Người Mỹ không còn thờ ơ với Premier League

Người Mỹ không còn thờ ơ với Premier League

Thứ 2, 19/08/2013 14:16

Đây là mùa Hè mà dòng chảy của bóng đá Anh, cụ thể là những đội bóng ở Premier League, len lỏi tới khắp các vùng đất trù phú của xứ cờ hoa. Bắt đầu từ tháng 5 với sự xuất hiện của Chelsea, Man City ở New York và St Louis. Tiếp đó, người dân Houston, Dallas, Philadelphia, San Jose… đều chứng kiến sự hiện diện của túc cầu ở trung tâm của thành phố.

Cuộc chu du nay đã kết thúc, khi các đội bóng phải quay trở về chinh chiến trong mùa giải mới. Nhưng tại Mỹ, hương vị của nó vẫn lưu lại, thậm chí sẽ ăn sâu hơn vào nền thể thao này với những chiến dịch quảng bá rầm rộ cho Premier League.

Kỷ nguyên mới cho bóng đá Anh

Khởi đầu từ đại chúng, đó là cách Premier League chọn để phổ biến sự ảnh hưởng của mình tới các thị trường tiềm năng, đặc biệt như Mỹ. Những chuyến tàu điện ngầm, phương tiện mà dân cư sử dụng nhiều và thường xuyên nhất, đã được nhuộm 2 màu trắng đỏ với những khẩu hiệu được viết bằng phông chữ quen thuộc: "Hãy bình tĩnh và chọn Arsenal" hoặc "Hãy bình tĩnh và chọn Tottenham".

Tại Quảng trường Times biểu tượng của nước Mỹ, nhìn chếch lên từ nhà hàng pizza Sbarro tọa lạc ở ngã tư trung tâm là biển quảng cáo khổng lồ in hình ngôi sao Gareth Bale của Tottenham với cánh tay dang ra như muốn ôm trọn tất cả những ánh đèn neon của thành phố New York, để thương mại hóa giải đấu số 1 của xứ sương mù trên đất Mỹ.

Bóng đá Quốc tế - Người Mỹ không còn thờ ơ với Premier League

Poster in hình Bale tại New York- một trong những chiến dịch quảng bá của NBC

Premier League đã không chỉ bắt đầu một mùa giải mới mà là cả kỷ nguyên mới khi lần đầu tiên trong lịch sử được lên sóng của NBC, sau khi hệ thống truyền hình lớn nhất nước Mỹ giành được bản quyền của ba mùa giải từ 2013 – 2016 với giá 250 triệu USD.

Sau khi chi tiền mua bản quyền, NBC đã thúc đẩy quá trình quảng bá sản phẩm của họ, với kỳ vọng trận mở màn giữa Swansea City và Manchester thu hút lượng lớn người hâm mộ theo dõi. Khó khăn, thử thách luôn hiện diện trong bất cứ thương vụ nào nhưng sẽ là phiến diện khi cho rằng NBC đã chơi canh bạc mạo hiểm khi phổ biến bóng đá ở xứ cờ hoa.

Người Mỹ không chi tiền bột phát

Một khi người Mỹ, xưa nay vốn thờ ơ với bóng đá, bỏ tiền ra mua bản quyền của Premier League với trọn vẹn cả 380 trận trong một mùa giải, không phải là chuyện đùa.

Quyết định chi 250 triệu USD dựa trên một chiến lược nghiên cứu dài hạn được thực hiện từ cách đây rất nhiều năm với những con số thống kê cụ thể. Nghiên cứu được thực hiện bởi Repucom ở mùa giải 2011-12 cho thấy rằng tại Mỹ, lượng khán giả theo dõi Premier League lên tới 167 triệu người. Đặc biệt hơn, có 28% trong số đó là nam giới ở độ tuổi từ 16-34.

Thống kê của ESPN năm ngoái, thăm dò môn thể thao mà người Mỹ yêu thích nhất, bóng đá xếp vị trí không hề tệ: á quân. Tất nhiên, nó chưa thể đọ được với bóng bầu dục nhưng đứng trên bóng rổ, bóng chày và khúc côn cầu trên băng đã là thành công lớn. Những con số đó đem so sánh với những năm 1990, sẽ thấy sự khác biệt lớn trong văn hóa xem bóng đá tại Mỹ.

Thời điểm đó, chỉ có 2 kênh truyền hình cáp là ESPN2 và Fox Sports World chiếu mỗi tuần một trận cầu thuộc Premier League, tất nhiên là không trực tiếp. Với những người Mỹ yêu thích giải đấu hàng đầu của nước Anh, họ tụ tập nhau tại một số ít các quán bar có chiếu những trận này. Nay, số lượng quán bar như vậy đã lên tới hàng nghìn trên đất Mỹ.

Khác biệt về múi giờ cũng được NBC lưu tâm từ trước. Với những ai không thể dậy sớm để xem trực tiếp các trận đấu hấp dẫn, họ có thể theo dõi dựa trên những phần mềm trên máy tính, điện thoại, dành cho các thành viên đăng ký qua NBCSN. Để tạo sự hấp dẫn cho chương trình, NBC đã tổ chức "hộp" bình luận theo dạng Match of the Day của BBC với sự xuất hiện của các chuyên gia và bình luận viên của trận đấu sẽ là gương mặt nói giọng Anh chuẩn. Các trận đấu sẽ được chiếu trên kênh, vốn nổi tiếng với những bộ phim truyền hình của Mỹ như Friends. Chỉ khác, nay vào giờ ăn trưa, thay vì ngắm Jennifer Aniston, họ sẽ theo dõi Robin van Persie và Sergio Aguero tranh tài.

NBC cũng kỳ vọng rằng sự phổ biến của Premier League tại Anh sẽ giúp giải đấu ở Mỹ là MLS cùng phát triển. Nhưng bài học từ nước Anh cho thấy rằng, khi Premier League phát triển, rất khó để ngăn chặn nó. Thương vụ "xuất khẩu" sang Mỹ của Premier League, vì thế, có thể sẽ vĩ đại nhất trong lịch sử túc cầu.

Theo Thể thao Văn hóa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.