Cô thợ thêu có giọng nói oanh ca
NSƯT Trần Thị Tuyết xuất thân trong gia đình có mẹ là đào nương Nguyễn Thị Phúc, một danh hát ca trù vang bóng một thời tại Hà thành. Những năm 1957-1958, bà Phúc làm cộng tác viên cho Đài TNVN. Một hôm, thi sĩ Hoàng Tấn, người tổ chức chương trình Đài TNVN hỏi chuyện về gia đình nghệ sĩ Phúc. Như chạm vào tiếng lòng, bà đành nói thật về cái nghề hát đào mình trước đây làm. Thời đó, những đào nương như bà người ta cho là xướng ca vô loài, dù có hát hay, đàn giỏi cũng không được người đời trọng dụng, yêu mến. Ngẫm phận nghề hẩm hiu, bà Phúc không cho con mình theo nghiệp mẹ.
NSƯTTrần Thị Tuyết khi về già
Trả lời thi sĩ Nam Hoàng Tấn, bà Phúc bảo: “Có mấy đứa con nhưng tôi cho chúng ra làm công việc ngoài hết rồi, chỉ có đứa con gái thấy nó suốt ngày ngêu ngao, hát vài câu cho vui cửa vui nhà”. Nghe vậy, ông Tấn liền cắt ngang câu nói bà bảo hôm sau đưa con gái vào thử giọng.
Ngày hôm sau, Trần Thị Tuyết được mẹ dẫn vào đài thử giọng. Ông Hoàng Tấn đưa cho Tuyết một đoạn thơ để bà ngâm thử. Lúc ấy Tuyết 30 tuổi, hàng ngày chỉ biết quanh quẩn bên máy may thêu thùa nên có biết ngâm thơ là gì. Vậy mà lần đó, Tuyết lấy hết can đảm, ngâm liều một vài dòng. Vừa dứt lời, ông Hoàng Tấn vỗ tay thật to nói oang oang: “Tuyệt vời, như thế là hay lắm rồi. Từ ngày mai cô Tuyết vào làm cộng tác cho đài nhé”.
Cả bà Phúc và Tuyết không ngờ rằng, cái duyên tiền định đã gắn một cô thợ may vào những vần thơ đêm đầy sâu lắng. Trong suốt hai năm, Tuyết làm cộng tác viên thường xuyên của đài, chịu trách nhiệm ngâm thơ vào 10h đêm hai ngày trong tuần. Năm 1962, chị chính thức vào làm ở Đài TNVN. Lúc đó, nhiều người ngạc nhiên về Tuyết. Họ không thể ngờ được, từ một người thợ may quanh năm làm bạn với vải vóc, lụa là, nay trở thành giọng ngâm thơ có thể nói hay nhất thời đó.
Tiếng thơ của nghệ sĩ Tuyết trên làn sóng Đài TNVN một ngày rồi cũng đến tai Bác Hồ. Bác gọi bà vào ngâm thơ. Lần đầu tiên được gặp Bác, bà Tuyết vừa hồi hộp, run run vừa hạnh phúc lâng lâng. Trong tâm trí cô chưa bao giờ dám mơ rằng một ngày mình lại được vào tận Phủ chủ tích để gặp người lãnh tụ tài ba. Giọng Người đầm ấm hỏi chuyện về gia đình, công việc của bà Tuyết.
“Tôi không thể ngờ được, Bác còn biết chuyện bà có đứa con bị bại liệt. Bác Hồ hỏi con tôi đã đỡ chưa, sức khỏa tốt không. Lời của Bác từng câu từng chữ đến bây giờ tôi vẫn nhớ. Bác động viên, căn dặn những điều nên và không nên của một người nghệ sĩ. Là nghệ sĩ trước hết phải có đạo đức, luôn trau dồi học hỏi văn hóa và những tinh hoa của các nền nghệ thuật”, bà Tuyết kể lại.
Lần đó, bà Tuyết ngâm những bài thơ trong cuốn Nhật kí trong tù cho Bác Hồ nghe. Sau đó, Bác cho Trần Thị Tuyết đi xem phim cùng các anh chị em trong phủ Chủ tịch. Bác chia kẹo cho từng người. Đến lượt cô Tuyết, Bác chia cho 5 cái vì nhà có 5 người. Một mẹ già, hai vợ chồng và 2 đứa con. Bà tâm sự: “Từ lần được gặp Bác Hồ, tinh thần tôi rạng rỡ hẳn ra. Giọng nói của người cứ âm vang trong trái tim tôi, thúc dục tôi phải làm việc hơn nữa để cống hiến cho đất nước. Bác bận trăm công nghìn việc như vậy mà còn để ý quan tâm đến tôi quả thật hạnh phúc không gì bằng”.
Lần đầu tiên gặp mặt, Bác tặng Trần Thị Tuyết cuốn sách thơ cổ điển. Bà coi như báu vật của mình. Sau lần đó, thỉnh thoảng Bác vẫn gọi Tuyết vào ngâm thơ, đọc báo cho Người nghe.
Những kỉ vật ngày xưa được Bác Hồ tặng bà đã trân trọng gìn giữ và mới đây thì trao lại cho bảo tàng Hồ Chí Minh
Tiếng thơ át tiếng bom đạn
Sống và làm việc theo lời Bác dặn, bà Tuyết không sợ hiểm nguy, gian khổ. Bà theo đoàn dân công ra tiền tuyến ngâm thơ cho bộ đội nghe. Từ mặt trận Hoàng Mai (Nghệ An) đến chiến trường Bình -Trị -Thiên, tiếng thơ của bà đã át đi tiếng bon đạn, thổi tinh thần chiến đấu cho các chiến sĩ. Những năm tháng gắn bó với công việc ở Đài TNVN cũng là thời điểm mà cuộc chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng ác liệt. Cả nước đồng lòng, chung sức đánh giặc.
Là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa thông tin, bà Tuyết cùng những cộng sự của mình tới tận vùng căn cứ ác liệt nhất, những đơn vị đóng quân tận sâu trong rừng già của dải trường Sơn hùng vĩ. Trên trời máy bay vần vũ, tiếng bom rơi, súng nổ chát chúa nhưng không thể át được giọng ngâm trầm ấm, da diết, sâu lắng của người đàn bà bé nhỏ.
Có đơn vị, khi đoàn vừa đi khỏi thì bị trúng bom hy sinh còn đúng một nữ chiến sĩ. Cô ấy viết thư ra chia sẻ với bà: “Vừa nghe tiếng thơ của cô được ít ngày, tâm hồn chúng cháu như được sống dậy. Chúng cháu thấy yêu đời, yêu quê hương đất nước nhiều hơn. Nhưng cô ơi, giặc Mỹ ném bom khiến các đồng đội cháu hy sinh hết rồi chỉ còn một mình cháu may mắn sống sót. Cháu nhớ cô, nhớ giọng ngâm của cô và càng căm thù giặc Mỹ nhiều hơn”.
NSƯT Trần Thị Tuyết vừa đem tặng lại bảo tàng Hồ Chí Minh những kỉ vật được Bác tặng. Những giọt nước mắt nhớ thương về một thời được ngâm thơ cho Bác Hồ nghe khiến nghệ sĩ già lặng đi. Bà tâm sự rằng: “Phải trao lại những báu vật của đời lại, tôi cũng tiếc lắm. Nhưng nay tôi đã già, không còn sống được bao lâu nữa nên gửi lại để cho con cháu sau này còn biết và trân trọng”.
Hoa Nguyên