Đi và trở lại
Bà Phạm Thị Đượm (TP Cao Bằng) vẫn còn nhớ cảnh ôm ba đứa con sấp ngửa lên đường sơ tán những ngày tháng Hai năm 1979. Lúc đó bà mới sinh con được hai tháng, con khát sữa kêu ngằn ngặt, luồn rừng chỉ sợ bị địch phát hiện. 10 ngày trong rừng, bàn chân bà sưng to, tê dại, có lúc tưởng thôi như nằm lại giữa rừng, giữa cái ám ảnh của tiếng pháo từ vài cây số vẫn tưởng như đang xẹt ngang đầu. Chồng bà, ông Đào Nguyên An, nguyên giám đốc Nông trường chăn nuôi lợn Cao Bằng khi đó còn đang nhận nhiệm vụ gom người sơ tán nơi khác. “Lúc đó tôi tưởng mất bà ấy, phải cả tháng sau mới có tin tức mấy mẹ con”, ông An nhớ lại.
Tháng 3-1979, sau sự kiện đại tang 43 người ở trại lợn Đức Chính – một phân trại của nông trường, cả nông trường ông An chấn động. Giặc vùi xác người ở thôn Tổng Chúp. Sau ngày cùng bà con đi gom xác đồng nghiệp từ dưới giếng lên, ông An nằm liệt ba tháng trời. Hoảng sợ, bà Đượm mang con về quê Hải Dương, đã nghĩ không bao giờ quay lại nơi ấy. Một năm bà vắng mặt, chồng bà khi đó là Bí thư chi bộ nông trường đã cương quyết ra quyết định kỷ luật cảnh cáo vợ vì đã bỏ công tác. Cả gia đình phản đối. Khi ông về đón bà lên lại Cao Bằng, tất cả họ mạc kéo nhau ra chặn xe, khóc lóc. Nhưng ông quyết trở lại Cao Bằng, vì còn phải gây dựng lại trại lợn. Bà lo ông không ai chăm, vậy là cũng theo chồng ngược biên giới.
Bà Đào Thị Bích Hà cũng bị bắt trong số những công nhân trại lợn Đức Chính khi đó. Bà bị trúng lựu đạn, bị thương đến mê sảng, nhưng lại thành may mắn vì thoát chết. Mấy tháng từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, sau những cuộc phẫu thuật chết đi sống lại, mảnh đạn găm tứ tung trong người, méo miệng, chân tập tễnh, bà trở lại vị trí của mình khi xưa.
Ông Nông Văn Ất, người đội trưởng đau đớn nhất, khi người vợ đang mang thai và 3 đứa con đều nằm trong số 43 người dưới giếng Tổng Chúp, vật vã giữa những cơn say vì day dứt, rồi một tháng sau trở lại trại.
Ông Vũ Quốc Khánh (Đà Quận, Hưng Đạo), khi đó mới 20 tuổi, trở lại Cao Bằng chỉ hai tuần sau khi sơ tán, cùng thanh niên trai tráng cầm súng tham gia dân quân. Chiến sự tan, chỉ tháng 5 năm đó, trường học đã mở lại, ông cùng bạn bè tiếp tục việc sách bút đang dang dở.
Theo cách này hay cách khác, đớn đau hoặc xót xa, người ta vẫn dần trở lại nơi cũ, tiếp tục cuộc sống. Không ai trong số đó, ngày ấy nói sẽ rời biên giới.
Gom từ những chú lợn
Cả nông trường chăn nuôi Cao Bằng năm 1979 đang ở thời kỳ đỉnh cao. “Chúng tôi có 12.000 con lợn, 400 con ngỗng béo. Công nhân nông trường khi đó tầm 500 người”, ông Đào Nguyên An, khi đó làm Giám đốc nông trường nhớ lại. Chiến tranh biên giới nổ ra, số gia súc gia cầm mất gần hết, ngay cả nhà xưởng cũng bị đốt cháy tan hoang. Nặng nhất là trại lợn Đức Chính, hầu như cơ sở hạ tầng bị phá sập hoàn toàn. Nhiều năm sau, công nhân vẫn phải dùng các lán trại tạm bợ. Bà Đào Thị Bích Hà nhẩm tính trước khi bị tấn công, riêng trại Đức Chính có gần 4000 con lợn nái, lợn thịt chưa tính. Sau khi địch rút đi, anh em công nhân đi gom chỉ được vài chục con. Đau đớn hơn, 43 người của trại đã vĩnh viễn ra đi sau thảm sát ở Tổng Chúp. Mấy người sống sót, có người gần như hóa điên, có người mang mãi nỗi ám ảnh.
Một tháng sau khi chiến sự yên, trại Đức Chính hoạt động trở lại. Ông An đi về tận Hòn Gai (Quảng Ninh) tìm mua tiếp 500 con lợn giống. Cuối năm 1979, sản lượng thịt của trại là 50 tấn. Không thể so với sản lượng 300 tấn năm năm 1978 nhưng đó là nỗ lực đáng kể của những con người vẫn đang còn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh. Cho dù sản lượng thịt những năm sau đó dần dần trở lại, nhưng ông An thừa nhận, công cuộc gây dựng lại đàn lợn giống, lợn nái mãi đến những năm 90 mới tạm ổn.
Bà Đượm đã ngoài 70, chưa từng hối hận vì năm xưa bỏ tất cả theo chồng lên vùng hiểm nguy. Ông An bảo người ở nhà thì lo, nhưng chúng tôi trên này, chúng tôi biết ở được.
Ông Vũ Quốc Khánh kể ngày 17 xảy ra chiến sự, cả gia đình ông sơ tán về Bắc Cạn. Trước khi đi ông thả 3 con heo ra khỏi chuồng. “3 tháng sau trở về, con heo hơn chục cân thành hơn 50 cân, vẫn quanh quẩn đó”, ông kể lại. Đó là một niềm vui hiếm hoi giữa năm tháng khốn khó và hoảng loạn. Bố ông Khánh là người Hà Nội lên Cao Bằng lập nghiệp. Sau năm 1979, cả gia đình ông vẫn bám trụ Cao Bằng.
Làng Tổng Chúp khi đó là nơi quân địch chiếm làm căn cứ. Đến bây giờ nơi đây vẫn còn dấu vết của trận địa pháo. Cả làng bị đốt cháy, san phẳng hơn 70 nóc nhà. Ông Đàm Thế Chinh, Bí thư chi bộ thôn kể năm 1979, ông đang học pháo binh tận Sơn Tây (Hà Nội). Chẵn một tuần sau ông mới nhận được tin gia đình. Tháng 3 trở về, căn nhà của ông là nơi giặc đã giam giữ và giết hại 43 người của trại lợn Đức Chính, chỉ còn trơ nền và đồ dùng bếp vương vãi. 40 năm sau, Tổng Chúp đã có 130 nóc nhà. Thôn Tổng Chúp giờ không còn trong tên gọi chính thức. Cái giếng đau xót khi xưa đã bị lấp, chỉ còn một bụi tre làm dấu. Con suối cũng đã đổi dòng. Ông Chinh và gia đình vẫn ở đó, chỉ là cách nơi dấu tích đau buồn kia một đoạn.
Bà Hà ở một mình trong căn nhà vắng cách trung tâm thành phố chừng 2 cây số. Người hiếm hoi sống sót trong thảm sát năm ấy đã để lỡ cả một thanh xuân tươi trẻ bởi di chứng những mảnh đạn trong người. Dù mấy năm sau bà cũng rời khỏi nỗi đau Đức Chính, nhưng giữa nhiều lựa chọn, thậm chí là cả về Hà Nội, bà vẫn chọn Cao Bằng để ở lại, vì đó là nơi bà sinh ra.
Tháng Hai năm nay, đúng dịp lễ hội Xuân. Nghe đâu hội Kỳ Sầm (xã Vĩnh Quang), hội chùa Đồng Lân (xã Hưng Đạo) phải đến cả trăm con heo quay. Heo quay móc mật Cao Bằng ngon có tiếng. Quanh Kỳ Sầm, Đồng Lân, không ai còn nhận ra nơi này chỉ 40 năm trước là một chiến trường.
40 năm, cuộc sống đã trở lại. Biên giới xa xôi này, dù trong hoàn cảnh nào, cũng sẽ vẫn luôn có những con người bám trụ, đủ để bao dung nhưng cũng thừa kiên định.
Theo báo Nhân dân