Cuộc sống trong ngôi nhà mượn dột nát
Tìm đến Thôn Vang (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) nơi chị Nguyễn Thị H. đang một thân một mình nuôi 3 con nhỏ, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo, lụp sụp, rộng chừng gần 20 m2.
Phía bên trong ngôi nhà chẳng có gì đáng giá ngoài vài món đồ sinh hoạt hàng ngày đã cũ kỹ. Vì mẹ đi vắng nên cháu Lê Thanh X., con gái thứ hai của chị H. phải nghỉ học để phụ mẹ công việc ở nhà, nhân tiện cả việc trông nom bà ngoại.
Nói về cuộc đời con gái mình (chị H.), bà Nguyễn Thị Tâm (80 tuổi) hai hàng lệ trào ra ngẹn ngào: “H. nó khổ lắm các chú ơi, đi lấy chồng được gần 20 năm nay rồi mà giờ đây một mình phải nuôi 3 đứa con ăn học, không nhà không cửa phải về đây ở nhờ nhà anh trai nó. Ngày trước vì nhà nghèo nên H không được học hành tử tế, ở nhà lấy chồng, ngờ đâu đến hôm nay lại ra nông nỗi này.”
Theo lời của bà Tâm, chị H. bị chồng đánh 2 lần rất nặng, lần bị đứt gân tay, lần thì bị rách đầu phải nhập viện để khâu và điều trị. Vì không chịu nổi đòn roi của người chồng nên chị H. đã ôm con về tá túc nhà mẹ đẻ.
Cuộc sống càng khó khăn khi chị H. phải một mình nuôi 3 con nhỏ, chị kiếm tiền bằng nghề buôn bán gà, vịt nên thường xuyên phải dậy từ 2h sáng. Dù công việc vất vả nhưng thu nhập hàng ngày không đủ trang trải cuộc sống cho 4 mẹ con.
“Ngày trước khi mới chuyển về đây, H. phải đi thuê nhà để ở cũng trong xóm này, sau này người ta dỡ ra làm lại không cho thuê nữa. Nhà của mấy anh nó ai cũng chật, nhưng anh thứ 3 có cái bếp cũ cho mẹ con nó ở nhờ mấy năm nay. Đấy các chú thấy đấy nhà có đồ đạc để đâu nhưng vẫn chật, mưa thì nước dột từ mái ngói chảy xuống tong tỏng. Một mình nó nuôi 3 đứa con ăn học thì sao cho đủ, thiếu thốn phải đi vay mượn anh em, người nhà.”, bà Tâm cho biết.
Dù thương con gái nhưng vì tuổi cao sức yếu bà Tâm cũng “lực bất tòng tâm” chỉ biết khóc thương cho cuộc đời bất hạnh của con gái. Người mẹ già cũng mong muốn cho con có một ngôi nhà chắc chắn để các cháu không phải chịu cảnh mưa dột thấm ướt mỗi khi trời mưa bão nữa.
Số phận hẩm hiu của người phụ nữ một nách nuôi 3 con nhỏ
Kể về số phận hẩm hiu của mình, chị Nguyễn Thị H cho biết: “Năm 1998 tôi kết hôn với anh L.V.S ở xã Xuân Canh (huyện Đông Anh) cách chừng 3 km. Thế nhưng cuộc sống vợ chồng hạnh phúc chẳng bao lâu thì chồng tôi thay tính đổi nết, suốt ngày rượu chè say xỉn, bỏ bê công việc, đánh vợ mắng con.”
Dù đã cố chịu đựng cắn răng ở lại nuôi con, nhưng sau những trận đòn thừa sống thiếu chết, không chịu nổi người chồng hung bạo, chị H đã ôm đứa con gái thứ 2 về nhà mẹ đẻ để tá túc.
“Cách đây khoảng 5 năm, tôi bị anh S. (chồng chị H) đánh 2 lần bị trọng thương, một lần là anh đánh đánh đứt gân tay phải bó bột, lần nữa đánh tôi rách đầu phải vào viện khâu và cấp cứu. Tôi cũng muốn ở lại để cùng chồng nuôi con, để các cháu có cuộc sống tốt, được học hành tử tế, nhưng sau nhiều lần bị anh ấy đánh đập không chịu nổi nên đành cho con về nhà mẹ đẻ để ở”, chị H kể lại.
Cũng theo chia sẻ của chị H., trong quãng thời gian sinh sống với chồng, anh S. chẳng chịu làm ăn mà suốt ngày đi lang thang đàn đúm quán xá với bạn bè, rất nhiều hôm về khuya hoạnh họe chửi bới vợ con. Có nhiều lần trong những lúc anh S tỉnh táo, chị H đã hết lòng khuyên can để mong người chồng hồi tâm chuyển ý để tập chung làm ăn nuôi nấng con chăm lo gia đình. Thế nhưng người chồng “vũ phu” ấy chỉ ầm ừ rồi chuyện lại đâu vào đấy, hết ngày này qua ngày khác anh S vẫn về khi đêm muộn trong những cơn say bất tận rồi lại mắng, lại đánh vợ thậm tệ.
Dù có với nhau mấy mặt con nhưng khi ly hôn chị H. đều nhận nuôi cả, còn anh S. cũng đã kết hôn ngay với một người phụ nữ khác nên chẳng ngó ngàng gì đến mẹ con chị.
“Sau khi chia tay, tôi về nhà mẹ đẻ ở nhờ mang các con về cùng, nhưng anh S. cũng không chu cấp hay hỏi thăm gì về các con. Một mình tôi hàng ngày chạy chợ kiếm tiền nuôi 3 đứa con ăn học, không có nhà phải ở nhờ ở cái bếp cũ của anh trai thứ hai. Do cái bếp xây dựng đã lâu nên mái ngói cũng đã mục nát nên mỗi khi trời mưa lại dột, nước chảy xuống đồ đạc trong nhà ẩm ướt hết.”
Một thân, một mình nuôi 3 đứa con ăn học vô cùng vất vả với người phụ nữ, con trai lớn của chị H cháu L.V. H (SN 1999) đang học lớp 12, con gái thứ hai, cháu X (SN 2002) cũng đang học lớp 8, cháu L (4 tuổi) đang học mẫu giáo. Vào đầu năm học vừa qua, 3 đứa con của chị H vào nhập học đóng các khoản phí và mua sắm đồ dùng học tập cũng tốn hơn 10 triệu đồng, chị không đủ tiền đành phải đi vay mượn.
“Cũng chẳng biết làm thế nào nữa, vào đầu năm học vừa rồi 3 cháu phải đóng một khoản khá lớn đối với tôi, đi chạy chợ hàng ngày kiếm được ít tiền chi tiêu khắc khổ mới đủ, rồi những lúc ốm đau như cháu L bây giờ chỉ biết đi vay mượn thôi chứ bấu víu vào ai được”, chị H. chia sẻ.
Trao đổi với PV ông Nguyễn Văn Luận – Trưởng thôn Vang cho biết: “Chị Nguyễn Thị H. là người gốc ở thôn này, nhưng đã lấy chồng ở xã Xuân Canh cùng trong huyện. Hiện tại chị H không có hộ khẩu ở đây, địa phương cũng rất muốn tạo điều kiện cho chị có một mảnh đất để xây nhà để có được cuộc sống ổn định.
Nhưng quỹ đất của thôn bây giờ không có, thứ hai chị là người có hộ khẩu ở ngoài xã nên cũng rất khó. Còn về việc vì sao chị lại về nhà mẹ đẻ ở thì cái này thôn không năm nó, chỉ nghe nói là do mâu thuẫn với chồng nên đã ly hôn và mang con về đây ở nhờ nhà anh trai.”
Đào Sơn