Khi chó, gà, lợn... của người thành phố được quan tâm
Gia đình ông N.V.N. nằm trong nội thành thành phố Hà Nội nhưng đất đai khá rộng rãi, ngoài khuôn viên nhà, ông còn dành riêng ra một phần đất để trồng rau, nuôi gà, chơi chim cảnh, cây cảnh,… Mấy hôm nay, ông N.V.N. cứ loay hoay đi ra đi vào, thỉnh thoảng lại vò đầu bứt tai, khi vợ hỏi thì ông cáu kỉnh: "Đúng là phụ nữ chẳng biết gì, chẳng chịu để ý tới thời sự. Tôi đang lo cho… đàn gà tre của tôi". Hoá ra, theo dự thảo mới của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì sắp tới việc nuôi lợn, gà trong thành phố sẽ bị cấm, nếu vi phạm có thể bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Số tiền này đối với gia đình ông N. không là gì so với một số cây cảnh trị giá hàng chục triệu đồng nhưng hiềm một nỗi, ông N. là đảng viên, từng giữ một số chức vụ ở địa phương và con cái ông bà vẫn đang công tác ở các cơ quan Nhà nước. Ông không muốn giết đàn gà, nhưng nếu chấp nhận chịu nộp phạt thì nhỡ con cái bị phê bình kiểm điểm thì đó lại là nỗi lo lớn.
Về hưu, niềm vui của ông cũng chỉ quẩn quanh với mấy con gà tre bé tẹo, đi ra đi vào gáy te te, tiếng gáy không vươn ra khỏi được cái bờ tường nhà. Con cái lớn hết, suốt ngày đi làm, có mỗi hai vợ chồng ông N. ở nhà, hàng ngày ông đem gạo ra vãi cho gà ăn, vui miệng ông lại gọi "con" với đàn gà quấn quýt dưới chân. Đến hôm sau lại có cô em họ sang nhà lấy nước gạo về nuôi lợn. Nhìn thái độ ông anh rể, cô em họ cũng hiểu ngay, hai anh em ngồi nhìn nhau thở dài. Cô em họ có sự đồng cảm với anh vì sắp tới, gia đình cô cũng sẽ bị cấm nuôi lợn nếu như dự thảo được chấp nhận.
Đàn gà trong phố được chấp nhận nếu chủ nhân không kinh doanh
Chuyện của gia đình ông N. cũng đang là một trong những vấn đề được bàn tán sôi nổi trong thời gian qua. Theo dự thảo của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra lấy ý kiến nhân dân thì ngoài việc cấm thả rông chó thì cũng sẽ cấm luôn việc nuôi gà, lợn trong nội thành. Mức xử phạt cho hành vi thả rông chó sẽ là 500.000 đồng, hành vi vi phạm nuôi lợn, gà trong thành phố sẽ là từ 1- 2 triệu đồng. Tuy bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới trình dự thảo và đưa ra lấy ý kiến nhân dân trong vòng 60 ngày rồi mới tiếp tục hoàn chỉnh, đệ trình lên Chính phủ nhưng những quy định này cũng khiến nhiều người nhấp nhổm không yên.
Người dân phải thay đổi thói quen
Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… là những thành phố lớn có tốc độ phát triển và đô thị hoá nhanh, vì vậy những yêu cầu về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cũng ngày càng có sự đòi hỏi cao hơn. Tuy nhiên, trong khu vực nội thị, ở một số nơi vẫn còn tồn tại việc chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ lẻ. Nhìn lại thời gian qua, khi dịch cúm gia cầm, lợn tai xanh bùng phát khiến người dân hoang mang, lo sợ. Tuy nhiên,đứng trước những nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm, yêu cầu về thực phẩm sạch cũng trở thành một lý do để nhiều người "tăng gia nuôi con gà, con lợn, trồng ít rau sạch ven đường để cải thiện bữa ăn gia đình". Đứng trước những ý kiến trái chiều của người dân phản ánh, phóng viên Người Đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, cục phó cục Chăn nuôi thuộc bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về vấn đề này.
Thưa ông, hiện rất nhiều người dân xôn xao về Dự thảo mới xung quanh vấn đề cấm nuôi gà, lợn trong nội thành thành phố lớn. Có ý kiến cho rằng việc cấm này sẽ ảnh hưởng nhiều tới kinh tế gia đình của một số hộ dân khó khăn. Mặt khác gà và lợn là những động vật nuôi nhốt, trong điều kiện khuôn viên gia đình cho phép, việc cấm này sẽ vi phạm vào quyền định đoạt tài sản cá nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự?
Hiện nay, quy định này mới chỉ là dự thảo, nhưng theo ý kiến tôi đây là một quy định cần thiết trong tình hình kinh tế xã hội của chúng ta đã có nhiều thay đổi. Việc chăn nuôi không ai có thể cấm nhưng chăn nuôi là sản xuất có điều kiện, người chăn nuôi phải đáp ứng được những điều kiện cần thiết về kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường. Ngoài vấn đề đất đai để sản xuất thì cũng phải đảm bảo không ảnh hưởng tới những người xung quanh. Quy định này nhằm hướng tới việc xoá bỏ hình thức kinh doanh gia súc, gia cầm sống trong nội thành. Nếu chứng minh được việc chăn nuôi không nhằm mục đích kinh doanh và đảm bảo các điều kiện kể trên thì người dân vẫn có thể nuôi. Việc gia đình có nuôi một số con gà cảnh, lợn cảnh (vẫn còn rất lạ với Việt Nam) thì luật sẽ không cấm, nhưng người nuôi sẽ phải chứng minh được là không nhằm mục đích kinh doanh và không ảnh hưởng tới ai.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục chăn nuôi.
Một số gia đình vẫn có thói quen tận dụng cơm thừa, canh cặn, thức ăn thừa ở các nhà hàng, khách sạn để chăn nuôi. Việc này vừa góp phần cải thiện kinh tế lại bảo vệ được môi trường, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Trước kia, không chỉ ở ngoại thành mà trong nội thành Hà Nội vẫn có rất nhiều gia đình nuôi gà, lợn bằng cách tận dụng thức ăn thừa. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay đã có nhiều thay đổi, chúng ta chuyển sang sản xuất chuyên nghiệp hơn, không thể cứ nói tận dụng mãi được. Chúng tôi chia sẻ với những gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ này nhưng vì mục tiêu chung tiến tới một xã hội văn minh thì đôi khi quyền lợi cá nhân cũng phải hi sinh vì tập thể. Không thể trong một đô thị hạng nhất vẫn còn mùi phân gà, phân lợn vương vãi ảnh hưởng tới môi trường và mỹ quan chung. Tôi chỉ nói ở nông thôn thôi, người ta còn kiện nhau chỉ vì người chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường. Người chăn nuôi có lãi nhưng để mùi hôi thối, rác thải chưa được xử lý làm ảnh hưởng tới người khác, có khi người dân nông thôn còn đưa nhau ra pháp luật chứ nói gì ở thành phố lớn. Mặt khác, thức ăn thừa ở các nhà hàng hiện nay còn lẫn bao nhiêu thứ mà thực khách vô tình bỏ vào như giấy ăn, túi bóng, mỹ phẩm,… nên nguồn thức ăn cho chăn nuôi này cũng không thể gọi là đảm bảo an toàn được. Tôi cho rằng, để đảm bảo môi trường, nguồn thức ăn này chúng ta có thể tận dụng làm phân bón nông nghiệp. Về quan điểm cá nhân, tôi không khuyến khích việc nuôi gia súc, gia cầm trong nội thị. Không một đô thị lớn nào trên thế giới còn áp dụng hình thức chăn nuôi này.
Ông cho rằng quy định này liệu có khả thi?
Hiện nay những quy định này còn mới, có thể người dân sẽ chưa quen ngay được nhưng vì xã hội phát triển, nhiều thói quen chúng ta buộc phải thay đổi đi. Tuy nhiên, về phía những người làm luật cũng phải có sự mềm dẻo, linh động, không cứng nhắc trói buộc người dân. Chính vì vậy mà Chính phủ và bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới phải lấy ý kiến của nhân dân.
Quy định của dự thảo là tiến bộ nhưng đưa ra trong thời điểm này liệu có phù hợp?
Nếu chúng ta không làm bây giờ thì còn đợi đến bao giờ nữa? Chúng ta hướng tới mục đích xây dựng đô thị văn minh, quá trình này không phải ngày một, ngày hai. Vấn đề đưa ra tất nhiên không thể phù hợp với tất cả mọi người, nhưng nếu trong 100 người có đến 90 người đồng thuận thì những người còn lại cũng nên theo. Nếu như không thể thay đổi công việc của mình thì người chăn nuôi có thể di chuyển cơ sở sản xuất của mình ra ngoại thành là nơi có điều kiện phù hợp hơn.
Đỗ Huệ (thực hiện)