Người phi công hơn 8000 giờ bay phục vụ Bác Hồ

Người phi công hơn 8000 giờ bay phục vụ Bác Hồ

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Ông Trần Ngọc Bích là một trong những phi công được giao nhiệm vụ chở Bác Hồ và lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam và Chính phủ Lào.

Bữa cơm bình dị bên Người

Tháng 10/1953, khi chưa đủ 19 tuổi, nghe tiếng gọi lên đường của Tổ quốc, ông Trần Ngọc Bích quê ở thôn Vạn Phúc Trung (xã Trường Sơn, Đức Thọ, Hà Tĩnh) lên đường nhập ngũ. Đến tháng 2/1956, ông được tuyển chọn đi học lái máy bay phục vụ chiến đấu. Sau đó hai năm, người đàn ông này tốt nghiệp xuất sắc lớp máy bay TU2 (máy bay thả bom).

Vào thời điểm đó, tình hình trong nước có một số biến động nên ông Bích phải chuyển sang học lớp máy bay AN2 (máy bay vận tải). Sau khi hoàn thành khóa học tháng 2/1960, Trần Ngọc Bích về nước tham gia vào Đoàn bay 919, thuộc Quân chủng Phòng không không quân Viêt Nam.

Đoàn học viên không quân Việt Nam lúc ấy cử đi 18 người ra nước ngoài học lái máy bay. Trong đó có đồng chí Đào Đình Luyện, sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đến năm 1960, sau khi tốt nghiệp lớp phi công loại xuất sắc, ông Bích cùng với đồng chí Hoàng Trọng Khai được điều về Trung đoàn Không quân vận tải 919. Khi đó, Thiếu úy Trần Ngọc Bích được phân công phụ trách lái máy bay trực thăng Mi-4. Đó là loại trực thăng do Liên Xô sản xuất, tốc độ bay tối đa 220km/giờ, tải trọng 1,4 tấn.

Xã hội - Người phi công hơn 8000 giờ bay phục vụ Bác Hồ

Ông Trần Ngọc Bích hào hứng kể lại nhưng năm tháng được phục vụ Bác

Khi ấy, nước ta có ba chiếc máy bay trực thăng, tuy nhiên chưa có người lái. Trước tình hình đó, Liên Xô đã cử một chuyên gia dạy lái máy và một thợ sửa máy sang giúp đỡ.

“Khi chuyên gia Menlêép lái máy bay đưa Bác đi công tác đã thiếu lái phụ nên tôi được đảm nhận nhiệm vụ thiêng liêng đó. Không lâu sau, Đoàn bay 919 thành lập một tổ bay phục vụ Bác và Bộ chính trị”, ông Bích tâm sự.

Trong chín năm phục vụ Bác, người phi công trẻ Trần Ngọc Bích không biết mình đã bao nhiêu lần lái chiếc máy bay VN51Đ và chiếc Lốc xoáy 48 đưa Bác đi công tác xa. Nói chuyện với chúng tôi, ông Bích hồi tưởng: Vào 1963, tôi lái máy bay đưa Bác về thăm đồng bào Tuyên Quang, thăm lại căn cứ địa cách mạng ở cây đa Tân Trào. Ngày đó, ở Tuyên Quang, trời nắng như đổ lửa, đất ruộng nứt nẻ như sa mạc. Đi cùng với Bác có đồng chí Phạm Ngọc Thạch, đồng chí Vũ Kỳ và đồng chí Trần Đăng Ninh.

Buổi chiều máy bay đáp xuống Tuyên Quang nên lịch trình của Bác là nghỉ đêm, ăn sáng xong thì mới lên máy bay di chuyển vào Tân Trào. Hôm đó trời đã trưa thì máy bay mới hạ cánh xuống cánh ruộng lúa vừa gặt xong. Bác Hồ đi bộ đến một khe suối và nói với mọi người rửa tay chân rồi ăn cơm.

“Nhìn Bác dùng tay khoát nước lên rửa tay chân, tôi không ngờ trên thế giới này lại có một vị Chủ tịch lại giản dị như thế”, phi công Trần Ngọc Bích kể. Theo lời ông Bích, không có bữa cơm nào mà bình dị như bữa cơm ở Tân Trào năm 1963. Bác cùng với đoàn đã trải một chiếc ni lông rồi dùng dao thái từng nắm cơn nắm ra ăn. Bác bốc cho mỗi người một miếng cơm và nói: “Các chú ăn no vào, tối chúng ta mới về đến Hà Nội”.

Cảm động chuyến bay cuối được phục Bác

Có lẽ, kỷ niệm ông Bích nhớ nhất trong quá trình bay phục vụ Bác là cú hạ cánh sai địa điểm. Do chưa có sự thống nhất giữa trung đoàn và bộ phận an ninh nên phi công Trần Ngọc Bích đã đáp máy bay xuống sân bê tông ở Sơn Tây để đón Bác.

Thấy Bác đến, họ ùa vây quanh kính cẩn chào hỏi Bác Hồ. Gặp người dân, Bác Hồ đã ân cần hỏi thăm bộ đội và nhân dân gần đó rồi tạm biệt mọi người lên đường.

Ngoài nhiệm vụ bay vận chuyển vũ khí và lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam và nước bạn Lào, máy bay Mi-4 do ông Bích lái còn đảm nhiệm nhiệm vụ đặc biệt là bay phục vụ Bác Hồ và các đồng chí Trung ương Đảng đi công tác.

Một kỷ niệm có lẽ mà trong cuộc đời phi công Trần Ngọc Bích nhớ mãi đó là ngày 15/2/1960, Trung đoàn 919 được đón Bác Hồ đến thăm. Ông Bích nhớ lại: Trong buổi nói chuyện hôm đó, sau khi nói về vị trí, nhiệm vụ của không quân và sự hiệp đồng của ngành hàng không, Bác đã chốt lại ba điều căn dặn: “Điều thứ nhất, Bác muốn dặn mỗi người phải vì dân, vì nước lập công xuất sắc. Điều thứ hai, mọi người phải đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau trong mọi mặt công tác, học hành và đời sống hàng ngày. Điều thứ ba là từ lãnh đạo đến nhân viên phục vụ đã có thành tích rồi thì càng phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Người lính già nhớ lại chuyến bay cuối cùng được phục vụ Bác. Đó là tối ngày 23/4/1968. Sau khi hạ cánh an toàn xuống sân bay Bạch Mai, Bác đã gọi tổ bay lại chia kẹo, thuốc lá cho từng người. Bác hỏi chuyện thân mật và không ai ngờ được đó lại là chuyến bay cuối cùng họ được chở Người.

Ngày 19/12/1975, Bộ Quốc phòng ký quyết định thành lập Trung đoàn Không quân trực thăng 916 trực thuộc Sư đoàn 371. Đại úy Trần Ngọc Bích được bổ nhiệm giữ chức Trung đoàn trưởng. Năm 1977, ông chuyển về công tác tại Quân chủng Không quân. Năm 1983, người phi công ngày nào đảm nhiệm cương vị Hiệu phó Trường Chỉ huy Kỹ thuật Không quân, rồi đến năm 1990 thì nghỉ hưu. Người lính già trở về với bên dòng sông La hiền hòa.

Hiện nay trong ngôi nhà của mình, Đại tá Trần Ngọc Bích dành một nơi trang nghiêm nhất để thờ Bác Hồ. Phía dưới chân dung Bác là một bức ảnh đặc biệt do đồng đội tặng. Đó là năm chiếc máy bay trực thăng Mi - 8 mang theo cờ Tổ quốc diễu hành gần lăng Bác. Trong trái tim người lính già, những kí ức về Bác Hồ mãi mãi khắc sâu.

Hà Hằng – Kim Long


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.