Hè năm này là một mùa hè khắc nghiệt đối với nước Mỹ. Người dân Mỹ đang phải đương đầu cùng lúc với cả thiên tai và dịch bệnh. Cháy rừng, lũ lụt và tình trạng mất điện xảy ra trong khi họ đang phải chống chọi với các tác động của đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh này, có một điều làm cho tình hình trở lên phức tạp hơn: Đó là sự thiếu hụt mọi thứ, từ gỗ, thép đến hàng tiêu dùng. Gián đoạn chuỗi cung ứng này là kết quả đáng tiếc của việc Mỹ phụ thuộc quá nhiều vào mạng lưới nhập khẩu toàn cầu tinh vi.
Phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu
Để khắc phục điều này và bắt đầu xây dựng lại cơ sở sản xuất của quốc gia, Quốc hội và Chính quyền Tổng thống Biden phải sửa chữa hồ sơ thương mại còn nhiều thiếu sót của Mỹ. Và bước quan trọng để đạt được điều này sẽ là cố định đồng USD đang được định giá quá cao của Mỹ.
Trong suốt thời gian qua, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trầm trọng đã liên tục được phản ánh trên các mặt báo.
Ví dụ, tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip toàn cầu đã buộc “ông lớn” Toyota phải cắt giảm sản lượng 40% và đóng cửa 14 nhà máy trên khắp nước Nhật. Trong khi đó, General Motors và Ford đang phải lưu những chiếc xe chưa hoàn thiện trong bãi đậu xe của các sân bay và trường đua trong khi chờ bổ sung các chi tiết và linh kiện còn thiếu.
Ban đầu, các nhà kinh tế tin rằng những vấn đề này sẽ nhanh chóng qua đi.
Nhưng giờ đây các chuyên gia cảnh báo rằng, người tiêu dùng có thể phải chấp nhận những sự chậm trễ như một điều "bình thường mới".
Tuy nhiên, điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Việc dựa dẫm quá nhiều vào nhập khẩu đã khiến Mỹ phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng quá dài và dễ bị tổn thương. Và kết quả là cả sự thâm nhập của hàng nhập khẩu và thâm hụt thương mại sản xuất của Mỹ đều tiếp tục tăng.
Trên thực tế, tỷ trọng nhập khẩu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo của Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 1997, và thâm hụt thương mại của Mỹ đối với hàng hóa sản xuất có thể đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm 2021, vượt quá 1.000 tỷ USD.
Gốc rễ của vấn đề
Việc phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thể hiện mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh kinh tế và đối ngoại của Mỹ.
Có rất nhiều ví dụ minh chứng cho điều này.
Theo báo chí Mỹ, gần 3/4 trong số 40 biệt dược phổ biến nhất ở Mỹ là hàng nhập khẩu. Và phần nhiều trong số gần 1.000 nhà máy dược phẩm ở nước ngoài cung cấp cho người tiêu dùng Mỹ chưa bao giờ được đăng ký hoặc kiểm tra bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Điều này khiến sự an toàn và bảo mật của dịch vụ chăm sóc y tế ở Mỹ gặp rủi ro.
Tương tự như vậy, một nghiên cứu của Lầu Năm Góc năm 2018 kết luận rằng quân đội Mỹ quá phụ thuộc vào một loạt các mặt hàng nhập khẩu, bao gồm các mạch tích hợp được sử dụng trong vệ tinh, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và điện thoại di động.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phụ thuộc này.
Trong hơn 3 thập kỷ qua, các thỏa thuận thương mại tự do, thường được soạn thảo theo yêu cầu của (và với đầu vào trực tiếp từ) các công ty đa quốc gia tại Mỹ, đã khuyến khích các công ty Mỹ chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài.
Điều này càng trở nên trầm trọng hơn do các chính sách đồng USD mạnh được cả các Bộ trưởng Ngân khố là thành viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa - bao gồm Robert Rubin, Larry Summers và Henry Paulson - ủng hộ.
Tất cả những vị quan chức này đều đến từ (và trở lại) Phố Wall. Điều đó rất quan trọng do Phố Wall và các công ty đa quốc gia yêu thích đồng USD mạnh, vì nó làm cho hàng nhập khẩu rẻ hơn. Đồng thời, nó cũng khiến lao động trong nước phải cạnh tranh với lao động giá rẻ ở nước ngoài.
Kết quả là, tiền lương cho lao động trong ngành sản xuất của Mỹ đã bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán và các ngân hàng ở Phố Wall đã kiếm đậm từ kết quả trực tiếp của toàn cầu hóa và sự phụ thuộc của Mỹ vào nhập khẩu ngày càng tăng.
Giải pháp nào cho nước Mỹ?
Việc xây dựng lại chuỗi cung ứng trong nước sẽ là điều cần thiết cho sự thành công của các khoản đầu tư thuộc kế hoạch “Build Back Better” (tạm dịch: xây dựng trở lại tốt hơn) của Chính quyền Tổng thống Biden vào cả cơ sở vật chất và con người. Tuy nhiên, nhiều ngành công nghiệp chủ chốt trong nước hiện đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”.
Năm ngoái, Bộ Thương mại đã mở một cuộc điều tra an ninh quốc gia về khả năng thiếu hụt các thành phần chính của máy biến áp điện được làm bằng thép silic kỹ thuật điện có định hướng.
Hiện chỉ có một hãng sản xuất loại thép chuyên dụng này của Mỹ là AK Steel, một công ty con của Cleveland-Cliffs. Các nhà máy của Cleveland ở Ohio và Pennsylvania hiện đang bị đe dọa bởi hàng nhập khẩu.
Đảm bảo nguồn cung những vật liệu quan trọng như vậy sẽ là điều cần thiết để xây dựng lại cơ sở hạ tầng của nước Mỹ và đảm bảo rằng những khoản đầu tư này tạo ra công ăn việc làm hiệu quả ở trong nước chứ không phải ở nước ngoài.
Quốc hội và Tổng thống Biden hiện đang xem xét các khoản đầu tư hàng trăm tỷ USD cho sản xuất, nghiên cứu, đào tạo lực lượng lao động và các chương trình liên quan.
Nhưng những kế hoạch này chỉ hiệu quả nếu Washington thực hiện các bước để cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất trong nước - và tạo ra nhu cầu đối với các sản phẩm do ngành sản xuất của Mỹ làm ra.
Nhưng trên thực tế, ngay cả sau khi Mỹ bắt đầu phục hưng nền sản xuất tiềm năng, vẫn sẽ có sự phụ thuộc ngắn hạn vào các chuỗi nhập khẩu tương tự hiện đang thiếu nguồn cung.
Nhận thức được tình hình nghiêm trọng như thế nào, cách thực tế nhất để kích cầu đối với hàng hóa do Mỹ sản xuất là làm cho giá của chúng cạnh tranh hơn. Và điều đó chỉ có thể được thực hiện một cách có ý nghĩa bằng cách quy đổi đồng USD và giảm giá trị của nó khoảng 25% so với đồng tiền của Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia công nghiệp khác hiện đang hưởng thặng dư thương mại cơ cấu.
Đồng USD được định giá quá cao là động cơ tiếp tục thúc đẩy nhập khẩu.
Kể từ tháng 7/2014, đồng USD đã tăng gần 21%, nhờ vào một lượng lớn vốn tư nhân nước ngoài liên tục tràn vào thị trường tài chính của Mỹ và làm giàu cho Phố Wall cùng các ngân hàng ở đó.
Đồng USD tăng giá làm cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ ngày càng đắt hơn trong khi giá niêm yết của hàng nhập khẩu lại rẻ đi.
Một số thành viên trong Quốc hội đã nắm bắt được mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Luật lưỡng đảng của Thượng viện được ban hành năm 2020 sẽ giải quyết việc định giá quá cao của đồng USD bằng cách đánh thuế các hoạt động mua tài sản tài chính của nước ngoài tại Mỹ.
Nhưng hành động khắc phục này có thể đạt được nhanh chóng hơn thông qua hoạt động điều hành của Chính quyền Tổng thống Biden.
Trong khi gián đoạn nguồn cung và bong bóng giá phát sinh từ cuộc khủng hoảng Covid có thể sẽ mờ dần trong 1-2 năm tới, nhưng mối đe dọa bao trùm do sự phụ thuộc vào nhập khẩu quá mức sẽ ngày càng gia tăng.
Chỉ đến khi Washington không còn phải đối đầu với đồng USD được định giá quá cao, nước Mỹ mới thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào nhập khẩu. Điều chỉnh lại đồng USD là công cụ hiệu quả nhất hiện có để tái cân bằng thương mại, xây dựng lại ngành sản xuất của nước Mỹ và khắc phục tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng do hoạt động toàn cầu hóa quá mức của Mỹ gây ra.
Minh Đức (Theo The Hill)