, Tú Chinh được HLV Thanh Hương phát hiện tài năng khi học lớp 5 và sau này sát cánh cùng cô trò nhỏ. Những thành công của Tú Chinh ghi đậm dấu ấn huấn luyện của HLV Thanh Hương. Vì thế, Tú Chinh không bao giờ quên ơn người thầy ấy. Hơn thế, Tú Chinh luôn xem HLV Thanh Hương như người mẹ thứ hai của mình.
Gia đình khó khăn nên Tú Chinh rất chăm chỉ học văn hóa và tập luyện. Thông thường các VĐV thể thao sau khi được tuyển chọn vào tuyển năng khiếu sẽ chuyển về ăn ở, tập luyện tại trung tâm Thể thao Thành phố. Nhưng Tú Chinh được tạo điều kiện để về nhà. Như vậy, thay vì phải ăn ở trung tâm, Tú Chinh đã tiết kiệm được tiền ăn mang về nhà giúp cha và các chị. Tú Chinh thậm chí cũng không học bổ túc văn hóa mà vẫn theo học văn hóa hệ chính quy tại trường THPT Nguyễn Thị Định đến hết cấp III và luôn đạt học lực khá.
Nhiều năm qua, TP.HCM không có nhân tài ở môn điền kinh kể từ khi VĐV cự ly trung bình Trương Thanh Hằng chuyển về đầu quân cho Ninh Bình rồi giải nghệ. Vì thế, sự xuất hiện của Tú Chinh ở đường chạy cự ly ngắn khiến ngành thể thao TP.HCM như bắt được vàng. Thế nhưng, để có được thành tích hôm nay, cô trò Thanh Hương - Tú Chinh đã phải nỗ lực tập luyện gian khổ suốt 8 năm qua. Có lần Tú Chinh bị mẻ xương tay, nhưng cô chỉ nghỉ 2-3 tuần rồi ngay lập tức trở lại tập luyện.
HLV điền kinh cho biết, bà không chỉ dạy Tú Chinh chạy mà còn thương cô như con đẻ. Tú Chinh xúc động: “Tôi mất mẹ từ 12 năm trước. Cảnh mồ côi mẹ khổ lắm, nhiều chuyện chẳng biết tâm sự cùng ai. May mắn tôi gặp cô Thanh Hương. Cô thương tôi như con, không những chỉ dạy tôi điền kinh mà còn chăm sóc tôi về mọi mặt trong cuộc sống”.
Việc HLV Thanh Hương xuất hiện giống như một phép màu đến với cuộc đời của Tú Chinh. Hai cô trò hay nói đúng hơn là hai mẹ con đang và sẽ đồng hành cùng nhau để tạo thêm thật nhiều kỳ tích cho bộ môn điền kinh của thể thao Việt Nam. Mới đây, Tú Chinh cùng HLV Thanh Hương tham gia Đại hội thể thao trong nhà và Võ thuật châu Á tại Turkmenistan (Lào). Tại đây, 2 người đã gặt hái thành công với tấm huy chương Bạc ở cự ly 60m.
Theo tiết lộ của nhà quản lý bộ môn điền kinh TP.HCM, nhà vô địch SEA Games 29 Lê Tú Chinh sẽ được gửi sang trung tâm IMG (bang Florida, Mỹ) để huấn luyện. Thời gian tập huấn của Tú Chinh được biết sẽ kéo dài từ năm 2017 – 2020. Đích đến là Olympic Tokyo 2020 tại Nhật Bản. Đi cùng Tú Chinh trong chuyến xuất ngoại tới Mỹ sẽ là HLV Nguyễn Thị Thanh Hương, người luôn sát cánh với cô học trò cưng suốt thời gian qua. Tại Mỹ, Tú Chinh sẽ được các chuyên gia Mỹ chuyên về các cự ly ngắn huấn luyện. Ngoài chương trình tập huấn còn có những giải đấu để thử sức và đánh giá sự tiến bộ của các vận động viên.
Nữ hoàng điền kinh Ngoài 1 HCV cự ly 200m tại giải điền kinh trẻ châu Á, trong năm 2016, Tú Chinh còn giành thêm 4 chiếc HCV tại giải vô địch quốc gia (2 cá nhân, 2 đồng đội), 1 HCV, 1 HCB tại Đại hội thể dục thể thao bãi biển châu Á cùng một số HCV tại giải điền kinh quốc tế TP.HCM mở rộng và giải trẻ khác…Trong đó, chiếc HCV nội dung 100m tại giải vô địch quốc gia được xem là một dấu ấn của thể thao TP.HCM trong năm 2016. Bởi, đây là chiếc HCV mà điền kinh TP đã chờ đợi suốt 21 năm qua. Năm 2017, Tú Chinh tiếp tục gặt hái nhiều thành tích, trong đó có 2 HCV tại Giải điền kinh Thái Lan mở rộng. Tại SEA Games 29, Tú Chinh nhận được 3 HCV các nội dung 100m, 200m và 4x100m nữ. Mới đây, Tú Chinh tham gia Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á trong nhà tại Turkmenistan (Lào) và thành công với tấm huy chương Bạc 60m. |