Tai họa sinh tài năng
Nếu ai từng yêu cải lương thì vẫn còn nhớ những bài vọng cổ như: Tâm sự Kiều Nương, Hận thâm cung, Dòng sông ly hận... Nhưng ít ai biết rằng, "cha đẻ" của những ngôn từ mượt mà sâu lắng ấy là một nhạc sĩ tài hoa nhưng bại liệt. Cũng ít người biết rằng, anh sinh ra vốn cũng chẳng định hướng cho mình sẽ làm công việc sáng tác đòi hỏi quá nhiều đam mê và công sức.
Anh tên thật là Nguyễn Tấn Tài (SN 1954, ngụ huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, cũng vì mưu sinh nên anh theo người quen đi khai hoang ở Sông Ray (tỉnh Đồng Nai) khi mới bước vào tuổi 20. Ngày đó, sức trẻ hừng hực, lại tìm đến mảnh đất mới đầy khó khăn nên anh luôn cố gắng làm lụng để cải thiện cuộc sống. Chẳng may cho anh, trong một lần chặt cây lớn, anh đã bị gãy đốt sống lưng, không đi đứng được.
Cuộc đời đang đầy nhựa sống của chàng trai 20 tuổi với bao ước mơ hoài bão, bỗng dưng bị chìm đắm trong u uất bởi thân thể tật nguyền làm anh cảm thấy chán nản. Nhạc sĩ Anh Liệt ngậm ngùi nhớ lại: "Lúc đó, tôi bi quan và cực kỳ chán nản. Tôi nhậu nhẹt, chỉ tìm niềm vui trong những cơn say, nhưng chính trong thời gian này, có một người anh đã giúp tôi định hướng được suy nghĩ của mình...". Đó là người anh họ, nhà văn Thái Nguyên (nhà thơ, nhạc sĩ Ngọc Thùy Giang) sang nhà chơi. Nghe anh Thái Nguyên khoe có thiệp mời đi dự trại sáng tác viết văn ở Đà Lạt, anh vô tư thốt lên: "Biết chừng nào em mới được đi như anh!". Khi nghe người anh họ nói, Anh Liệt cũng vui miệng bảo rằng: "Vậy thì, em viết đi, chắc chắn sẽ có ngày được đi như anh"...
Tưởng chỉ là chuyện đùa, vậy mà với sự động viên và hướng dẫn của người anh họ, anh cầm bút bắt tay vào viết truyện... Truyện ngắn đầu tiên mang tên Mùi đu đủ xanh được đăng trên Tạp chí Sông Phố (tiền thân của Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai bây giờ). Ngày đó, cũng vì thấy mình bị liệt nên anh lấy bút danh Anh Liệt luôn. Trong vòng một năm sau đó, 10 truyện ngắn tiếp theo ra đời (như Đồng Minh mới, Phiên chợ cuối năm, Ước mơ của đất, Trăng lên...) và tập truyện thiếu nhi Hoa mặt trời được Nhà xuất bản Đồng Nai phát hành. Chính nhờ những tác phẩm này mà anh đã thỏa ước mong "không tưởng" là được mời đi dự trại sáng tác ở Đà Lạt như mơ ước trước đây của mình.
Nhạc sĩ Anh Liệt bên bàn sáng tác
Nhạc sĩ Anh Liệt chia sẻ: "Thực chất, tôi bước vào sáng tác nhạc mới từ năm 2009, khi phục hồi sau cơn bạo bệnh thứ hai. Lúc đó, nghe em gái hát vọng cổ sao mình mê quá, may mắn là nghệ sỹ Linh Phụng có biết chút ít về nhạc nên đã động viên tôi sáng tác, và từ đó những ca khúc của Anh Liệt ra đời".
Mối tình sâu đậm với cô láng giềng
Người nhạc sĩ tài hoa khi kể về sáng tác nhạc, đôi mắt lấp lánh, anh nói say sưa như sợ ai đó sẽ không có đủ thời gian ngồi nghe anh. Nhưng khi bất chợt nhắc tới tình yêu mắt anh chùng lại. Trong cuộc đời ai cũng đã từng trải qua một hay nhiều mối tình, và tình yêu của người nghệ sĩ thì chẳng thể nào không có, và anh kể cho tôi nghe về mối tình buồn với cô bé hàng xóm. Cũng do bị tai nạn từ lúc bước vào tuổi hai mươi, nên nhạc sĩ Anh Liệt ý thức được rằng mình yêu ai cũng chỉ mang lại bất hạnh cho người con gái đó, nên anh thường không mấy khi nghĩ về. Nhưng con tim có lý lẽ riêng của nó, chúng ta không thể nói với nó rằng yêu ai hay không được yêu ai. Và anh đã yêu, nói đúng hơn là anh được yêu. Cô gái ấy không ai khác mà là cô hàng xóm bên cạnh nhà anh, một người con gái đẹp cả người lẫn nết.
Những ngày đầu mới bị bại liệt, anh thường chán nản nên hay uống rượu. Cũng thời gian này có cô hàng xóm tên Lan hay sang nhà anh chơi, thấy anh như vậy nên động viên chia sẻ với anh những buồn vui trong cuộc sống. Lần đầu chỉ là tình bạn, nhưng dần dần hai người yêu nhau lúc nào không hay. Ngày đó mặc cảm mình tàn tật, lại thấy Lan xinh đẹp nên nhạc sĩ Anh Liệt dù yêu cô hàng xóm tha thiết vẫn cố gắng kìm nén cảm xúc của mình. Nhưng cô hàng xóm đã làm mọi cách để anh biết rằng cô cũng yêu anh tha thiết và mong muốn ở bên anh suốt cuộc đời còn lại.
Tình yêu đẹp ấy làm bao người nể phục, anh em bạn bè của nhạc sĩ Anh Liệt ai cũng thầm cảm phục trái tim của Lan. Nhưng khi bình tâm nghĩ lại, nhạc sĩ tự nói với mình rằng "nếu mình yêu Lan là một sự ích kỷ bản thân, mình chẳng làm được gì cho Lan hạnh phúc, ngay cả thiên chức làm mẹ Lan cũng chẳng thể có khi ở bên mình thì làm sao lại giam đời con gái của cô ấy được". Nghĩ thế nên Anh Liệt nhiều lần nhỏ to tâm sự để khuyên Lan đi lấy chồng. Nhưng cô hàng xóm ấy vẫn một mực không đồng ý, bởi tình yêu trong cô dành cho nhạc sĩ quá sâu đậm. Sự "dùng dằng" ấy kéo dài suốt hai mươi năm. Hai mươi năm là quảng thời gian vừa hạnh phúc vừa đau khổ của anh, nhưng cuối cùng anh đã quyết tâm khuyên được người yêu đi lấy chồng.
Ngày Lan lấy chồng, trời chẳng mưa nhưng phía lòng anh như bão táp ập về. Anh tỉ mẩn gói quà tặng cô nhân ngày cưới, cũng chẳng thể dũng cảm đẩy xe lăn đến dự đám cưới cô nên anh nhờ em gái đưa quà giùm. Khi em gái anh đi đám cưới về, thấy anh ngồi trên xe lăn đứng trước cổng, cô em gái khóc như mưa chạy đến ôm anh, anh cười mắng: "Người yêu tao đi lấy chồng chứ người yêu mày đi lấy vợ đâu mà mày khóc, lạ vậy ta? Khóc gì mà khóc". Anh nói xong đẩy xe lăn đi vào trong buồng, đóng cửa mấy ngày không ăn không uống gì...
Kể xong tới đó nhạc sĩ Anh Liệt nở nụ cười: "Nhưng rồi cũng qua đi, bây giờ tôi và cô ấy chẳng gặp nhau nữa. Nhưng trong sâu thẳm lòng mình cô ấy vẫn là người tuyệt vời nhất mà không bao giờ tôi quên, vẫn luôn theo dõi bước cô ấy đi, còn niềm vui của tôi bây giờ là sáng tác".
Cho đến nay, Anh Liệt đã viết được gần 100 bài vọng cổ và vài bản tài tử, trong đó chủ đề chính được tác giả lột tả là tình yêu quê hương, đất nước, con người, với các bài như Chinh phụ, Hào khí Thăng Long, Nửa mảnh trăng thề, Hận thâm cung, Dòng sông ly hận, Tâm sự Kiều Nương, ... Với những tác phẩm này, nghệ sĩ Linh Phụng và nhiều nghệ sĩ khác đã giới thiệu trong nhiều show hát và biểu diễn ở nhiều chương trình cải lương, đờn ca tài tử khác trong và ngoài tỉnh.
Tô Hương Sen