Tình cảm thiêng liêng của người mẹ điên
Sinh ra đã là một đứa trẻ chậm chạp, Trần Thị Rứa (SN 1948) trú tại thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh (Quảng Bình) đã sớm bộc lộ bản năng của một đứa trẻ không bình thường.
Dù là một cô gái có phần dở dở ương ương, thế nhưng đến cái tuổi mười tám, đôi mươi, cũng đã có không ít chàng trai thầm tiếc nuối khi đứng trước một cô gái điên xinh đẹp. Và Rứa cũng đã biết yêu, như bao cô gái cùng trang lứa khác.
Ba mẹ con người điên đói khát với tương lai mịt mờ. Ảnh H.H.
Năm 1966, khi mới bước sang cái tuổi son sắc nhất của người con gái, Rứa đã gặp được người tình trong mộng của mình. Không một lời cầu hôn, không một bàn tiệc cưới, Rứa chấp nhận sống với người đàn ông ấy. Nhưng Rứa không biết rằng người đàn ông mình đem lòng yêu thương đó chỉ là một gã sở khanh. Hắn chỉ là một kẻ có chút thương hoa, tiếc ngọc cho cái nhan sắc phí hoài của “một con dở” chứ đâu biết yêu thương chân thành. Và thậm chí với hắn, cô chỉ là một "con điên" không hơn, không kém.
Sớm trở thành đàn bà, tình yêu đã mang lại cho Rứa niềm vui, niềm hạnh phúc, và nỗi sung sướng khi cô cảm nhận được một sinh linh bé nhỏ đang lớn dần lên từng ngày trong mình. Thế nhưng, niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ của một người phụ nữ đó đã không thể cứu vãn cuộc đời cô, không thể đưa cô từ một kẻ điên trở thành một người bình thường.
Cũng là một ngã rẽ, nhưng ngã rẽ của người mẹ trẻ ấy lại là ngã rẽ của những câu chuyện đầy cám cảnh, đáng thương khi cô con gái đầu lòng Lê Thị Mùi (SN 1967) ra đời trong cảnh "không bà đỡ". Mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, không có ai bên cạnh, dù điên loạn, nhưng nỗi tủi hổ của một người đàn bà chửa hoang có lẽ Rứa cũng vẫn cảm nhận được.
Một người hàng xóm sống gần nơi căn nhà cũ ở thị trấn Quán Hàu của Rứa đã kể lại câu chuyện sinh con một mình của người đàn bà điên cách đây mấy chục năm về trước: "Lúc còn trẻ cô ấy (bà Rứa - PV) không đến mức điên dại như bây giờ đâu. Dù tâm thần không ổn định nhưng cô cũng chưa phá phách của ai cái gì bao giờ. Nếu gặp được một người đàn ông tử tế thì cũng không đến nỗi... Từ ngày cặp kè với một gã trai trong làng, và rồi cái bụng dần dần to lên, bị người ta dò xét với những ánh mắt tò mò thì bệnh tình cô ấy nặng thêm. Đến một hôm, khi nghe thấy tiếng khóc của trẻ sơ sinh, hàng xóm chạy sang thì đã thấy chị Rứa sinh con xong rồi, khiến mọi người hết sức ngạc nhiên. Nhìn cô gái ngơ ngẩn bế đứa con trong lòng với nụ cười ngây ngô ấy khiến những người chứng kiến ai cũng phải chảy nước mắt".
Có điều, lọt lòng mẹ chưa được bao lâu thì người ta cũng phát hiện ra Mùi bị thiểu năng bẩm sinh, lúc nào cũng đờ đẫn, trông dại dại chứ không giống những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng được sự giúp đỡ của gia đình, Rứa vẫn nuôi con lớn lên từng ngày. Một người phụ nữ giấu tên cho biết: "Không biết người đàn ông trong làng vẫn cặp kè với cô ấy khi đó có phải là cha đẻ của hai đứa trẻ đáng thương ấy không, nhưng đến khi cậu con trai thứ hai Lê Văn Kiếm (SN 1970) chào đời được một thời gian thì thấy ông ấy cũng đi lấy vợ, có lẽ vì không thể vượt qua được định kiến xã hội để rước một cô gái điên về làm vợ. Chỉ thương cho bà Rứa, bất hạnh nối tiếp bất hạnh, khi cậu con trai thứ hai cũng giống như chị của nó, ngay từ khi sinh ra đã là một đứa trẻ "dại". Mình là người bình thường chăm một đứa trẻ sơ sinh còn khó, vậy mà một người điên như bà ấy vẫn một mình chăm sóc và ở cạnh chúng cho đến tận bây giờ?".
Lay lắt sống qua ngày
Những năm đầu khi hai đứa trẻ mới chào đời, Rứa vẫn còn có người thân để dựa dẫm, chăm sóc. Nhưng rồi, những người thân yêu cũng lần lượt ra đi, để lại mẹ con cô trong căn nhà tồi tàn, dột nát đến không thể trú ngụ được nữa. Người ta cũng không biết, ba mẹ con của người đàn bà điên này đã bỏ ngôi nhà của mình đến trú ngụ trong cái trạm y tế đã bỏ hoang hơn chục năm nay ở xã Lương Ninh ấy từ bao giờ. Chỉ biết rằng, những ngày tháng sống tạm bợ, lay lắt qua ngày đoạn tháng của ba con người chung số phận đó khiến những người dân xung quanh cám cảnh, thương tâm.
Những bữa cơm dường như rất hiếm đối với họ cho dù là lúc tỉnh táo nhất bởi: "Dù không điên như người mẹ nhưng Mùi và Kiếm cũng không đủ sự nhanh nhẹn để có thể kiếm ăn nuôi sống bản thân mình. Họ chỉ biết đi nhặt những cái ve chai mà người ta vứt bỏ rìa đường đem bán, nhưng bán được bao nhiêu tiền họ cũng không biết. Người ta đưa cho bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu, có thích mua cái gì đó thì cũng họ đưa sao cầm vậy chứ đâu có biết gì đâu. Cũng có đôi khi tôi thấy ba mẹ con bà ấy thổi bếp nấu cơm, nhưng nấu những gì, có ăn ngon được hay không thì cũng không rõ. Chúng tôi cũng không dám bước vào ngôi nhà hoang ấy, chỉ có thể thỉnh thoảng gặp thì cho họ bát cơm hoặc khi có đám cưới gì thì cho họ ăn một bữa. Ngày gió mưa, rét mướt thì cũng chỉ mang cho họ vài bộ quần áo mặc chống rét thôi chứ đâu thể giúp được nhiều", chị Nguyễn Thị Loan, một người dân ở xã Lương Ninh nơi mẹ con bà Rứa trú ngụ bây giờ cho biết.
Căn nhà hoang nơi mẹ con bà Rứa sống qua ngày đoạn tháng. Ảnh H.H.
Đi về đâu, ba mảnh đời tội nghiệp?
Vừa đi vừa kể chuyện, chị Loan dẫn chúng tôi đến gần cái trạm y tế xã bị bỏ hoang, nơi ba con người ngáo ngơ đứng khép nép bên mấy ô cửa sổ. Cỏ mọc um tùm, xung quanh ngôi nhà không thể tìm thấy một lối đi vào, tiếng vo ve của ruồi, muỗi tạo nên một âm thanh rợn người mà cho dù đứng cách xa vài mét vẫn có thể nghe thấy, cùng với một mùi hôi thối nồng nặc từ trong nhà bốc ra khiến người ta rân rân sợ hãi không dám bước tiếp: "Đấy, các chú xem, đây đâu có giống một nơi để cho con người ở đâu. Những ngày thường thời tiết êm ả còn đỡ, chứ ngày mưa gió bão bùng với những mảng tường rạn nứt bong ra từng lớp và cái mái ngói lâu ngày dột nát như thế cũng không biết mẹ con họ sống ra làm sao nữa?".
Dù điên và không nhớ rõ gì nữa nhưng khi có người gọi ba mẹ con bà Rứa vẫn có thể bập bẹ trả lời nhát gừng nói được tên và tuổi sinh của mình: "Em đói lắm! Cho em ăn cơm với!... em tên Mùi... em tuổi dê. Mẹ em tên Rứa... mẹ em tuổi chuột. Nó là Kiếm, nó tuổi lợn đó!", Lê Thị Mùi cười ngây ngô, ngờ nghệch trả lời trong cơn đói khát vì đã hai ngày nay ba mẹ con không có hạt cơm nào lót dạ như lời chị nói.
Mùi có lẽ là người tỉnh táo nhất trong ba mẹ con, khi còn nhớ được và nói chuyện đôi chút. Có lẽ những ngày đói khát như thế này thường xuyên diễn ra nên họ vẫn cứ thẫn thờ bình tĩnh hứng chịu mà không rời khỏi ngôi nhà hoang ấy đi tìm cái ăn, cái uống. Chưa bao giờ họ có được một cân gạo trong nhà, bởi có tiền thì họ cũng không biết tiêu như thế nào. Cuộc sống của ba con người trong ngôi nhà hoang này, chẳng biết sẽ đi về đâu.
Hoàn cảnh rất đáng thương Ông Lê Bá Trưng, bí thư Đảng ủy thị trấn Quán Hàu cho biết: "Thật sự thì hoàn cảnh của ba mẹ con bà Rứa rất đáng thương, cho dù có sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng cũng khó khăn để có thể duy trì cuộc sống. Ba người đó bấu víu vào nhau sống đến bây giờ với tình cảm gắn bó như thế cũng là một điều đáng để những người bình thường khâm phục. Trước đây, chính quyền địa phương thị trấn Quán Hàu cũng đã vận động bà con nhân dân và các tổ chức đoàn thể xây cho mẹ con bà Rứa một ngôi nhà ở tiểu khu 1, nhưng đến nay đã quá lâu nên ngôi nhà ấy bị xuống cấp và hư hại nặng nên không thể ở được nữa. Hiện chính quyền địa phương cũng đang cố gắng vận động sự hỗ trợ của người dân địa phương và các nhà hảo tâm để có thể xây cất cho mẹ con họ một căn nhà để có chỗ trú ngụ". |
Hồ Thăng - Hồng Điệp