Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định, Bộ luật Hình sự áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó. Trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Như vậy, trong trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam và không thuộc trường hợp miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định nêu trên, thì phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật giống như công dân Việt Nam phạm tội.
Khi quyết định hình phạt đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, ngoài những quy định chung, người nước ngoài phạm tội có thể bị áp dụng hình phạt trục xuất.
Đối với hình phạt trục xuất, Nghị định 54/2001/NĐ-CP là văn bản được áp dụng chủ yếu hiện nay trong việc hướng dẫn thi hành hình phạt trục xuất.
Khoản 1 Điều 1 nghị định này quy định trục xuất là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội (người không có quốc tịch Việt Nam), buộc người đó trong thời hạn nhất định phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Ngoài ra, nghị định cũng có quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị trục xuất, trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thi hành hình phạt trục xuất, trình tự và thủ tục thi hành hình phạt trục xuất.
Trong trường hợp nước có công dân phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam có văn bản yêu cầu dẫn độ thì tùy trường hợp mà cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam đưa ra quyết định đồng ý hoặc không đồng ý.
Theo đó, Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 35 Luật Tương trợ tư pháp.
Thứ nhất, người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam.
Thứ hai, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác.
Thứ ba, người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.
Thứ tư, người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị.
Thứ năm, trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này.
Ngoài những trường hợp từ chối dẫn độ theo quy định trên, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu yêu cầu dẫn độ thuộc trường hợp hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hoặc người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.
Nếu từ chối dẫn độ, Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước yêu cầu dẫn độ.
An Bình