Họa sĩ có nội tạng đảo ngược
Ngày cậu bé Phạm Đắc Trưởng (tên thật của NSND Phan Phan) chào đời đã mang theo mình một định mệnh khác người và một cơ thể với ngũ tạng đảo ngược. Một trái tim nằm bên phải vẫn nồng ấm và luôn đong đầy niềm đam mê mỹ thuật theo ông từ bé cho đến khi bước sang tuổi 80.
Bức tranh Không mệt mỏi của NSND Phan Phan, nói lên quan niệm lao động của ông
Nhắc lại kỷ niệm hú hồn khi phát hiện ra điểm đặc biệt của cơ thể, người nghệ sĩ già có nụ cười hiền hậu, hài hước nói: "Hồi nhỏ, một lần tôi bị bệnh khá nặng, phải vào bệnh viện khám. Bác sĩ chữa trị cho tôi đã rất loay hoay khi không tìm thấy nhịp tim ở vị trí lồng ngực trái như mọi người. Cuối cùng, vị bác sĩ này phát hiện ra không chỉ tim mà các tạng còn lại cũng bị đảo ngược. Tim, lá lách nằm bên phải còn gan lại bên trái. Chắc nhờ ngược đời vậy nên tôi có sức khỏe rất tốt, sống lâu, sống vui như vậy".
NSND Phan Phan sinh ra trong một gia đình địa chủ giàu có, ruộng lúa ngàn mẫu ở xứ Giồng Trôm, Bến Tre. Thế nhưng, nghệ sĩ không hề bị ảnh hưởng lối sống xa hoa, thích hưởng thụ của đa số cá nhân thuộc tầng lớp này thời thực dân Pháp xâm chiếm. Từ bé, họa sĩ đã có ý thức tự lập và tinh thần làm việc độc lập, khác hẳn với các anh em trong gia đình.
Tuy gia đình có điều kiện nhưng vẫn không chấp nhận cho cậu bé Phạm Đắc Trưởng học ngành mỹ thuật, đúng theo mơ ước và sở thích. Gia đình vốn giàu có, lại có truyền thống hiếu học nên cha mẹ muốn ông học để làm thầy thông, thầy ký. Ông chia sẻ: "Cha tôi cũng là người thích vẽ, ông thường vẽ tranh tượng Phật, có lẽ tôi hưởng gen mỹ thuật từ cha. Thế nhưng, tôi muốn theo học mỹ thuật thì bị gia đình phản đối kịch liệt. Tôi phải lén đi thi và tự trang trải phí học tại trường Mỹ thuật Gia Định".
Năm 1953, trường Mỹ thuật Gia Định tuyển sinh, tại Bến Tre có 58 thí sinh dự thi và ông đạt thủ khoa, cùng với một người bạn nữa được nhận vào học. Lúc có kết quả, ông mới dám báo với gia đình và xin đi học vẽ, cả nhà kịch liệt phản đối nhưng có người cậu xin giúp ông: "Cho nó đi học để biết Sài Gòn, chừng một năm là nó chán, kêu về cũng không muộn". Nghe vậy, cha mẹ ông miễn cưỡng đồng ý và nuôi hy vọng cậu con trai sẽ sớm chán cọ vẽ.
Sau nửa năm học dự bị trường Mỹ thuật Gia Định, người bạn cùng quê của họa sĩ Phan Phan bỏ học vì không theo nổi lịch học dày đặc và đòi hỏi ngày càng cao năng khiếu lẫn khả năng tiếp thu của từng học sinh. Giữa Sài thành hoa lệ, sự cô đơn dễ khiến con người ta nản chí, nhưng dường như điều đó không là thách thức đối với niềm đam mê cháy bỏng trong ông.
Một năm dự bị hoàn tất, tên ông lại được đưa vào danh sách những học sinh đủ tiêu chuẩn theo học. Nhưng thời hạn một năm cho chuyến phiêu lưu mà gia đình cho ông đã hết. Những bức thư gia đình hối thúc về quê cứ liên tục được gửi lên, nội dung ngày một gay gắt hơn. Đỉnh điểm, cha mẹ ông quyết không chu cấp tiền bạc để ông theo học ngành mỹ thuật. Dù đã dự cảm từ trước, ông vẫn không khỏi chới với khi gia đình sử dụng biện pháp mạnh để ông thôi học.
Với bản lĩnh được tôi luyện từ bé, những kinh nghiệm kiếm tiền từ mấy việc làm con con như thuở sáu, bảy tuổi vẽ mặt nạ hát bội bán cho lũ bạn đã cho ông thêm niềm tin vượt qua khó khăn. Nghĩ rồi làm, họa sĩ bắt tay vào vẽ tranh cho các tờ nhật báo ở Sài Gòn. Vẽ được tập sách có 100 tranh minh họa, ông đem tranh đi tiếp thị khắp nơi.
NSND Phan Phan cho rằng: "Tôi thật may mắn, cái nghề dường như là nghiệp nên mỗi khi có trắc trở, tôi đều vượt qua một cách dễ dàng. Ngày tôi mang tập tranh đến nhật báo Sài Gòn Mới cũng là lúc ông chủ báo đang gặp khó khăn vì anh thợ vẽ cũ đòi tăng lương. Tôi mang tranh đến, ông chủ báo nhìn tranh và hỏi tôi bán giá bao nhiêu. Tôi thiệt tình nói mới làm lần đầu nên không biết gì, ông trả người khác bao nhiêu tôi nhận bấy nhiêu". Ông chủ báo Sài Gòn Mới hẳn nhiên vui mừng ra mặt, còn họa sĩ lòng lâng lâng khi cầm trên tay 4500 đồng tiền công. Số tiền ấy với ông không hề nhỏ, đủ để trang trải tiền học cho cả một năm.
NSND Phan Phan giản dị ở tuổi 80
Và một đời theo nghiệp thiết kế sân khấu
Cơ duyên đưa ông đến với nghề thiết kế sân khấu cũng ngẫu nhiên nhưng ngỡ như được sắp đặt sẵn. Người bạn thân của họa sỹ Phan Phan là cậu Năm Thành, con bà Bút Trà, chủ bút tờ Sài Gòn mới, cậu này rất mê tiếng hát cô đào Thanh Nga. Để lấy lòng người đẹp, cậu Năm Thành đã nhờ họa sỹ Phan Phan thiết kế sân khấu cho vở diễn Thầy cai tổng Bồi của tác giả Lư Hòa Nghĩa. Kinh nghiệm có được từ lần thiết kế sân khấu cho người Nhật được ông đem ra vận dụng hết mức cộng thêm sự sáng tạo, thiên bẩm mà ông có vào lần thiết kế này.
Vở diễn thành công tốt đẹp, cô đào Thanh Nga có bối cảnh sân khấu đẹp để phô diễn tài năng nên rất hài lòng. Cậu Năm Thành hớn hở mời họa sỹ Phan Phan đi ăn trưa để cảm ơn. Ngỡ lần đó chỉ là phút ngẫu hứng, ra tay giúp bạn, nào ngờ đó là lần rẽ sang hướng mới, duyên nghiệp đời người của người họa sỹ có trái tim bên phải. "Chính bữa ăn trưa khiến họa sỹ trễ giờ làm ở công ty quảng cáo, đến công ty bị cằn nhằn, sẵn trong người có chút rượu, tôi có cố cãi lại đôi chút, rồi tức tối nghỉ việc", ông nói.
Từ đó, họa sỹ Phan Phan chuyển hẳn sang thiết kế sân khấu cho các đoàn hát lớn như Đại Bang, Kim Chưởng, Thanh Minh-Thanh Nga. Ngót ngét 50 năm, dốc sức cho niềm đam mê mỹ thuật, ông vinh dự được Nhà nước và nhân dân phong tặng NSƯT năm 1997, rồi NSND năm 2007 với những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc.
Từ năm 1985 đến nay, chưa hội diễn văn nghệ toàn quốc nào vắng mặt họa sỹ Phan Phan, có năm liên hoan quy tụ 21 đoàn tham gia, ông đã phụ trách thiết kế cho 11 đoàn. Sáu huy chương vàng, năm huy chương bạc là những giải thưởng khích lệ tinh thần để ông duy trì tâm sức với nghề, dù nghề không mang lại cho ông hào quang sân khấu hay tiền bạc dư thừa.
Mỗi lần, vở diễn do ông thiết kế sân khấu biểu diễn, đứng từ xa nhìn lên sân khấu, ông thấy nể phục công sức mấy anh em trong đoàn, đã góp công cùng ông dàn dựng một sân khấu mang hơi thở của cuộc sống. Với những quy định gắt gao, mỗi cảnh vật, đạo cụ khi đưa lên sân khấu chỉ được gói gọn trong một mét vuông để dễ dàng gấp mở, chuyển cảnh.
Cận cảnh những phác thảo của nghệ sĩ Phan Phan
NSND Phan Phan chia sẻ: "Đạo diễn và thiết kế sân khấu phải hiểu ý nhau, ông thiết kế phải đảm bảo tính mỹ thuật, tạo chỗ diễn cho diễn viên, tạo mảng cho đạo diễn xử lý. Cho đến bây giờ, người đạo diễn làm việc ăn ý với tôi nhất là Trần Ngọc Giàu. Tôi và Trần Ngọc Giàu làm việc rất ăn khớp, tung hứng ý tưởng để vở diễn thành công tốt đẹp".
Tuy nhiên, tuổi 80 của ông vẫn chưa hẳn đã thanh thản khi còn trăn trở từng ngày, "Nghệ thuật ngày càng xa rời quần chúng, sân khấu được bày trí một cách ước lệ, qua loa không phù hợp với thị hiếu thưởng thức của đại đa số quần chúng. Tôi nhớ một lần công diễn vở Người trong cõi nhớ, sân khấu bày trí vài cục xanh đỏ, ước lệ. Người xem hoang mang, có người cười bảo mấy ông này nghèo tới nỗi không trang trí nổi sân khấu hay sao, xem nhức đầu, chẳng hiểu gì".
Tuổi 80 của ông đến nhẹ nhàng bên cọ vẽ, những bức tranh không mệt mỏi của ông cứ lần lượt ra đời không theo một quy luật hay kế hoạch nào. Con cái ông không người nào theo nghề, nhưng vẫn còn đó những người học trò tâm huyết được ông tận tình dạy bảo. NSND Phan Phan thấy vui vì vẫn được các cháu trong nhiều đoàn văn nghệ thân thương gọi bằng thầy, bằng cha.
Bút danh Phan Phan đến với ông cũng rất tình cờ, "Tôi đang lâng lâng cầm số tiền công quá lớn mà chưa biết sẽ dùng vào việc gì thì ông chủ báo cứ hối thúc đặt bút danh để đăng lên báo. Tôi mới xin khoan khoan đợi cháu một chút, để cháu suy nghĩ, chẳng hiểu ông chủ báo nghe thế nào lại bảo Phan Phan hả, cũng hay đó, lấy bút danh này nghe. Vậy là cái danh ấy gắn với tôi hơn 50 năm làm nghề, bao thăng trầm vinh nhục cùng nó bước qua", ông chia sẻ. |
Ngọc Lài