Vụ việc nghệ sĩ Hoài Linh chưa sử dụng hết số tiền hơn 14 tỷ đồng ủng hộ đồng bào vùng lũ đã dấy lên những tranh cãi về việc người nổi tiếng huy động tiền quyên góp cho mục đích thiện nguyện cần phải có sự minh bạch. Không chỉ ở Việt Nam, cách quản lý nguồn tiền ủng hộ từ công chúng của các ngôi sao thế giới cũng từng gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Lý Liên Kiệt bị tố biển thủ tiền từ thiện
One Foundation là quỹ từ thiện do Lý Liên Kiệt thành lập vào tháng 4/2007. Năm 2014, nam diễn viên bị cáo buộc biển thủ tiền từ thiện dành cho các nạn nhân động đất, theo Beijing Times.
Cộng đồng mạng Trung Quốc hoài nghi diễn viên 58 tuổi đã dùng làm của riêng số tiền hơn 300 triệu nhân dân tệ quyên góp dành cho các nạn nhân của trận động đất Tứ Xuyên năm 2013.
Thời điểm ẩy, các quỹ khác đều đã giải ngân gần hết số tiền từ các nhà hảo tâm, trong khi One Foundation mới chỉ chi ra 40 triệu nhân dân tệ, tương đương 9%, trong số tiền 400 triệu nhân dân tệ nhận được.
"Các khoản đóng góp của chúng tôi giờ ở đâu?", một người dùng Weibo bức xúc.
Lý do khiến cộng đồng mạng Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ là vì Lý Liên Kiệt trong thời gian đó ít tham gia các hoạt động phim ảnh, tuy nhiên nam diễn viên vẫn có cuộc sống dư dả.
Trước những cáo buộc trên, Lý Liên Kiệt đã đáp trả một cách bình thản, thậm chí giễu nhại lại những lời công kích, khi nói rằng mình "rất muốn lấy số tiền quyên góp", nhưng không có con dấu hay chữ ký xác thực để nhận tiền. "Ai có thể chỉ tôi cách lấy tiền vào tài khoản ngân hàng mà không ai biết với”, ngôi sao này nói.
Lý Liên Kiệt còn đùa rằng: "300 triệu nhân dân tệ không đủ để chia cho các quản trị viên khác của One Foundation", đồng thời xin một số lời khuyên về cách phân chia số tiền.
Yang Peng, tổng thư ký của One Foundation, giải thích lý do chậm trễ là bởi một số dự án tái thiết chưa hoàn thành quá trình đấu thầu nên nguồn tiền chưa được giải ngân xong.
Dùng uy tín để lừa đảo
Ngoài vụ lùm xùm của ngôi sao điện ảnh Trung Quốc, thế giới từng chứng kiến những bê bối dùng uy tín để lừa đảo từ thiện trên thế giới.
Năm 2018, tay trống chuyên nghiệp Robin DiMaggio, người từng là giám đốc âm nhạc cho các chương trình của Liên Hợp Quốc, cũng như cộng tác với một số ngôi sao lớn của làng nhạc, đã nhận tội biển thủ 750.000 USD từ một quỹ từ thiện dành cho trẻ em vô gia cư.
Theo đơn tố cáo hình sự, DiMaggio, 51 tuổi, đã nói dối một tổ chức phi lợi nhuận về việc giúp tổ chức buổi hòa nhạc từ thiện ở thủ đô Sofia của Bulgaria, gây quỹ cho trẻ em vô gia cư phải di tản khỏi vùng chiến tranh.
Nhà tài trợ tài chính của quỹ đã chuyển 750.000 USD vào tài khoản của DiMaggio, nhưng thay vì sử dụng tiền để mời những người nổi tiếng đến biểu diễn, DiMaggio đã chuyển tiền vào tài khoản cá nhân.
Tay trống sau đó sử dụng số tiền để mua cho vợ cũ một ngôi nhà ở California, trả tiền mua xe hơi cho mẹ và con trai, thanh toán khoản nợ thẻ tín dụng và chi phí sinh hoạt.
Một trường hợp biển thủ tiền quyên góp khác lại đến từ chính người đứng đầu của tổ chức từ thiện.
William Aramony từng là chủ tịch và giám đốc điều hành của United Way of America (UWA) – tổ chức phi lợi nhuận vì cộng đồng nổi tiếng nước Mỹ - trong suốt 22 năm. Năm 1992, Aramony từ chức sau cáo buộc bòn rút tiền từ UWA thông qua các công ty con.
Trước khi vụ bê bối nổ ra, Aramony là nhân vật được nhiều người kính trọng và là một trong những nhà lãnh đạo phi lợi nhuận có ảnh hưởng nhất thời đại. Aramony còn là người đóng góp trong việc gây dựng nhiều quy tắc mà các tổ chức từ thiện ngày nay vẫn áp dụng.
Năm 1995, Aramony bị kết án 7 năm tù vì trục lợi 1,2 triệu USD tiền của tổ chức từ thiện cho bản thân và bạn bè.
Vụ bê bối sau đó đã ảnh hưởng đến nhận thức của công chúng về các tổ chức từ thiện. Nhiều người bắt đầu yêu cầu sự minh bạch hơn trong cách tổ chức quản lý của các quỹ tài trợ, cũng như đạo đức của các nhà lãnh đạo.
Từ thiện cần chuyên nghiệp và minh bạch
Lừa đảo thông qua hình thức thiện nguyện không còn là chuyện hiếm trên thế giới.
Sau sự tàn phá của cơn bão Katrina năm 2005, FBI ước tính có khoảng 4.000 trang web lừa đảo mọc lên để kêu gọi quyên góp tiền từ thiện. Ít nhất 60% trong số này được lưu trữ trên các máy chủ nước ngoài. Các trang web thường giả danh các tổ chức uy tín như Hội Chữ thập đỏ để tạo niềm tin.
Để ngăn chặn nguy cơ trên, cũng như tạo ra sự minh bạch, các nước phương Tây như Australia, Mỹ hay Canada, ngày càng quy định chặt chẽ hơn về hoạt động từ thiện, với những khuôn khổ pháp lý rõ ràng.
Theo đó, các tổ chức từ thiện hay cá nhân khi kêu gọi sự ủng hộ trong cộng đồng đều phải thông qua các công ty gây quỹ chuyên nghiệp được cấp giấy phép của chính quyền.
Các công ty gây quỹ sẽ có trách nhiệm thay mặt quỹ từ thiện, kiểm soát các khoản đóng góp và đảm bảo công khai số tiền mà họ thu về, cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Từng khoản tiền sẽ được đăng tải một cách rõ ràng thông qua các tài liệu, thông cáo báo chí một cách bắt buộc, để cho công chúng biết rằng, ai là người đóng góp, số tiền đó được giao cho ai, với mục đích gì.
Ngược lại, mọi hành động kêu gọi gây quỹ cộng đồng gửi vào tài khoản cá nhân hay không công khai số tiền thu được đều được coi là bất hợp pháp.