Theo công ty Tài chính Quốc tế (IFC), tại Việt Nam, chỉ có khoảng 20% người trưởng thành được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức và chỉ có 8% trong số họ có tiền tiết kiệm tại các ngân hàng.
Đặc biệt, nhóm dân số có thu nhập thấp, ước tính khoảng 10 triệu người, chủ yếu là phụ nữ và người nghèo, là nhóm đối tượng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính trong các lĩnh vực thanh toán và gọi vốn, ít người sử dụng thẻ ngân hàng và khi cần vay vốn thì vay tín dụng đen.
Thời gian gần đây, vấn đề phát triển tài chính toàn diện được coi là trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững. Tài chính toàn diện cũng là chủ đề được ưu tiên thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 và các hội nghị liên quan vừa được tổ chức tại Việt Nam.
Thời gian qua, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách và hoạt động trong khuôn khổ tài chính toàn diện như phát triển tài chính vi mô, thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân… đóng góp nhiều hơn cho giảm nghèo, phát triển kinh tế toàn diện và bền vững.
Mới đây, ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phối cũng quỹ MetLife phát động Chương trình “Đổi mới - Thực hiện - Tác động” (gọi tắt là chương trình i3) tại Việt Nam nhằm cải thiện khả năng tài chính cho người có thu nhập thấp thông qua các sáng kiến kỹ thuật số.
Trong khuôn khổ chương trình i3, NHCSXH và công ty MicroSave tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về mặt kỹ thuật dựa trên sự thống nhất về các nội dung công việc sẽ thực hiện dự án Mobile Banking giai đoạn 2 mà ngân hàng đang triển khai cùng với quỹ Châu Á và MasterCard. Tổng chi phí công ty MicroSave hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn dự kiến là 500.000 USD, thực hiện trong vòng 36 tháng.
Chương trình i3 dự kiến sẽ tạo ra sự tác động trực tiếp cho ít nhất 400.000 khách hàng có thu nhập thấp và trung bình.
Chia sẻ về chương trình này, ông Phạm Xuân Hòe – Phó Viện trưởng viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, những năm qua, thực hiện Quyết định 1726/QĐ-TTg về phê duyệt đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào ngày 5/9/2016, Ngân hàng Nhà nước được giao xây dựng dự thảo khung chiến lược quốc gia tài chính toàn diện dự kiến trình Thủ tướng thông qua vào năm 2020.
Trong đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược này là phấn đấu đảm bảo tất cả người dân và DN, nhất là người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các DNNVV có quyền tiếp cận và sử dụng hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ tài chính chính thức, phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, tiện lợi, nhanh chóng với mức chi phí hợp lý trên cơ sở phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững.
Ông Bùi Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH cho biết với tư cách là ngân hàng có mạng lưới rộng lớn và hướng tới đối tượng chính sách, người dân nghèo, vùng nông thôn, ngân hàng Chính sách hi vọng thông qua sự hợp tác với chương trinh i3 sẽ đạt được mục tiêu “Không để cách mạng công nghiệp 4.0 bỏ qua người nghèo”.
Ngân hàng số, fintech, ví điện tử, QR code, dịch vụ tài chính hiện đại,… những khái niệm này đã rất phổ biến ở các đô thị lớn, đang được Chính phủ nỗ lực đưa đến với nhóm người nghèo là các hộ gia đình, các doanh nghiệp siêu nhỏ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc đưa công nghệ vào ứng dụng giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo, người ở vùng sâu vùng xa còn nhiều thách thức. Trong đó, theo ông Phạm Xuân Hòe, trước hết, là người nghèo sẽ được trang bị điện thoại thông minh như thế nào, và phải có người hỗ trợ điều này. Thứ hai là thiết kế ứng dụng của nhà cung ứng phải phù hợp với người sử dụng. Thêm nữa là vấn đề chi phí và đào tạo.
Các chuyên gia cho rằng để dịch vụ tài chính tiếp cận được nhóm người nghèo trong thanh toán và gọi vốn, dần hạn chế thói quen sử dụng tiền mặt trong giao dịch, thì ngoài việc tạo cơ chế chính sách hỗ trợ còn cần phải giáo dục nhận thức cho người nghèo về công nghệ, hạ thấp chi phí sử dụng dịch vụ, nâng cao tính an toàn bảo mật, đồng thời có chế tài xử phạt những đơn vị có khả năng sử dụng thanh toán online mà vẫn cho phép thanh toán bằng tiền mặt...
Tuy còn nhiều khó khăn thách thức nhưng các chuyên gia đều lạc quan về dư địa phát triển lĩnh vực tài chính kỹ thuật số tại Việt Nam. Việt Nam hiện có tỉ lệ đăng ký sử dụng điện thoại vào loại cao với 145,8%, trong đó 84% người dùng điện thoại di động ở Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh, gần 65% dân số ở trong vùng phủ sóng. Hiện tại, các giải pháp thanh toán kỹ thuật số chiếm 89% thị trường fintech Việt Nam. Đó là những điều kiện tốt để giúp các nhóm đối tượng này tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính hiện đại.
Minh Minh