Câu chuyện về quá trình “nhốt” nhựa vào bê tông
Có thâm niên làm trong ngành điện 33 năm, khi về hưu, ông Nguyễn Văn Xuân (SN 1960), hiện là Giám đốc Công ty Cổ phần năng lượng Resa, ngoài thực hiện, nghiên cứu các giải pháp cho ngành điện còn tìm cách tái chế rác thải nhựa thân thiện với môi trường.
Ông Xuân cho biết, vấn đề rác thải nhựa đang gây ô nhiễm môi trường khiến ông luôn trăn trở nhưng khi còn trẻ mãi lo cuộc sống, chưa có thời gian để nghiên cứu. Đến khi về hưu, có thời gian rảnh rỗi, tiền bạc ông bắt đầu tìm hiểu và thử nghiệm. Chính thời gian nghỉ ở nhà khi dịch Covid-19 bùng phát, đã cho ông Xuân thêm cơ hội tìm hiểu thông tin về các phương pháp xử lý rác thải nhựa.
Sau đó, ông bắt đầu với phương pháp nhiệt phân nhựa. Từ thành công của việc nhiệt phân củi trước đó, ông bắt tay vào thực hiện nhiệt phân nhựa để tạo thành dầu. Dầu nhiệt phân do ông thực hiện thành công, có đầu ra ngoài thị trường. Loại dầu này dùng làm chất đốt, trong các động cơ tốc độ thấp, động cơ diesel… Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu rác nhựa đầu vào để thực hiện có giá cao, không cạnh tranh nổi với các vựa phế liệu. Vì vậy, về hiệu quả kinh tế không đạt yêu cầu nên ông lại tiếp tục suy nghĩ cách khác.
Không nản lòng, ông tiếp tục thử nghiệm làm gạch từ nhựa dẻo bằng phương pháp gia nhiệt. Một lần nữa thành công nhưng tiếp tục vấp phải bài toán về hiệu quả kinh tế. Sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh nổi với gạch lát đường bình thường vì chi phí đầu vào cao. Bên cạnh đó, khó kiểm soát được lượng khí thải ra trong quá trình thực hiện nên ông loại bỏ phương pháp này.
Sau gần 1 năm tìm cách tái chế rác thải nhựa, đầu năm 2023, ông bắt đầu đặt ra mục tiêu cho công việc của mình để có hướng đi đúng. “Tôi xác định tái chế rác thải nhựa phải thân thiện với môi trường, con người; phải có lãi và phải tái chế được hầu hết tất cả các loại nhựa sử dụng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, công nghệ phải đơn giản để có thể nhân rộng và chia sẻ cho nhiều người cùng làm… Chính vì thế, tôi quyết tìm ra cách để thực hiện”, ông Xuân chia sẻ.
Khi làm gạch từ rác thải nhựa, ông đã hóa dẻo nhựa với mục tiêu thay thế chất kết nối là xi măng. Tuy nhiên, khi thấy giá thành xi măng rẻ, mang lại hiệu quả kinh tế, ông lại suy nghĩ: “Tại sao mình phải thay thế xi măng mà không tìm cách kết hợp với nó để tạo ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh?”. Từ câu hỏi đó, ông tiếp tục lên mạng tìm hiểu thông tin.
Tìm hiểu ông mới thấy, nhu cầu sử dụng bê tông trên thế giới đứng thứ hai chỉ sau nước. “Hàng năm, lượng bê tông được sản xuất ra trên thế giới là khoảng 35 tỷ tấn/năm, trong khi đó rác nhựa thải ra khoảng 300 triệu tấn/năm. Vì vậy, tôi nghĩ rằng cần “nhốt” nhựa vào bê tông để cơ bản giải quyết vấn đề rác thải nhựa”, ông Xuân nói.
Nghĩ là làm, ông quyết tâm thử nghiệm lần nữa. Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng ông đã tìm ra công thức cho việc tái chế rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng. Ông Xuân chia sẻ: “Công thức thực hiện rất đơn giản, chỉ cần kết hợp xi măng, vụn nhựa, cốt sợi (sợi thủy tinh, sợi thực vật), chất phụ gia và nước”.
Theo ông, nhựa với thuộc tính trơn, rất khó kết dính bền với xi măng nên bê tông với nhựa không đạt được cường độ chịu nén cần thiết. Do đó, ông đã tìm ra giải pháp thêm chất phụ gia phù hợp để kết nối các vật liệu với nhau. Chính chất phụ gia này tạo nên sự kết dính giữa bê tông và nhựa.
Chi phí rẻ lại thân thiện với môi trường
Ông Xuân cho biết: “Ưu điểm lớn nhất của phương pháp này là rác thải nhựa gia công nguội, đỡ tốn kém và chi phí mà không sinh khí thải độc hại cho môi trường như các phương pháp khác. Vì vậy, nó giải quyết được những hạn chế của các phương pháp tôi sử dụng trước đây. Bên cạnh đó, còn tái chế được những loại rác nhựa “chết” mà vựa phế liệu không thu mua nên đầu vào dồi dào, không phải cạnh tranh như trước. Nếu tôi không sử dụng thì lượng rác thải này chỉ có thể đem ra bãi rác chôn lấp”.
Ngoài ra, máy nghiền rác nhựa không kén rác, có thể xử lý với mọi loại rác, không yêu cầu phải phân loại rác nhựa như những phương pháp tái chế nóng khác. Chi phí đầu tư thấp nên sản phẩm làm ra hoàn toàn có thể cạnh tranh với dòng sản phẩm truyền thống cùng loại.
Hiện nay, bê tông rác nhựa không chỉ làm ra các hàng nội, ngoại thất (bàn, ghế, kệ, tủ, lavabo...) mà còn làm vật liệu xây dựng, đường giao thông tải trọng thấp, dải phân cách đường, kênh mương nội đồng…
Ông Xuân cho biết, bê tông từ rác thải nhựa có các đặc tính nổi bật như chịu nhiệt, cách âm, chống cháy, chống thấm. Đặc biệt, độ đàn hồi của loại bê tông này rất tốt vì có chứa nhựa bên trong. Về vấn đề an toàn của bê tông từ rác thải nhựa, ông nói rằng, dù nhìn thấy hạt nhựa nhưng người dùng không tiếp xúc trực tiếp với nhựa vì đã có lớp chống thấm và lớp tạo bề mặt bên ngoài. Ngoài ra, người sản xuất cũng có thể “nhốt” nhựa vào hẳn bên trong và đổ thêm một lớp bê tông ra bên ngoài để che lấp hoàn toàn những hạt nhựa.
Theo ông Xuân, tùy theo sản phẩm thì tỉ lệ nhựa sẽ chiếm từ 30-40% trong tổng trọng lượng, còn lại là xi măng. Nếu so sánh với sản phẩm cùng loại truyền thống, các sản phẩm từ bê tông rác thải nhựa có giá thấp hơn từ 20-30% nên hoàn toàn có thể cạnh tranh với thị trường.
Mong muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường
Ông Xuân cho rằng, mặc dù sản phẩm làm ra cực kỳ phong phú nhưng hiện nay đầu ra vẫn đang gặp khó khăn, do người tiêu dùng hiện chưa quen với việc sử dụng tác phẩm tái chế, mang tâm lý e ngại về độ an toàn. Bên cạnh đó, hiện nước ta chưa có tiêu chuẩn cho sản phẩm tái chế nên không thể tham gia vào các công trình công cộng hay dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Nhà nước cũng chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể về sản phẩm tái chế.
Từ một người có chuyên môn về ngành điện đến việc thực hiện những phương pháp liên quan đến khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực môi trường là cả một sự nỗ lực lớn của bản thân ông Xuân.
“Tôi đã ở cái tuổi không còn quan tâm đến khởi nghiệp nữa mà điều tôi mong muốn nhất là tìm ra giải pháp tái chế rác thải nhựa an toàn, góp phần bảo vệ môi trường. Vì vậy, tôi mong có thêm nhiều đơn vị, cá nhân đồng hành với tôi trên hành trình này”, ông Xuân nói.
Ông Xuân sẵn sàng chia sẻ miễn phí công nghệ cho các cá nhân, đơn vị quan tâm với mục đích góp phần bảo vệ môi trường. Cùng với đó, rất cần sự chung tay của mọi người, nâng cao nhận thức trong việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm tái chế. Từ đó, góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Thời gian gần đây, ông Xuân và những cộng sự của mình đã đưa ra các sản phẩm mẫu và ứng dụng vào thực tiễn. Tỉnh đoàn Khánh Hòa đã phối hợp với ông Xuân trưng bày 30 ghế đá làm từ rác thải nhựa tại công viên dọc đường Trần Phú (Tp.Nha Trang) và thực hiện công trình thanh niên “Đoạn đường bê tông từ rác thải nhựa” để phục vụ người dân và du khách.
Anh Trần Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh Đoàn Khánh Hòa cho biết, sản phẩm ghế đá từ rác thải nhựa được ông Xuân nghiên cứu và chế tạo có thể chịu sức nặng khoảng 300kg và hoàn toàn thân thiện với môi trường, ước tính tồn tại trên 50 năm.
Còn công trình thanh niên “Đoạn đường bê tông từ rác thải nhựa” dài hơn 10,9 m, rộng 1,8m. Công trình sử dụng xi măng, rác nhựa, cát biển, nước biển và các chất phụ gia để thực hiện, góp phần phục vụ người dân và du khách đi bộ, tạo cảnh quan đô thị và tuyên truyền nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường.
Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn Khánh Hòa sẽ tiếp tục phối hợp với ông Xuân thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa để bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa. Trong đó, tiếp tục xây dựng các đoạn đường bê tông rác thải nhựa; thực hiện các mô hình, vật dụng lưu niệm bê tông từ rác thải nhựa…. Đặc biệt, Tỉnh đoàn Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh việc triển khai phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường trong đoàn viên, thanh thiếu nhi toàn tỉnh.
Clip: "Nhốt" rác thải nhựa vào bê tông tạo ra các sản phẩm có giá trị
Châu Tường