Phần lớn người Nhật hiện nay bày tỏ ủng hộ việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân đã bị ngừng hoạt động, theo một cuộc thăm dò thực hiện bởi Nikkei -tờ báo kinh doanh hàng đầu của đất nước. Khảo sát thực hiện trong bối cảnh giá điện tăng cao và những cảnh báo về tình trạng thiếu điện ở Tokyo đã được đưa ra gần đây.
Khoảng 53% người tham gia khảo sát của Nikkei cho biết các lò phản ứng hạt nhân nếu có thể đảm bảo an toàn thì nên được khởi động lại, trong khi 38% cho rằng vẫn nên đóng cửa. Con số ủng hộ này tăng từ mức 44% ủng hộ khởi động lại nhà máy trong một cuộc khảo sát tương tự vào hồi tháng 9/2021. Hãng tin Nikkei đã tiến hành các cuộc thăm dò bán định kỳ về vấn đề này trong hơn một thập kỷ.
Việc sản xuất điện hạt nhân ở Nhật Bản đã hoàn toàn bị dừng lại sau khi trận động đất và sóng thần khổng lồ vào ngày 11/3/2011 dẫn đến sự cố tại 3 lò phản ứng nhà máy điện hạt nhân Fukushima thuộc Công ty Điện lực Tokyo Holdings Inc ở tỉnh Fukushima.
Tuy nhiên, căng thẳng quân sự Nga-Ukraine đã đẩy giá năng lượng trên toàn cầu lên cao và một vụ động đất gần đây ở Nhật Bản đã khiến một số nhà máy nhiệt điện và khí đốt phải ngừng hoạt động. Điều này dẫn đến những cảnh báo về việc thiếu hụt nguồn cung cấp điện cho Tokyo.
Ông Nobuo Tanaka, cựu giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho biết qua một cuộc phỏng vấn với hãng Bloomberg TV hôm 28/2: “Hiện tại đang có một luồng gió mạnh thúc đẩy việc phát triển năng lượng hạt nhân”. Ông nhận định nếu Nhật Bản tái khởi động các lò hạt nhân, các công ty điện lực của nước này có thể sẽ bán lại khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) dự phòng cho châu Âu.
Nhật Bản là nhà nhập khẩu LNG lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, đồng thời là nhà nhập khẩu than lớn thứ ba sau Ấn Độ và Trung Quốc. Do đó, sự hồi phục điện nguyên tử của nước này sẽ có tác động lớn tới thị trường khí đốt toàn cầu. Nhiều quốc gia từ Hàn Quốc đến Bỉ cũng đang tiến hành đánh giá vai trò của năng lượng hạt nhân trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Sức ép từ cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến nhiều quốc gia quan tâm khiến phát triển năng lượng hạt nhân hơn.
Là quốc gia nghèo tài nguyên, năng lượng hạt nhân sẽ là một giải pháp đáng tin cậy giúp Nhật Bản giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng cũng như hạn chế được tác động từ những cú sốc ở bên ngoài. Căng thẳng quân sự gần đây giữa Nga và Ukraine đã cho thấy những rủi ro đối với sự phụ thuộc vào nhập khẩu LNG của Nhật Bản.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Nhật Bản chuyển một phần LNG nhập khẩu sang châu Âu do quan ngại về khả năng Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu khi xung đột leo thang.
Cho đến nay mới chỉ có 10 lò phản ứng hạt nhân Nhật Bản được khởi động lại theo quy tắc an toàn hậu thảm họa Fukushima. Tuy nhiên, để thực hiện hóa các mục tiêu năng lượng của nước này vào năm 2030 thì cần gần như tất cả 33 lò phản ứng phải hoạt động trở lại.
Một nhóm các chính trị gia từ cả đảng cầm quyền và phe đối lập đang kêu gọi thúc đẩy hoạt động trở lại của các nhà mày hạt nhân diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, việc tái khởi động phải đối mặt với nhiều trở ngại, theo đó cần nhận được sự chấp thuận của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý quốc gia.
Phạm Hà Thanh (theo Bloomberg, Japan Times)