Người nhiễm HIV sống được bao lâu?
HIV là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, tấn công hệ miễn dịch và hiện chưa có cách chữa khỏi. Nếu không được điều trị, virus HIV sẽ phá hủy hoàn toàn hệ miễn dịch. Nhiễm HIV mà không được điều trị sẽ chuyển sang giai đoạn cuối, có thể trở thành AIDS.
Những người bị nhiễm HIV cần phải dùng thuốc cả đời để ngăn ngừa nó chuyển thành AIDS.
Cách đây chục năm, những người có HIV dương tính có tuổi thọ ngắn hơn so với những năm gần đây vì thuốc và hệ miễn dịch suy yếu khiến người bệnh rất dễ bị nhiễm trùng dẫn tới tử vong.
Chia sẻ trên báo Dân trí, TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào năm 1990, là một phụ nữ và hiện tại vẫn sống hoàn toàn khỏe mạnh.
Người phụ nữ này bị lây bệnh từ chồng sắp cưới khi 30 tuổi và đến nay, ở tuổi 58 bà vẫn khỏe mạnh và duy trì thuốc điều trị đều đặn.
TS. Cảnh cho hay, người nhiễm HIV là một bệnh mãn tính và phải điều trị thuốc suốt đời nhưng có thể sống thọ tới 50 năm nên nhiễm HIV không phải là dấu chấm hết.
Điều trị HIV như thế nào?
Tổ chức Y tế thế giới cho biết, hiện nay, thế giới vẫn chưa tìm ra thuốc chữa khỏi HIV/AIDS nên điều trị bằng thuốc kháng HIV (thuốc ARV) được coi là điều trị đặc hiệu. Điều trị bằng ARV làm ức chế sự nhân lên của virus nên duy trì được lượng virus thấp nhất trong máu và duy trì được tình trạng bình thường của hệ miễn dịch. Khi hệ miễn dịch chưa bị suy giảm, người nhiễm không có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc chỉ mắc ở mức độ nhẹ.
Đối với trường hợp hệ miễn dịch của người nhiễm HIV đã bị suy giảm, ARV giúp kiềm chế sự nhân lên của HIV, hệ miễn dịch được phục hồi trở lại, đồng thời làm giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người nhiễm HIV. Từ đó, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài như mọi người.
Trong mọi trường hợp, ngay sau khi được chẩn đoán nhiễm HIV, người bệnh cần được tiếp cận với thuốc ARV.
Điều trị ARV là điều trị ngoại trú và điều trị suốt đời, người bệnh phải tuân thủ điều trị tuyệt đối để đảm bảo hiệu quả và tránh tình trạng kháng thuốc.
Hiện việc điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV được tiến hành miễn phí. Người nhiễm HIV sẽ đến lấy thuốc định kỳ tại các trung tâm y tế quận, huyện.
Từ ngày 1/1/2019, việc thanh toán sẽ thông qua bảo hiểm y tế nên việc có thẻ bảo hiểm y tế là điều cần chú ý đặc biệt đối với người nhiễm HIV.
Trên báo Tri thức trực tuyến, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết thêm, trước đây, HIV được gọi là “căn bệnh thế kỷ”, nếu nhiễm HIV thì coi như “mang án tử” nhưng với việc điều trị ARV, HIV không còn là “án tử mà hoàn toàn có thể có cuộc sống như bình thường.
Trường hợp người bị nhiễm HIV được xác định sớm và đi điều trị ngay, điều trị đúng phác đồ bằng thuốc ARV, sau 3 tháng tuân thủ điều trị, nồng độ virus HIV trong máu sẽ giảm mạnh, người nhiễm sẽ khỏe mạnh trở lại gần như bình thường, khả năng lây nhiễm HIV cho người khác rất thấp.
Sau khi điều trị bằng thuốc ARV từ 6 tháng đến 1 năm, HIV sẽ bị ức chế và nồng độ HIV trong máu sẽ giảm và đến lúc bệnh nhân làm xét nghiệm đo tải lượng HIV không còn phát hiện. Vì vậy, người bệnh cần phải tuân thủ uống thuốc đúng liều, đúng giờ, đúng cách theo chỉ định của bác sĩ.
Mộc Trà (tổng hợp)