Mê đọc sách từ nhỏ
Đó là ông Phạm Thế Cường, chủ nhân thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (130/1B, đường số 8, P.11, Gò Vấp, TP.HCM) và cũng là người điều hành câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng (CLBNYSNHT). Tôi gặp ông lúc ông đang cùng bạn bè tổ chức chuyến đi thăm quê hương của những nhà văn, nhà cách mạng mà ông yêu mến.
Dù đã ở tuổi U60 nhưng ông vẫn bôn ba khắp nơi cùng bạn bè trên chiếc xe máy cà tàng để tìm kiếm những cuốn sách hay, quý hiếm đem về thư viện của mình phục vụ độc giả. Những chuyến đi này đã giúp ông Cường củng cố lại thông tin về tác giả, tác phẩm, tìm hiểu thêm những tư liệu chưa từng công bố về các nhà văn, nhà cách mạng mà ông thần tượng.
Ông Phạm Thế Cường
Ông tâm sự: "Tôi mê đọc sách từ bé nên trong nhà chỉ toàn sách. Ngày bé, tôi nghĩ ra mọi cách để dành dụm tiền, thậm chí bỏ cả ăn sáng để có tiền mua sách. Một lần, tôi cùng người bạn từ Hà Nội lên Bắc Ninh chơi, chợt thấy có một cuốn sách mà tôi rất yêu thích. Không đủ tiền mua sách, tôi về quê để xin các cô, các bác trong họ, gom đủ tiền lại quay lên Bắc Ninh mua sách.
Lần khác, để mua được cuốn sách yêu thích, tôi vừa phải dành dụm tiền, vừa phải thu lượm giấy vụn trong mấy tháng liền để đổi sách (sách giảm giá một nửa tiền nhưng phải thêm 8kg giấy vụn mới mua được). Gom góp mãi mới đủ 8kg nhưng khi ra mua sách, cô bán sách cân được có 7,9kg. Thấy tôi yêu sách quá, cô ấy đồng ý bán. Đó là những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ trong quá trình đọc và sưu tầm sách của tôi.
Khi đã có nhiều sách, tôi nhận thấy mình không thể là một người ích kỷ, chỉ biết giữ riêng cho mình. Thế nên, sau vài chục năm đọc và sưu tầm sách, tôi quyết định mở thư viện tư nhân để phục vụ cộng đồng".
Tuy sinh ra ở Hà Nội, nhưng khi giặc bắn phá Hà Nội, ông phải theo gia đình tản cư về Ý Yên, Nam Định. Tại đây, vào đúng sinh nhật 6 tuổi, ông được cha mình tặng cuốn sách Không gia đình của nhà văn cổ điển Pháp Hector Malot. Vì ông chưa biết đọc nên người chị họ (khi ấy đang học lớp 5) đã đọc rồi kể lại cho nghe. Thấy cuốn sách hay quá, ông quyết tâm phải đọc. Vì đang tập đánh vần chữ cái, sau gần một tháng, ông mới đọc được hết cuốn sách.
Đọc xong tập một, ông đọc tiếp tập hai. Nhờ việc đọc cuốn sách ấy, ông đã biết đọc, biết viết thông thạo. Thế nên, khi đi học tại trường làng, ông bị cô giáo (vốn là người trong họ) nói không cho đi học với lý do, ông đã biết đọc và viết thông thạo rồi. Buồn vì không được đi học và chán khi không có bạn bè chơi cùng, ông lại tìm sách để… đọc. Càng đọc ông càng thấy hay và thích thú.
Đến năm 15 tuổi, tủ sách cá nhân của ông đã có hơn 100 cuốn. Cũng trong năm này, ông được người bạn cùng lớp khắc tặng một con dấu với dòng chữ chủ tịch thư viện PTC để đóng dấu lên toàn bộ số sách của ông. Kể đến đây, ông cười rất tươi nhớ lại thời thơ ấu đầy kỷ niệm của mình. Có lẽ, việc người bạn tặng ông con dấu như một sự kiện đánh dấu cho việc ra đời của thư viện tư nhân sau này.
Ngay cả khi vào Nam công tác, hành trang ông mang theo là năm bao tải lớn chứa toàn sách. Thế nhưng, đến khi xuống tàu, ông chỉ còn lại hai tải do bị chuyển nhầm hàng ở các ga trước. Nói tới đây, ông cười bảo: "Lúc ấy tiếc lắm nhưng chẳng có cách nào để tìm lại".
Ông nói: "Tôi rất thích trẻ con, nhìn thấy trẻ con, nhất định tôi phải ra chơi cùng chúng. Ngay việc mở thư viện tư nhân này cũng xuất phát từ ý tưởng phục vụ trẻ con. Hồi ấy, khi chưa mở thư viện, tôi thấy lũ trẻ chơi trước cửa nhà mình chẳng có đồ chơi, thi thoảng lại cãi nhau.
Thấy thế, tôi gọi chúng vào hỏi có thích đọc sách không? Chúng nói có nhưng không có sách để đọc. Thế là tôi dẫn chúng vào nhà, lựa chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi cho đọc. Bắt đầu từ đấy, các cháu thiếu nhi lui tới nhà tôi nhiều hơn để đọc sách.
Lâu dần, tôi quyết định xin giấy phép để mở thư viện tư nhân phục vụ các cháu thiếu nhi và và người dân quanh vùng. Tôi nhận thấy, sách giúp các em tiếp cận những tác phẩm văn học giàu tính nhân văn ngay từ nhỏ, góp phần rất lớn hình thành nhân cách của các em sau này".
Nghỉ hưu còn bận hơn đi làm
Ông mở thư viện tư nhân vào đúng dịp sinh nhật Bác (19/5/2008). Đến nay, thư viện của ông đã hoạt động được gần 5 năm với quy mô và số lượng khá lớn. Từ một nơi chỉ dành cho trẻ con hàng xóm, ngôi nhà ông ở - cũng là thư viện, đã đón thêm hàng ngàn lượt độc giả với đủ mọi lứa tuổi khác nhau. Từ cháu thiếu nhi mới biết đọc tới các cụ già tóc trắng, tất cả đều thích thú đến thư viện ông để đọc sách khiến ông và bà xã kiêm thủ thư luôn bận rộn.
Thế nhưng, càng bận rộn, ông càng vui vì thấy nhiều người quan tâm và yêu mến sách vở như ông. Khi đang công tác trong quân đội, công việc của ông khá bận, ngoài thời gian ở cơ quan, thời gian còn lại được ông dùng vào việc đọc và tìm kiếm sách. Lúc nghỉ hưu, mở thư viện phục vụ cộng đồng, ngoài các ngày mở cửa thư viện, thời gian còn lại ông dùng vào việc biên tập bài để đăng trong website Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng.
Ông tìm kiếm thông tin, chuẩn bị tài liệu, mời các nhà văn, nhà nghiên cứu tham gia các buổi tọa đàm chuyên đề về một nhà văn lớn nhân dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của họ. Những buổi tọa đàm này được tổ chức thường xuyên, mỗi tháng một lần vào sáng Chủ nhật đầu tháng.
Để chuẩn bị tốt cho những bài viết của mình, ông cùng một số bạn bè có cùng niềm đam mê với ông đi về quê hương của các nhà văn để tìm hiểu. Bên cạnh đó, ông tổ chức thêm các hoạt động vui chơi nhóm, đưa các cháu thiếu nhi, độc giả thân thiết của thư viện ông đi thực tế ở một số bảo tàng, nhà truyền thống và các địa chỉ văn hóa. Tuy nhiên, để có được sự đồng ý của các bậc phụ huynh, ông phải mất rất nhiều thời gian làm công tác dân vận.
Ông tâm sự: "Mỗi lần đưa các cháu thiếu nhi đi đâu, mình phải làm công tác tư tưởng với các bậc phụ huynh trước đó rất lâu vì có nhiều lý do khiến họ sợ. Tuy nhiên, đến giờ thì họ còn khuyến khích các hoạt động thực tế này phát triển hơn".
Có được như ngày hôm nay là cả sự nỗ lực cố gắng không chỉ riêng ông mà còn là sự giúp đỡ quý giá của bạn bè, những người yêu mến sách. Những chi phí dùng để duy trì hoạt động của thư viện và CLBNYSNHT, ông bớt một phần lương hưu của hai vợ chồng cùng với một phần tiền cho thuê nhà. Cộng với đó là sự đóng góp sách và tiền mặt của một số độc giả (thành viên CLB) yêu mến ông cũng như công việc ông đang làm. Ông mở thư viện với mục đích phục vụ cộng đồng, vì lợi ích cộng đồng nên ông không thu phí của độc giả.
Ngay cả việc mượn sách về nhà, ông cũng không bắt phải thế chấp cái gì nên đôi lúc thư viện của ông bị thất thoát sách. Tuy nhiên, việc thất thoát ấy không làm ông buồn bởi ông đã dự liệu việc mất mát tất yếu xẽ xảy ra và qua đó ông quan tâm đến việc giáo dục các thiếu nhi để các cháu có ý thức hơn trong việc đọc và bảo quản sách.
Ông nói: "Sách sinh ra để cho mọi người đọc. Tôi muốn thật nhiều thiếu nhi đến với sách, với thư viện của mình. Vì vậy, phải quan tâm đến việc giáo dục các cháu, đừng để mất một độc giả nào chỉ vì họ làm mất đi vài cuốn sách".
Cuộc trò chuyện chỉ xoay quanh sách nhưng chúng tôi cảm nhận được sự tâm huyết, đam mê đến tột cùng với sách của ông. Ông bảo, muốn thực hiện được những ý tưởng, khát vọng của mình thì một nền tảng gia đình hạnh phúc là điều không thể thiếu. Khi đó có thể dồn hết tâm trí cho niềm đam mê, cho ước nguyện phục vụ cộng đồng mà ông đã, đang và sẽ theo đuổi.
Thư viện với 20.000 đầu sách Yêu thích sách và mê đọc sách, lại có ý thức giữ gìn, bảo quản sách từ bé, tính đến nay, ông đã sở hữu trên 20.000 cuốn sách. Trước khi mở thư viện, tủ sách gia đình ông có khoảng hơn 10.000 cuốn. Sau khi mở thư viện, ông mua thêm và được mọi người tặng, quyên góp rất nhiều sách. Theo như nhận xét của một số độc giả, thư viện của ông đầy đủ và thuận lợi hơn so với một số thư viện có chức năng phục vụ cộng đồng khác. Bởi ở đây, việc tìm và đọc sách được hướng dẫn một cách tỷ mỉ, chi tiết và dễ dàng. Bên cạnh đó, chủ nhân của thư viện cũng sẵn sàng làm cầu nối giữa độc giả với những cuốn sách hay, có ích và thiết thực nhất, đặc biệt là các em thiếu nhi. |
Hồng Mây