Người nổi tiếng làm từ thiện và những hệ lụy

Lê Tuấn

Lê Tuấn

Chủ nhật, 29/08/2021 09:41

Không có báo cáo cụ thể hoặc chỉ mang tính chất chung chung, đó là thực trạng kêu gọi ủng hộ từ thiện hiện nay của một số nghệ sĩ.

Dư luận đang rất quan tâm đến vụ việc một doanh nhân tố ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng về khoản tiền ủng hộ lên đến 96 tỷ đồng do công chúng đóng góp. Đây không phải sự việc hy hữu khi mà thời gian gần đây, liên tục nhiều nghệ sĩ dính lùm xùm liên quan đến vấn đề từ thiện. Hàng loạt những tên tuổi như danh hài Hoài Linh, ca sĩ Thủy Tiên, Trang Trần, Vy Oanh…cũng vướng những ồn ào. 

Truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách là bản chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam tự ngàn xưa. Đứng trước những khó khăn hoạn nạn, người ta càng hiển lộ ra cái nghĩa, cái tình sâu đậm mang hai tiếng: đồng bào.

Rất nhiều hội nhóm được lập ra nhằm san sẻ bớt những khó khăn cho đồng bào kém may mắn, xen kẽ vào đó là nhiều cá nhân, người nổi tiếng cũng sử dụng ảnh hưởng để kêu gọi ủng hộ cho hoạt động từ thiện cộng đồng.

Tuy nhiên, do không được tổ chức bài bản, thiếu tính định hướng và kế hoạch hoạt động cụ thể đã gây nên những ồn ào không đáng có. Điển hình là liên tiếp những vụ việc xung quanh việc công khai hoạt động từ thiện trong thời gian gần đây đã phần nào ảnh hưởng đến tinh thần của những người làm từ thiện chân chính.

Góc nhìn luật gia - Người nổi tiếng làm từ thiện và những hệ lụy

Đàm Vĩnh Hưng tuyên bố đưa vụ bị tố ăn chặn 96 tỷ đồng từ thiện 'ra ánh sáng' sau khi bị tố. 

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, nguyên phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa TP.HCM nêu quan điểm, một số nghệ sĩ hiện hoạt động từ thiện theo hướng tự phát, mang tính cá nhân, nguồn tiền chủ yếu từ việc kêu gọi ủng hộ, không hề có kế hoạch hay mục tiêu cụ thể. Thậm chí, có dư luận còn hoài nghi về động cơ của họ nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi.

Bên cạnh những người âm thầm làm bằng cái tâm của mình, không ít trường hợp dùng ảnh hưởng cá nhân đứng ra kêu gọi được một số tiền lớn từ sự ủng hộ từ cộng đồng, nhưng sau đó không thông báo lại kết quả của chương trình cho công chúng được biết. "Đây là một thái độ coi thường dư luận bởi họ chỉ là đại diện trung chuyển tấm lòng của người hảo tâm đến với những nơi cần giúp đỡ. Chính vì vậy, việc công khai, minh bạch hóa các khoản thu chi từ thiện của các nghệ sĩ là một loại trách nhiệm của người đã nhận ủy thác lòng tin, công chúng có quyền được biết những đồng tiền ủng hộ của mình đã được sử dụng ra sao, sử dụng như thế nào? Qua đó lấy lại niềm tin vào đạo đức xã hội, lan tỏa hơn nữa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam", TS Vũ Thế Dũng nêu quan điểm.

Góc nhìn luật gia - Người nổi tiếng làm từ thiện và những hệ lụy (Hình 2).

Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, nguyên phó Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa TP.HCM

Dưới góc độ pháp lý, Người Đưa tin đã có trao đổi với luật sư Tạ Gia Lương, đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ.

PV: Thời gian qua, có rất nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến hoạt động từ thiện của một số cá nhân và người nổi tiếng. Có ý kiến cho rằng, nếu chứng minh được họ chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ số tiền đó thì có thể xử lý hình sự. Dưới góc độ pháp lý, xin cho biết quan điểm của Luật sư về vấn đề trên?

Luật sư Tạ Gia Lương: Người nổi tiếng hay người có ảnh hưởng xã hội tham gia các hoạt động từ thiện là hành động đẹp, ý nghĩa, thể hiện sự sẻ chia và trách nhiệm với cộng đồng, rất đáng được trân trọng. Tuy nhiên, có nhiều bất cập trong hoạt động từ thiện tự phát của một số nghệ sĩ suốt thời gian qua.

Việc huy động nguồn lực đóng góp từ xã hội là điểm sáng khi có những cá nhân nghệ sĩ quyên góp được cả chục, cả trăm tỉ đồng nhưng việc tổ chức và điều phối các nguồn lực cứu trợ lại thiếu hẳn độ sâu, độ bền... Thậm chí, có những cá nhân đã làm xói mòn lòng tin của công chúng và tạo ra những rối loạn không đáng có.

Điều 2 Nghị định 64/2008/NĐ-CP đã quy định về nguyên tắc tổ chức vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện: ... Chỉ thực hiện khi thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng xảy ra làm thiệt hại lớn về người, tài sản của nhân dân. Phải được thực hiện tập trung, kịp thời, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai và chỉ đạo thống nhất, bảo đảm tất cả nguồn tiền, hàng đều được chuyển đến cho các cá nhân, hộ gia đình và các địa phương bị thiệt hại và các quốc gia khác bị thiên tai. Nghiêm cấm sử dụng sai mục đích dưới bất kỳ hình thức nào.

Điều 3 Nghị định 64/2008/NĐ-CP nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm: Báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp; lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi.

Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định về các tổ chức, đơn vị được vận động, tiếp nhận: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương. Các quỹ xã hội, quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 148/2007/NĐ-CP. Các tổ chức, đơn vị ở trung ương và địa phương được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho phép.

Ngoài các tổ chức, đơn vị nêu trên, không một tổ chức, đơn vị, cá nhân nào được quyền tổ chức tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ.

Các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn cần phối hợp với chính quyền địa phương hoặc thông báo cho chính quyền địa phương biết các khoản đã hỗ trợ cho từng hộ gia đình, cá nhân để địa phương có chính sách, phương án cân đối mức hỗ trợ hợp lý cho các hộ gia đình, cá nhân bị nạn trên địa bàn từ nguồn tiền, hàng cứu trợ của địa phương cho phù hợp.

Điều 21 Nghị định 64/2008/NĐ-CP cũng quy định: Tổ chức, cá nhân huy động, quản lý và phân phối sử dụng tiền, hàng cứu trợ trái với quy định tại nghị định này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật...

PV: Đã xuất hiện tình trạng lừa đảo, núp bóng từ thiện để trục lợi. Sau khi kêu gọi được một số tiền lớn, những cá nhân này không thực hiện hoặc chỉ thực hiện một phần nhỏ hành động từ thiện đã hứa trước đó. Những hành vi này có phải là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản?

Luật sư Tạ Gia Lương: Theo quy định pháp luật, dùng thủ đoạn gian dối: Giả danh cơ quan tổ chức, nạn nhân, đưa ra các thông tin gian dối để có được tài sản của các nhà hảo tâm; sau đó chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, nếu người nào đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện, họ đưa ra những thông tin gian dối là đã trao, tặng. Song thực tế, họ không thực hiện hoặc lợi dụng uy tín để nhận tiền của người khác, sau đó gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt một phần tiền; hoặc toàn bộ số tiền đó là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 175 Bộ Luật hình sự năm 2015, với số tiền từ 4 triệu đồng trở lên.

PV: Cần phải làm gì để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, thưa Luật sư?

Luật sư Tạ Gia Lương: Người dân Việt Nam luôn có tấm lòng bao dung, sẵn sàng sẻ chia cho người khó khăn. Đây là một việc làm rất nhân văn, đáng hoan nghênh nhưng cũng vô tình trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho các đối tượng xấu trục lợi, nếu người phát tâm không tỉnh táo.

Có nhiều đối tượng sống bằng "nghề lừa đảo". Chính vì lẽ đó mà nhiều người mất niềm tin, có tâm lý ngại ngùng và không dám làm từ thiện. Để tránh bị lừa đảo, nhiều tổ chức và cá nhân đã tự bỏ thời gian đi xác minh tìm hiểu, trực tiếp đến gặp "người thật việc thật" để tìm hiểu, giúp đỡ. Đây đang là một khuynh hướng mới trong cộng đồng và có ý nghĩa khá tích cực.

Để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.

PV: Xin cảm ơn Luật sư!

Cần phải lên án các thông tin tố cáo nếu sai sự thật

Chuyên gia tư vấn pháp lý Hoàng Ngọc Cư (Quảng Trị):

Thực tiễn trong công tác giải quyết tố cáo cho thấy, vẫn còn sự việc tố cáo khi chưa rõ hành vi vi phạm, chỉ nghe thông tin rồi phát sinh tố cáo; tố cáo khi không rõ quy định của pháp luật hoặc tố cáo khi không đạt mục đích từ việc giải quyết khiếu nại; tố cáo các nội dung không đúng sự thật, bịa đặt nội dung tố cáo vì động cơ cá nhân.

Về chế tài áp dụng đối với người có hành vi cố tình tố cáo sai sự thật, vị Chuyên gia này cho biết thêm. Khoản 3, Điều 30, Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.”.

Khoản 1, điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) cũng quy định cụ thể, chi tiết tội vu khống:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền...”. Luật Tố cáo năm 2018 quy định: “Người tố cáo...vi quy định tại Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.