Cuối đời chỉ thèm nghe tiếng hồ Gươm “thở”
Từ khi về nước, nhạc sĩ Phạm Duy vẫn sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh suốt 5 năm vừa qua. Tuy nhiên, ông vẫn luôn nhớ về Hà Nội - nơi ông đã cất tiếng khóc chào đời. Có dịp về nơi chôn rau cắt rốn, ông thường loanh quanh ở Hồ Gươm, nơi ngày xưa ấy tuổi ấu thơ của ông gắn với số nhà 21 phố Hàng Dầu.
Nhạc sĩ Phạm Duy
Nhạc sỹ Phạm Duy kể: "Ngày ấy, năm 1945, tôi 24 tuổi, là một trong 70 thanh niên Hà Nội đầu tiên Nam tiến. Tôi theo kháng chiến trước khi cuộc Kháng chiến toàn quốc nổ ra. ở đó, tôi sáng tác những ca khúc mà đến nay nhiều người còn hát như Xuất quân, Xuân chiến trường, Gươm tráng sĩ... Trở về Hà Nội lần này, một số ca khúc kháng chiến của tôi sẽ được trình diễn. Đó là một phần đời, một phần sáng tác của tôi mà chưa nhiều người biết đến. Cuộc đời có nhiều ngã rẽ, nhưng dù ở đâu, trong sâu thẳm tôi luôn hướng về đất nước, về dân tộc, vì thế dù sống ở đâu tôi vẫn lựa chọn con đường âm nhạc Việt Nam hướng tới sự hòa nhập với thế giới".
Cho đến nay nhiều người đều thừa nhận rằng ông là một trong những cá nhân tiêu biểu của thế hệ đầu đặt nền móng cho nền tân nhạc Việt Nam. Một thế hệ với những bản nhạc trữ tình xưa tha thiết, đắm say nhưng tác giả của chúng bây giờ chẳng còn lại mấy người. Nhạc sỹ Phạm Duy mong muốn: "Hãy nhìn tôi bằng cả một cuộc đời cống hiến cho âm nhạc, đừng nhìn tôi bằng một góc cạnh của cuộc đời". Chính vì tình yêu đời, yêu người, yêu đất nước Việt nên ông đã trở về. Đến giờ và trước đây người nhạc sỹ vẫn khẳng định: "Tôi trở về là đúng! Tôi sinh ra là người Việt Nam, tôi làm những bản nhạc cho người Việt cho dù tôi sống ở trong hay ngoài nước cũng vậy. Được trở về, trút hơi thở cuối cùng nơi đất mẹ là mơ ước của tôi".
"Nhập đồng" thăng hoa cùng Hàn thi sĩ
Ngày ông trở về Hà Nội làm đêm nhạc tri ân khán giả Thủ đô cũng là lúc người nhạc sỹ già nhận được tin vui: Trường ca Hàn Mặc Tử vừa được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) cấp phép biểu diễn. Đây là một tác phẩm mà ông đã dành nhiều tâm huyết để sáng tác. Bởi ông tìm thấy và đồng cảm với đức tin về cuộc sống mãnh liệt của một tâm hồn phong phú nằm ẩn sau con người bệnh tật của Hàn Mặc Tử. Trước cuộc đời đau đớn của thi nhân Hàn Mặc Tử, Phạm Duy nhìn thấy có mình trong đó, một sự "nhập đồng" khi ông sáng tác trường ca Hàn Mặc Tử.
Nhạc sĩ Phạm Duy chia vui cùng các nghệ sĩ và người yêu nhạc tham gia đêm nhạc "Người phiêu lãng" của ông vừa tổ chức tại Hà Nội
"Tôi có những tư liệu về Hàn Mặc Tử ít người biết"
Trong niềm vui một số nhạc phẩm rất mực tâm huyết sẽ được cấp phép biểu diễn trong nước, nhạc sỹ Phạm Duy cho biết: "Tôi sẽ có cuộc diễn thuyết về trường ca Hàn Mặc Tử. Tôi sẽ cung cấp những bài viết, những tư liệu có thể ít người biết về Hàn Mặc Tử".
Ông còn cho biết thêm, rất muốn thời gian tới được phối hợp với nhà sử học Dương Trung Quốc tổ chức cuộc diễn thuyết giới thiệu trường ca Hàn Mặc Tử. Một chương trình nhớ Hàn Mạc Tử cũng được những người yêu của thi nhân nung nấu. Ở đó, ngoài Trường ca Hàn Mặc Tử dài khoảng 45 phút sẽ có những bài hát của các nhạc sỹ khác đã từng phổ thơ của Hàn thi sĩ. Những người yêu Hàn Mặc Tử say đắm như nhạc sỹ Phạm Duy đang mong muốn có một đêm Hàn Mặc Tử như thế trong một dịp đặc biệt như sinh nhật, hoặc kỷ niệm ngày mất của “thi nhân đồng trinh” (lời của Chế Lan Viên), giằng xé cơn đau trong ảo ảnh của ánh trăng này.
Theo nhạc sỹ Phạm Duy, phổ thơ thất ngôn của Hàn Mặc Tử khó lắm. Vì lẽ đó, mà rất ít nhạc sỹ phổ nhạc thơ Hàn Mặc Tử thành công. "Để làm trường ca Hàn Mặc Tử, tôi không sử dụng nhạc ngũ cung thông thường mà phải chuyển sang thất cung, đó là sự tiến bộ ghê gớm lắm. Bởi thất cung sẽ có nhiều "âm giai" hơn. Trong đó, tôi lại sử dụng tiếng sáo Mèo nghe thảm thiết lắm. Giữa âm nhạc hiện đại, tiếng sáo Mèo như một con "virus", lẩn khuất len lỏi gợi niềm trắc ẩn, bi ai, não nùng và cuối cùng là sự thăng hoa của đời người, đời thơ của Hàn. Hàn chết trong tiếc nuối nhưng thơ Hàn còn lại muôn đời", nhạc sỹ Phạm Duy nói.
Để có Trường ca Hàn Mặc Tử nghe "sởn da gà", chạm đến trái tim của người yêu nhạc khắp Mỹ -Âu, nhạc sỹ Phạm Duy đã dành trọn một năm cho bản nhạc này. Ông nghiên cứu, sưu tầm những tài liệu về đời tư của Hàn Mặc Tử, đọc thuộc lòng hiểu tận chân tơ kẽ tóc ý tứ 90 bài thơ của Hàn trong sự xúc động tột cùng. Từ sự đồng cảm ấy bung ra những cung bậc, giai điệu thương sầu, nhỏ lệ khóc một tài thơ được ví như phận con trai chịu đau đớn làm ngọc đẹp cho đời. Với những bài thơ như Đây thôn Vỹ Dạ, Trăng sao rớt rụng, Đà Lạt trăng mờ càng trở nên nức nở qua tiếng hát của Tuấn Ngọc.
Từ trong niềm yêu tưởng như đắm đuối với Hàn thi sĩ, nhạc sỹ Phạm Duy vẫn rất đời thực. Ông chia sẻ: "Tôi không xưng tụng Thiên chúa giáo mà tôi xưng tụng một thi nhân bệnh phong, giằng xé giữa cơn đau vẫn có đức tin, niềm tin để sống. Tưởng như đâu đấy sự tuyệt vọng của kiếp người mà thơ vẫn như suối nguồn thăng hoa dạt dào cảm xúc- tất cả là đức tin. ở đó, Hàn tin cái gì thì tôi không biết, nhưng tôi tin là ông ấy có đức tin".
Đức tin ấy cũng đã thấm vào Phạm Duy, để từ trong những ngả rẽ của cuộc đời, những khó khăn, nỗi đau ông vẫn tin ngày mai tươi sáng hơn. Niềm tin ấy là một ngày ông được trở về. Trở về nơi mảnh đất ông yêu hơn máu thịt của mình. ở đó là quê hương, là những người ông yêu thương. ông đã di chúc cho các con mình ở Mỹ, khi ông trút hơi thở cuối cùng trên đất Việt, thì các con hãy hỏa thiêu xác mẹ đang nằm bên Mỹ đưa về cạnh bên ông. Đó là người vợ mà ông yêu thương mà không có người phụ nữ nào có thể thay thế. Ông chung tình với vợ đến cuối cuộc đời dù vẫn đa tình nhưng không bao giờ mắc lỗi với bà.
Nguyễn My