Thanh Phương là cái tên được nhắc đến nhiều sau mỗi bài hát của các diva, divo. Tiếng đàn guitar tài ba và biến hóa của anh từng mê hoặc Hà Trần, Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tùng Dương. Đến cả những ca sĩ nổi tiếng của Sài Gòn như Đoan Trang, Hiền Thục, Mỹ Tâm, Thu Minh cũng lặn lội từ phương Nam để ra Bắc nhờ anh đệm đàn. Sự phiêu linh trên những phím đàn guitar của Thanh Phương đã vuốt ve ngọt ngào những giọng ca nồng nàn, say đắm.
Ca sĩ là người ghi bàn
Ca sĩ nổi tiếng hiện nay. Nếu để nhận xét, anh thấy điều gì đặc biệt trong tiếng đàn của mình đã hấp dẫn họ?
(Cười) Cái này phải hỏi họ thì mới biết chính xác được. Nhưng về chủ quan của tôi, có lẽ tôi không thích làm cái gì đã từng diễn ra trước đó. Với mỗi bài hát, tôi luôn cố gắng làm như thế nào để có sự khác biệt. Thứ nhất là để cho mình đỡ nhàm chán. Thứ hai là tôi nghĩ, với từng đó vật liệu âm nhạc thì không việc gì phải rập khuôn. Đó là tư tưởng của tôi và có thể nhiều người thích tư tưởng đó.
Đã có người so sánh nhạc công như những chiếc bình, còn ca sĩ là những bông hoa. Làm một chiếc bình thì lặng lẽ, âm thầm quá? Anh có thấy mình và các đồng nghiệp quá thiệt thòi?
Hiểu một cách đơn giản là như thế. Ca sĩ giống như tiền đạo, là người ghi bàn. Khán giả chỉ nhắc đến người ghi bàn thôi chứ không thể nhắc đến tất cả đội bóng. Đúng là chúng tôi có thiệt thòi vì rất ít khi được nhắc đến. Ngày xưa, người ta chỉ quan tâm bài hát này của ai và do ai hát. Sau này, khi báo chí và truyền hình nhắc đến vai trò của những nhạc công thì lúc đó khán giả mới biết đến chúng tôi nhiều hơn. Họ bắt đầu hiểu, một bài hát được thành công hay không thì phải nhờ bản nhạc phối khí. Lúc đó vai trò của chiếc bình mới được chú ý. Thực tế, không khí của mỗi ca khúc đều được quyết định bởi bản phối. Cùng một bài hát nhưng ở mỗi bản phối lại mang đến một không khí khác nhau.
Thanh Phương phiêu linh bên chiếc đàn guitar
Dẫu vậy, không phải ai cũng hiểu đúng và trân trọng giá trị của các nhạc công. Sự nhầm lẫn ấy có khiến người trong cuộc chạnh lòng?
Điều này không phải do lỗi của ai cả. Xưa nay, ở cả Việt Nam và trên thế giới, đó gần như là sự mặc định rồi. Ca sĩ bao giờ cũng là bề nổi của âm nhạc, của mỗi ca khúc và trên mỗi sân khấu. Còn chúng tôi chỉ là những thứ thuộc về phía sau với vai trò là làm nền, hí họa. Ca sĩ được hưởng lợi nhiều hơn từ âm nhạc, điều đó là tất nhiên. Nếu ai có tính so bì thì sẽ thấy thua thiệt nhưng với tôi, nó quá bình thường. Mình không phải là người ghi bàn thì khó có thể được vinh danh.
Vinh quang của ca sĩ thường được công chúng quan tâm với đủ mặt trái phải. Nó là bề nổi của showbiz. Còn vinh quang trong nghề của những con người thầm lặng như anh thì sao, có khốc liệt không?
Ca sĩ thường được số đông khán giả tung hô hơn. Nhưng vì thế mà họ cũng vướng phải nhiều thị phi. Chúng tôi bình yên hơn họ. Nhưng để mưu sinh được với nghề cũng không hề đơn giản. Ngày mới ra trường, tôi Nam tiến theo tiếng gọi của tình yêu. Lúc đó phải chơi nhạc đủ mọi nơi để lo cho cuộc sống gia đình. 2 năm sau thì quay ra Hà Nội. Có lẽ với nghệ sĩ, điều quan trọng nhất là tìm đúng nơi phù hợp với mình. Nếu thích một chốn này mà phải đến ở một chốn kia thì trong lòng lúc nào cũng canh cánh. Đó là chuyện mưu sinh. Còn với sự nghiệp, chúng tôi cũng có những tự hào của riêng mình.
Những người trong nghề chúng tôi vẫn thường nói với nhau, niềm an ủi là được đóng góp vào sự thành công của ca sĩ. Đồng nghiệp cũng nhìn thấy, thế đã là quý rồi. Còn để chờ đợi sự đánh giá từ khán giả thì vô cùng lắm. Có khi mình làm một bài rất khủng về hòa âm phối khí nhưng khi mang sản phẩm đó đến một địa phương xa xôi, không phù hợp với phông văn hóa của họ thì hiệu ứng có khi sẽ ngược lại. Khán giả có nhiều trình độ khác nhau nên không thể bê nguyên từng cái đến với tất cả mọi sân khấu.
Đứng bên cạnh rất nhiều các cá tính âm nhạc khác nhau, anh làm thế nào để vừa lòng họ vừa giữ được mình?
Dĩ nhiên là tôi chỉ nghĩ đến bài hát thôi, chẳng có lí do gì để nghĩ đến cái khác. Sự phối hợp với nhau hoàn toàn phụ thuộc vào cảm xúc lúc đó. Như bạn nói, chúng tôi là những bình hoa. Vậy nếu cô này là hoa Cúc thì mình phải là cái bình như thế này. Cô kia là hoa hồng thì mình phải là cái bình thế kia. Phản xạ biến hóa ấy không thể một sớm, một chiều mà có ngay được.
Tiếng đàn của anh biến hóa và vuốt ve cùng giọng ca Hà Trần trên sân khấu
Tôi luôn phải dự trù với Thanh Lam
Trong số những người anh từng đệm đàn, giọng ca nào khiến anh ám ảnh nhất?
Ám ảnh nhất là Hà Trần. Hà Trần ít khi làm tôi phê trong những lần tập dượt nhưng cứ bước lên sân khấu là cô ấy lại thăng hoa. Có lẽ sự cộng hưởng của ánh sáng, của âm thanh đã tạo cho cô ấy khả năng biến hóa ngẫu hứng. Người thứ 2 là Thanh Lam, Lam là người giàu nội lực và hay phá phách trong âm nhạc. Nếu người chơi đàn không bản lĩnh thì sẽ dễ vỡ trận. Với Thanh Lam tôi luôn có những ngón đàn dự trù để ghìm cô ấy lại.
Ngoài âm nhạc, có chút cảm xúc nào riêng tư để giúp anh hóa thân cùng với họ?
Hoàn toàn không có. Đơn giản vì chúng tôi là những người bạn lâu năm và may mắn được gặp nhau trong những sự bay bổng của nghệ thuật mà thôi. Với Hà Trần, tôi biết cô ấy từ cái thuở mới lên 5. Nơi chúng ta đang ngồi chính là ngôi nhà đã từng gắn bó với tuổi thơ của Hà.
Ngoài khả năng chơi guitar bậc nhất, anh còn biết đến với vai trò phối khí, sản xuất. Nhiều người cho rằng, nếu không bị vướng bởi người bạn lớn như Quốc Trung, thì công chúng đã biết đến anh nhiều hơn. Sự thực anh có bị ảnh hưởng bởi cái bóng của chồng cũ Thanh Lam?
Điều này tôi ít khi nghĩ đến. Thành công hay không, điều đó đến rất tự nhiên. Và tôi muốn nó phải thế. Nếu không có Quốc Trung biết đâu tôi không thành công.
Anh nhận xét thế nào về ca sĩ trẻ Uyên Linh, người đang được Quốc Trung đầu tư đào tạo hiện nay?
Tôi nghĩ ít nhất là cô ấy có phong cách. Giữa cái thời có quá nhiều thông tin nhiễu động, mô hình giải trí bị thừa thãi, méo mó mà họ vẫn có phong cách riêng và được người ta công nhận thì đó là điều đáng quý. Có bền hay không, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào họ. Nếu tiếp tục giữ được sự đam mê và nghiêm túc với nghề, họ sẽ bền. Còn nếu cứ mải mê theo cái kiểu giải trí để kiếm tiền thì ngược lại.
Ngoài các diva, anh còn nhận được sự tin cậy của các divo. Sắp tới nghe nói anh sẽ đệm đàn cho Bằng Kiều trong lần trở lại thứ hai tại Việt Nam của anh ấy?
Kiều là người bạn lâu năm của tôi. Anh ấy có thể 10 năm rồi mới hát ở Việt Nam. Nhưng khoảng cách về những lần làm việc giữa tôi và Kiều không quá xa như thế. Chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau trong các đêm nhạc của các cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Sự tái ngộ lần này của Bằng Kiều được cho là hơi vội vàng khi dư âm của lần thứ nhất vẫn chưa kịp lắng xuống. Anh có cho rằng Bằng Kiều đang quyết tâm dành thị trường khán giả với các nghệ sĩ trong nước?
Tôi lại không nghĩ có sự vội vàng gì ở đây. Đơn giản vì với khoảng thời gian 10 năm chờ đợi thì một cuộc tái ngộ vẫn chưa thể nói hết được tâm tư của những người trong cuộc.
Anh hiểu tiếng hát của Bằng Kiều chứ?
Thời lập ban nhạc Chìa khóa vàng, Kiều là ca sĩ, còn tôi là nhạc công guitar. Tôi và cậu ấy từng cùng nhau đi diễn ở các quán bar, nhà hàng với nhau. Sự gắn bó ở cái khoảng thời gian ban đầu mới bước chân vào nghề giúp chúng tôi có những kỉ niệm khó quên. Đối với tôi, Kiều là một trong những nam ca sĩ hát hay nhất Việt Nam.
Nhưng khán giả lại cho rằng, 10 năm hoạt động ở nước ngoài, sự sáng tạo trong nghệ thuật của anh ấy dường như đứng tại chỗ?
Khán giả nghĩ thế bởi họ dành cho Kiều quá nhiều sự kỳ vọng. Và vô tình đã áp đặt đối với thần tượng của mình. Tôi nghĩ đó cũng là một cái khó cho Bằng Kiều. Sức ép ấy buộc Kiều phải hát hay hơn ở lần trở lại này. Còn nhà tổ chức thì sẽ cố gắng mang đến những bài hát mới, những ca khúc Kiều chưa từng hát trong liveshow trước. Nhưng sự kì vọng của khán giả là vô cùng. Và chúng tôi cũng không dám nói là có thể đáp ứng được hết. Tôi nghĩ Bằng Kiều còn phải trở lại nhiều lần nữa.
Đào Bích