"Căn cứ mật" và những cái bẫy tự chế
Cựu kỹ sư kiêm xạ thủ Alan Andrews là một trong những người đầu tiên nghĩ đến tính mạng của mình trong tình hình rối ren hiện tại. Andrews nói: "Thực sự với điều kiện sống ở thành phố, việc người khác bảo vệ mình hay mình tự bảo vệ là điều rất khó xảy ra”.
Cựu kỹ sư điện tử vừa nói vừa nheo một bên mắt nhìn qua đầu ruồi khẩu súng trường tự động to đùng, nòng hướng về tấm bia cố định treo giữa hai cành cây đằng xa. Những loạt đạn liên tiếp bay ra từ khẩu súng, hất tấm bia nát bét lên cao làm viên xạ thủ rất mãn nguyện. Đó là cách Andrews luyện tập để tự bảo vệ mình trong một cánh rừng ở tiểu bang Nevada.
Cựu kỹ sư Alan Andrews.
Theo lý giải của Andrews, "đám đông đói khát" là chỉ "bọn da đen, bọn Chicanos (từ lóng chỉ người Mỹ gốc Mexico một cách miệt thị) cũng như những phần tử da trắng nghèo khó". Một cách dễ hiểu hơn thì đó là từ chỉ những "cư dân đô thị trí tuệ kém phát triển, bị cuộc khủng hoảng kinh tế dồn vào chân tường".
Viên kỹ sư giàu có đã rời bỏ lại cả tòa biệt thự xa xỉ của mình ở ven bờ vịnh San Francisco, thuộc tiểu bang California để tự sống trong sự bảo vệ của chính mình. Andrews tuyên bố: "Trong trường hợp không còn gì để ăn, bọn người sắp chết đói ấy sẽ tấn công mọi nơi để tìm thực phẩm. Nếu chúng xuất hiện, tôi sẵn sàng nghênh đón chúng".
Không chỉ mình Andrews mà còn rất nhiều những người giàu có ở Mỹ cũng lục đục lập "căn cứ bí mật" để tự vệ. Một cơn sốt "tự sinh tồn" bắt đầu lan rộng trong giới người giàu. Họ đoạn tuyệt với công việc mang lại mức thu nhập khủng, cắt đứt quan hệ với bạn bè và người thân để mang vợ con tới "căn cứ mật" đã chuẩn bị sẵn cùng lượng thực phẩm khổng lồ tích trữ đủ dùng trong một thời gian dài. Sau khi đã "tái định cư" ổn định, họ bắt đầu tập thuần thục các cách phòng thủ và giăng bẫy trước những kẻ thù hoặc có khả năng gây hại cho họ.
"Căn cứ mật" của những người "tự sinh tồn" là các hang đá ở hai tiểu bang Kentucky và Tennessee, trong những vùng hiểm trở tại các tiểu bang Montana và Idaho, hay trên những hòn đảo heo hút thuộc hai tiểu bang Florida và Louisiana... Những khu vực này vốn là các khu hầm tránh bom nguyên tử trong thập niên 50 của thế kỷ trước.
Những nơi này từng trở thành cơn sốt của những "kẻ sống sót" hay những "kẻ còn nguyên vẹn" (cách họ tự gọi mình). "Kẻ sống sót" thường lớn tiếng khẳng định mức độ an toàn của họ sẽ bị đe dọa bởi chính những người đồng hương khốn khó và mối họa hạt nhân sẽ xảy ra.
Andrew đưa tay lên cằm và tiên đoán: "Xã hội và thể chế này sẽ sụp đổ trong thời gian gần nhưng chẳng ai nghĩ đến điều đó cả. Còn chúng tôi, những người thấy trước hiểm họa sắp đến, phải lo trước những biện pháp phòng ngừa hiểm họa, lo trước cho sự tồn tại của mình với những người hiện giờ vẫn coi chúng tôi là kẻ điên...".
"Căn cứ mật" của Andrews là một khu trang trại bí ẩn nằm cách điểm cư dân gần nhất tới 150km. Nơi đây đã biến thành một tòa pháo đài mini, chỉ có một con đường độc đạo dẫn vào "căn cứ". Con đường đó đã bị Andrews rải đầy mìn theo sơ đồ do chính ông ta vẽ.
Cuốn sách "gối đầu" dành cho những người chạy theo cơn sốt “tự sinh tồn”.
Cơ hội kinh doanh siêu lợi nhuận
Đề cập đến trào lưu "tự sinh tồn", một tạp chí viết rằng, vùng phía nam tiểu bang Oregon là một khu vực lý tưởng cho những ai muốn sống sót khỏi những vụ lộn xộn "với quy mô lớn, bao trùm cả nền văn minh".
Theo ông Robert McQueen, nhân viên một văn phòng môi giới bất động sản ở thành phố Canyon City, thủ phủ quận Grant thuộc tiểu bang Oregon: "Tuy ít khách hàng chịu công khai bày tỏ ý nguyện "tự sinh tồn" của mình nhưng sau ai cũng lộ ra rằng họ là những người chạy theo cơn sốt "tự sinh tồn" khi bày tỏ mong muốn tìm một căn nhà đơn độc có giếng khoan, cách xa hẳn các hệ thống giao thông liên lạc náo nhiệt với lối vào thật hiểm trở...". Và họ cũng không tiếc rẻ mà bỏ ra một khoản tiền khổng lồ cho các văn phòng môi giới chỉ để mua một khu trang trại nào đó và biến nó thành "căn cứ mật".
Trong các cuộc gặp bí mật, những người "tự tồn tại" đã cùng lên kế hoạch phòng thủ tương hỗ. Như tại tiểu bang Louisiana, một hội nhóm "kẻ tồn tại" đã vơ vét sạch các cửa hàng bán vũ khí, rồi phân phát cho những người cùng chí hướng, để cùng bảo vệ "lãnh địa chung" khi xuất hiện các "đám đông đói khát" đầu tiên.
"Phòng thủ đô thị" cũng là cách "tự sinh tồn" Đội quân "tự sinh tồn" phát triển ngày một nhiều với số lượng người tham gia khá lớn. Như Mac McKinsey, một cựu cảnh sát ở Los Angeles (tiểu bang California) thường giảng cho những người "tự sinh tồn" các bài tập về phòng thủ tại đô thị. Thậm chí ông ta còn đi tuần đều đặn quanh các ngôi nhà lân cận và đưa ra những lời khuyên về các phương sách bố phòng có vũ trang một cách tốt nhất... "Chiến lược phòng thủ của tôi có thể tồn tại được chí ít là trong hai tuần lễ liền, khoảng thời gian mà lực lượng Vệ binh Quốc gia sẽ can thiệp để vãn hồi trật tự theo lý thuyết mà tôi được học", M.McKinsey hồ hởi khoe. |
Còn ở tiểu bang Idaho, người ta đã bỏ ra nhiều khoản tiền lớn thuê các cựu binh chuyên nghiệp thuộc lực lượng đặc biệt, giúp huấn luyện cho những người "tự sinh tồn" các phương pháp băng rừng và gài mìn tự tạo... Y như các cuộc trốn chạy khỏi tai nạn và kẻ địch tấn công của thời chiến tranh lạnh, những kẻ theo thuyết "tự sinh tồn" bây giờ làm đầy các kho lưu trữ bằng lương thực, thuốc men và nước uống. Nó được bao bọc bởi những bức tường dày và kiên cố.
Tiếp đến là một phần không thể thiếu trong việc tự vệ là vũ khí. Những người "tự sinh tồn" đều quyết bảo vệ "quỹ thực phẩm" của họ khỏi các "đám đông đói khát", một khi đại dịch thiếu ăn do khủng hoảng lương thực bắt đầu xảy ra. Bởi vậy xen lẫn giữa các khu trang trại là những kho súng thực sự.
Với những kẻ không đủ khả năng vật chất để chọn cho mình một nơi "tự sinh tồn", họ có thể chọn cách giản đơn hơn trong mớ sách báo về sách lược "tự sinh tồn". Chính xác hơn đó là những ấn phẩm đậm chất bạo lực, ẩn sau cái tên mỹ miều như "tự vệ" hay "phòng thủ". Những ấn phẩm này dạy người ta các cách để sát hại nhau. Nào là "Khéo tay chế mìn", "Chúng ta nên hạ sát đối thủ bằng cách nào?" rồi đến "Các kiểu đánh giáp lá cà bằng dao"...
Một người đi tiên phong làm giàu qua phong trào "tự sinh tồn" này là William Pierce, được biết đến như một "doanh nhân thức thời". Cách đây hơn một thập niên, Pierce chỉ sở hữu một gara sửa xe nhỏ, sau đó vớ bẫm nhờ các phi vụ buôn bán với giới "tự sinh tồn" từ thực phẩm, thuốc men, đến các trang thiết bị sinh hoạt chuyên dụng...
Có thể hiểu là Pierce buôn tất cả mọi thứ liên quan đến ngày tận thế hay các trường hợp đắm tàu sắp xảy ra trong xã hội. Hiện W. Pierce là chủ Công ty Survival Incorporated có trụ sở đặt ngay trung tâm thành phố Carson ở tiểu bang California. Con "cá mập mới phất" này (cách gọi của các doanh nhân về người biết nắm bắt cơ hội) thường huênh hoang khẳng định: "Một cuộc khủng hoảng hay ít ra là nỗi lo sợ về sự khủng hoảng sẽ đem lại cho công ty chúng tôi những khoản lợi nhuận lớn".
Thậm chí, Pierce còn trơ trẽn biện bạch: "Sáng nào tôi cũng thức dậy với hoài vọng, rằng một điều tệ hại nào đó vừa xảy ra trên thế gian này. Sự sợ hãi bởi hiểm họa chiến tranh hay khủng hoảng kinh tế là hai vấn đề rất nhạy cảm trong lĩnh vực làm ăn của tôi. Nó mang lại cho tôi cả một tương lai".
Hồng Nhung (Theo National Geographic)