Người mẹ Tây Nguyên nuôi giấu bộ đội trong buôn làng

Người mẹ Tây Nguyên nuôi giấu bộ đội trong buôn làng

Trịnh Thị Thơ

Trịnh Thị Thơ

Thứ 6, 28/04/2023 09:00

Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng bà H’Răng Niê Kdăm vẫn còn nhớ như in ký ức về những ngày nghẹt thở, nuôi giấu bộ đội của người dân trong buôn làng.

Gian nan nuôi giấu bộ đội

Có dịp đến thăm buôn Ea M’droh, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi may mắn được nghe những câu chuyện thú vị về người phụ nữ gan dạ H’Răng Niê Kdăm, SN 1947, trú tại buôn Ea M’droh một thời nuôi giấu bộ đội, cán bộ cách mạng trong những năm kháng chiến ác liệt.

Bà H’Răng cho biết, sinh ra giữa thời chiến tranh ác liệt nên từ khi còn nhỏ, bà đã chứng kiến không ít cảnh tượng tang thương do bom đạn của quân địch tàn phá. Sự sống của người dân, đặc biệt là lực lượng làm cách mạng lúc đó chỉ có thể đếm trong gang tấc. Không đành lòng nhìn cảnh buôn làng bị giày xéo, hầu hết thanh niên, thiếu nữ đều xung phong lên đường phục vụ cách mạng.

Thời điểm lên 8-9 tuổi, trong lúc đi chăn bò, bà H’Răng vô tình bắt gặp hình ảnh cán bộ cách mạng từ trong rừng ra buôn vận động người dân không đi theo quân địch. Mặt khác, lực lượng cách mạng cũng kêu gọi người dân dành dụm lương thực, thực phẩm để nuôi bộ đội đang chiến đấu ngày đêm trong rừng. Tất cả những hình ảnh đó đã in sâu trong tâm trí của bà H’Răng. Cũng vì thế, bà luôn nuôi dưỡng ý chí tham gia kháng chiến bảo vệ quân cách mạng.

Dân sinh - Người mẹ Tây Nguyên nuôi giấu bộ đội trong buôn làng

Năm 1993, bộ đội đã giúp dân trong buôn Ea Mdroh làm 66 căn nhà dài truyền thống.

Năm lên 10 tuổi, bà H’Răng không màng đến gian khó, hiểm nguy cùng người dân trong buôn gùi lương thực, thực phẩm vượt qua nhiều cánh rừng phục vụ cho bộ đội. “Thời điểm đó, quân địch có mặt khắp nơi bủa vây buôn Ea Mroh. Vì vậy, cứ nửa đêm người dân trong buôn lại đốt đuốc để gùi lương, tải gạo trên lưng đi bộ vào rừng tiếp tế cho bộ đội. Những ngày mưa gió đường trơn trượt, lầy lội, khiến tôi không ít lần bật khóc vì việc tiếp tế vượt quá với sức của mình. Tuy nhiên, nghĩ đến cảnh bộ đội ngày đêm chiến đấu trong rừng để đánh đuổi quân xâm lược, tôi lại lau nước mắt tiếp tục cùng người dân làm nhiệm vụ nuôi quân”, bà H’Răng nhớ lại.

Cũng theo lời kể của bà H’Răng, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cuộc sống của người dân trong buôn Ea Mdroh đối diện với không ít khó khăn, thiếu thốn. Cả buôn hầu như không ai có muối để ăn, không có quần áo để mặc. Đa số người dân phải vào rừng lấy vỏ cây rừng về khâu lại làm quần, áo để mặc. Để không bị đói khát, dân làng khai hoang, làm rẫy, trồng lúa, bắp, tăng gia sản xuất... Đàn ông trong buôn hàng ngày vào rừng để săn bắn thú rừng. Nhiều người bắt được voi rừng về thuần khoảng 2-3 năm sau lại mang đi bán có tiền mua quần áo...

Dù cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng bà H’Răng cho biết, lúc bấy giờ người dân trong buôn Ea Mdroh rất đoàn kết, yêu thương nhau. Chỉ cần gia đình nào gặp khó khăn, hoạn nạn thì cả buôn sắn tay đùm bọc, hỗ trợ. Đáng nói, dù cho phải nhịn ăn nhưng người dân đều sẵn sàng tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội.

Bà H’Răng kể: “Lúc đó, với nhiều gia đình, con heo, bò, trâu là những tài sản quý giá nhất, nhưng họ đều thay nhau mổ thịt rồi tìm cách đưa vào rừng cho bộ đội. Cứ như thế, ban ngày đi làm rẫy, đêm về đàn ông ở nhà giữ buôn, còn phụ nữ đi gùi lương thực, thực phẩm xuyên qua những cánh rừng tiếp tế cho cán bộ cách mạng”.

Dân sinh - Người mẹ Tây Nguyên nuôi giấu bộ đội trong buôn làng (Hình 2).

Bà H’Răng kể về những ngày tháng nuôi giấu bộ đội.

Vào năm 14 tuổi, bà H’Răng được nhận vào Đoàn văn công tỉnh Quảng Đức (nay tỉnh Đắk Nông) phục vụ quân đội. Cũng từ đây, ngoài việc gùi gạo, thực phẩm vào rừng, bà được giao nhiệm vụ cùng cán bộ đi đến các buôn làng tuyên truyền, vận động đồng bào theo cách mạng.

Bà H’Răng không khỏi hồi hộp khi kể lại một lần giấu bộ đội đến nghẹt thở. “Nhiều lần phát hiện bộ đội từ trong rừng ra tìm dân, quân địch tìm cách phong tỏa, lùng sục khắp nơi. Trong lúc nguy nan, người dân trong buôn đã giấu cán bộ lên mái nhà, rồi hun khói mù mịt bên dưới để đánh lạc hướng quân địch. Lúc đó, dù cho khói lửa nghi ngút, bộ đội ở trên cũng chỉ biết cắn răng chịu đựng, lấy khăn ướt bịt miệng, mũi để không phải hít khói. Cho đến khi không tìm thấy, quân địch rời khỏi, thì bộ đội mới leo xuống rồi lập tức trở vào rừng”, bà H’Răng cho hay.

Cả buôn đoàn kết vượt qua khó khăn

Mặc dù cẩn trọng trong từng hành động, bước đi, nhưng hành trình nuôi giấu bộ đội của người dân buôn Ea Mdroh đã không thoát khỏi sự bao vây, đàn áp của quân địch. Vào năm 1960, quân địch phát hiện đêm nào người dân trong buôn Ea Mdroh cũng tiếp tế lương thực, thực phẩm vào rừng cho bộ đội.

Khoảng 12h trưa một ngày năm 1960, trong lúc mọi người trong buôn đang vào rừng làm rẫy thì quân địch đã phóng hỏa, đốt toàn bộ 60-70 căn nhà của người dân nhằm tiêu diệt căn cứ cách mạng. Bị đốt phá, mọi tài sản, trâu, bò, heo, gà của người dân đều bị thiêu rụi. Cũng từ đó, nơi đây được gọi là buôn Cháy.

Dân sinh - Người mẹ Tây Nguyên nuôi giấu bộ đội trong buôn làng (Hình 3).

Bà H’Răng được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba.

Không lùi bước trước thách thức đặt ra, với quyết tâm đánh tan âm mưu dồn dân vào ấp của quân địch, bà con trong buôn Ea Mdroh rời làng vào rừng ở huyện Buôn Đôn sống và tiếp tục phục vụ cho bộ đội. Tại đây, dân dùng cây, lá rừng làm lều để ở và được bộ đội hỗ trợ, cùng ăn, cùng ở với nhân dân. Hàng ngày, bà con lặn lội đi đào củ rừng, khoai, mì về làm thức ăn. Đồng thời, người dân còn được bộ đội hướng dẫn cách nấu không cho khói bay lên và dạy cầm, bắn súng để tự bảo vệ bản thân.

Năm 1967, bà H’Răng đang địu con nấu cơm cho cán bộ chiến sĩ thì bất ngờ quân địch phát hiện đã dội bom xuống gần vị trí bà đang đứng khiến đất cát vùi lấp cả hai mẹ con. Với bản năng của người mẹ, bà H’Răng ôm chặt đứa con vào lòng và may mắn cả hai mẹ con được cứu sống, đưa ra Bắc để điều trị.

Dân sinh - Người mẹ Tây Nguyên nuôi giấu bộ đội trong buôn làng (Hình 4).

Những căn nhà dài tại buôn Ea Mdroh vẫn được người dân gìn giữ nhiều năm nay.

Sau ngày giải phóng, bà H’Răng được điều động ra Bắc học tập, đến năm 1976 mới được về với gia đình. Cho tới năm 1986, người dân buôn Ea Mdroh một lòng dọn về buôn cũ để sinh sống, bắt đầu lại mọi thứ bằng hai bàn tay trắng. Bà H’Răng nhớ lại: “Lúc trở về, buôn cũ đã là cánh rừng hoang vu, không nhà, không đường, mọi người bắt đầu khai hoang, làm lều để ở. Nhờ sự cố gắng, nỗ lực, người dân trong buôn Ea Mdroh đã phát huy tinh thần cách mạng, đoàn kết vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, cùng nhau xây dựng buôn làng ngày càng giàu mạnh, ấm no”.

Với những đóng góp cho cách mạng, năm 2001 bà H’Răng được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Mdroh cho biết, buôn Ea Mdroh là nơi sinh sống của người đồng bào Ê Đê và cũng là buôn căn cứ cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, người dân trong buôn một lòng đi theo Đảng, nuôi giấu cán bộ và tiếp tế lương thực cho cách mạng. Hiện nay, nhờ được chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất nên đời sống của người dân được nâng cao hơn so với trước. Đồng thời, cơ sở vật chất, hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân. Bà con trong buôn luôn phát huy tinh thần cách mạng, đoàn kết vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.