Góp nhặt từng đồ vật bị vứt đi
Đã hơn 10 năm, ông Hùng luôn tìm kiếm, cất giữ những cổ vật của làng Lai Xá. Những cổ vật ấy có niên đại cách đây hàng ngàn năm. Vốn chẳng phải là nhà nghiên cứu ngành khảo cổ, cái duyên đưa ông đến với những di sản văn hóa cũng thật tình cờ. Rồi chẳng biết từ lúc nào, ông lại “say”, lại nặng tình với những cổ vật đến vậy.
Năm 2006, khi ông làm cán bộ thôn, đoàn khai quật khảo cổ học của cô Lâm Thị Mỹ Dung, khoa Sử, đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về nghiên cứu di tích của người Việt cổ tại làng Lai Xá. Ông Hùng được giao nhiệm vụ sắp xếp chỗ ở cho các sinh viên. Nhiều lần cùng đoàn đến di tích Vườn Chuối, tận mắt chứng kiến thầy trò ngành khảo cổ đào bới, tìm kiếm những hiện vật nằm sâu dưới lòng đất, ông càng muốn tìm hiểu nhiều hơn về những đồ vật này. Khi được nghe giảng về những mảnh gốm, những chiếc mũi tên đồng, ông chợt hiểu ra rằng, dấu tích lịch sử của quê hương ông chính là ở đây. Mỗi một đồ vật, dù nó có thể không còn nguyên vẹn nhưng lại lưu giữ cả cuộc sống của người Việt cách đây từ 2000 đến 3000 năm.
Nhưng không phải ai cũng nhìn thấy được giá trị văn hóa của di tích Vườn Chuối. Và giữa bộn bề của cuộc sống mưu sinh, nhiều người chẳng bao giờ để tâm đến những “miếng đồng gỉ sét” ấy có ý nghĩa thế nào. Nhiều người khi đào đất, bắt gặp những đồ vật bằng đồng, bằng sứ, bằng đá, họ đều tiện tay vứt đi. Ông Hùng nhặt về và lưu giữ vào bộ sưu tập của mình.
Khi những mồ mả được di chuyển về khu nghĩa trang mới cạnh di tích Vườn Chuối, nhiều hiện vật được tìm thấy như rìu đồng, mũi tên, trang sức, chày cối đá… Mỗi một món đồ như tái hiện lại nếp sống, sinh hoạt của người Việt xưa kia. Có nhiều đứa trẻ nhặt đồ cổ về lại bị bố mẹ vứt đi vì “theo quan niệm của nhiều người, những đồ vật ấy mang về nhà có thể gặp chuyện không may” – ông Hùng giải thích.
Khi đào cổ vật dưới lòng đất sẽ rất dễ bị vỡ vụn. Ông đã học được nhiều kinh nghiệm của các nhà khảo cổ, ông chỉ dạy mọi người trong làng, muốn lấy được đồ vật phải đào nguyên cả khối đất to, sau đó đem phơi khô, khi những món đồ cứng lại mới đem rửa sạch rồi cất giữ.
Ông Hùng chia sẻ: “Sau này,khi mọi người có nhiều thay đổi trong nhận thức về giá trị các di sản văn hóa, những cổ vật được ông mua lại, có món đồ ông mua với giá hơn một triệu đồng”.
Nhìn vào những cổ vật trong bộ sưu tập của mình, ông Hùng lại trầm ngâm, hoài niệm: “Nhớ hồi còn nhỏ, khi tôi ra đồng chăn trâu cắt cỏ vẫn thường bắt gặp những đồ đồng màu xanh như thế, nhưng khi đó, tôi cũng chưa biết đó lại là những cổ vật giá trị.
Nghĩa tình với văn hóa, lịch sử.
Phải là một người yêu quê hương, trân trọng văn hóa, lịch sử thì ông Phạm Văn Hùng mới bỏ nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm, gìn giữ những cổ vật như vậy. Ông dành riêng một gian phòng trong căn nhà để trưng bày những hiện vật của di tích Vườn Chuối mà mình thu thập được. Có những cổ vật của ông từng được hỏi mua với giá hàng chục triệu đồng nhưng ông quyết không bán. Nhưng ông sẵn sàng tặng lại món đồ giá trị cho những nhà khảo cổ học để phục vụ nghiên cứu lịch sử. Phòng trưng bày của ông còn đón tiếp nhiều vị khách, những học sinh đến tham quan, tìm hiểu về môn lịch sử.
Bộ sưu tập đồ cổ được đặt trong tủ kính và trên những kệ giá. Đồ vật của người Việt cổ vô cùng đa dạng, có đồ đá, đồ đồng, đồ gốm, đồ gỗ... Từ xa xưa, người Việt cổ đã biết sáng tạo khá nhiều dụng cụ phục vụ cho đời sống hằng ngày. Những họa tiết hoa văn được in trên từng hiện vật vẫn còn được lưu giữ dù lịch sử cách xa 2000 năm.
Tâm huyết với từng cổ vật, ông kể về chúng bằng cả niềm say mê của một người yêu văn hóa và nặng lòng với lịch sử. Cầm miếng đồng nâu trên tay, ông Hùng giới thiệu: “Đây là tấm che ngực bằng đồng với những nét hoa văn tinh xảo trong thời kì Đông Sơn”. Những món đồ trang sức như vòng tai, vòng cổ cũng vô cùng đa dạng. Đồ đá được người Việt sáng tạo làm những chiếc dùi, đến bây giờ vẫn còn nguyên góc cạnh sắc lẹm. Bộ sưu tập đồ cổ đã gìn giữ, lưu lại cho hậu thế biết về lịch sử, văn hóa dân tộc, tổ tiên.
Nhiều người tìm kiếm đồ cổ với mục đích kinh doanh, nhưng riêng ông Hùng, mảnh đất quê hương với những dấu tích của lịch sử từ ngàn xưa chính là lý lo để ông luôn tâm huyết với những di sản văn hóa Vườn Chuối. Ông góp nhặt những món đồ này dù nó chỉ còn một phần nhỏ. Có những chiếc bát, chiếc bình bằng gốm chỉ còn lại từng mảnh lại được ông tìm cách ghép và trám lại. Không chỉ sưu tầm đồ cổ, ông còn lưu giữ những món đồ cũ của ông, cha để lại, dù đơn giản chỉ là những chiếc đĩa sứ, những chiếc mâm đồng.
Khi cuộc sống xã hội phát triển, sự hiện diện của những tòa nhà chung cư, khu công nghiệp và các công trình giao thông ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến những di tích lịch sử. Theo ông Hùng, khu di tích Vườn Chuối nay cũng chỉ còn giữ lại được một phần nhỏ. Di sản Vườn Chuối là ngọn nguồn lịch sử, dòng chảy văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn Việt. Guồng quay của cuộc sống hiện đại vẫn khiến ông không khỏi suy tư về vấn đề bảo tồn những di sản văn hóa dân tộc.