Trả lời phóng viên cơ quan ngôn luận của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết, sữa Danlait đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm của Viện Pasteur Tp. HCM lại cho kết quả hàm lượng protein chỉ đạt mức 4.13% so với 17.6% ghi trên nhãn.
Chị Cao Ngân Hà, khi công bố kết quả kiểm nghiệm về sữa dê Danlait, nhấn mạnh rằng, kết luận của Viện Pasteur Tp. HCM cho thấy, hàm lượng protein đạt mức 4.13% trong sữa dê Danlait “chỉ tương đương với thức ăn gia súc”.
Kết quả kiểm nghiệm chị Hà công bố.
Chị Hà là người mẹ trẻ gai góc, tìm nhiều cách để chứng minh rằng sữa dê Danlait là sữa 'đội lốt Pháp'. Sự gai góc đó được nhà lãnh đạo của đơn vị nhập khẩu Danlait về Việt Nam, ông Đặng Quang Mạnh mô tả là 'suốt ngày trên mạng' đổi lấy sự bình yên thường nhật.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu sữa Danlait tại viện Pasteur TP.HCM do Cao Ngân Hà mang đến cho thấy hàm lượng đạm (protein) chỉ đạt mức 4.13% so với 17.6% ghi trên nhãn. Không những thế, hàm lượng Natri và Kali thì vượt mức ghi trên vỏ hộp.
Ông Đặng Quang Mạnh, lãnh đạo Cty Mạnh Cầm, nhà nhập khẩu sữa dê Danlait phản pháo: 'Cái gì có thể chứng minh được rằng sản phẩm mà cô Hà đưa đi kiểm định là sữa dê Danlait hay đó chỉ là một sản phẩm nào khác được cho vào? Bình thường nếu lấy sản phẩm của Danlait đi xét nghiệm phải yêu cầu đại diện công ty Mạnh Cầm làm biên bản, cùng nhau đến lấy mẫu hàng, niêm phong nhãn hiệu. Hoặc phải có một phòng công chứng đứng ra chứng nhận đúng là sản phẩm đó và thông báo với đơn vị chủ sản phẩm là công ty Mạnh Cầm, nhà nhập khẩu sữa Danlait về Việt Nam. Có như vậy thì kết quả mới có giá trị, nếu không thì không có cơ sở pháp nhân để nói kết quả kiểm nghiệm đó là của sản phẩm sữa dê Danlait'.
Vài thông số trên hộp sữa không đúng với chất lượng kiểm nghiệm.
Dù lo ngại những việc làm của bà mẹ trẻ sẽ đi tới kết quả chưa thể dự báo nhưng ông Mạnh tuyên bố sẽ không sử dụng các công cụ pháp lý chống lại chị Hà.
'Bản thân tôi cũng thấy cô Hà rất đáng thương, từ một người đang sống yên ổn giờ suốt ngày trên báo mạng. Tôi không có ý định kiện cô ấy mà chỉ tin tưởng vào sự công minh của luật pháp thôi', ông Mạnh bình luận trên báo chí.
Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) trước đó thông cáo nguồn gốc của sữa dê Danlait được nhập nguyên lon từ Pháp. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện công ty đã ghi nhãn phụ sản phẩm không đúng với hồ sơ công bố khi lưu thông sản phẩm trên thị trường: không ghi cụm từ “thực phẩm bổ sung” trước tên sản phẩm này.
Cao Ngân Hà, người mẹ trẻ không đơn độc trong cuộc chiến chống lại sữa dê Danlait.
Trên trang cá nhân, Cao Ngân Hà tuyên bố: 'Bạn có hài lòng và nhắm mắt cho qua sự việc này không, vì vụ việc quá phức tạp kéo dài và loằng ngoằng chăng? Chúng tôi thì không. Chúng tôi sẽ không dừng lại, cho đến khi bản chất sự việc được vạch rõ, bởi chúng tôi không thể chấp nhận một sự vô lý đến phì cười như thế này, một hành vi lừa đảo, bán hàng kém chất lượng rõ ràng như vậy được dung túng để làm hại những đứa trẻ vô tội, con cái của chúng tôi'.
Mấy năm trước, ngoài Ngân Hà, một người mẹ trẻ khác ở Hà Nội cũng cho công bố trên blog kết quả kiểm định chất lượng của một hãng sữa. Ngay sau đó, bà mẹ này đã nhận được lời đe dọa từ tổng giám đốc hãng sữa danh tiếng trên là 'yêu cầu cơ quan công an xử lý'. Cư dân mạng phẫn nộ vì tuyên bố này. Cho đến nay, bà mẹ này chưa bị cảnh sát xử lý như những lời đe dọa.
Thụy Nguyên