Ngày 10/7, Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã tiến hành phẫu thuật, điều trị triệt để ca ung thư vú giai đoạn 0 cho một bệnh nhân 60 tuổi.
Theo thông tin ban đầu, vào ngày 27/6, bệnh nhân H.M. (60 tuổi, trú tại huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) tới thăm khám tại Đơn vị Ung bướu thuộc Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột với tình trạng tiết dịch bất thường ở núm vú trái qua 7 ngày, dịch màu đen với lượng nhiều.
Ngay sau khi thăm khám, bác sĩ đã chỉ định cho bệnh nhân thực hiện các bước cận lâm sàng cần thiết như: Xét nghiệm, siêu âm…
Kết quả xét nghiệm, dịch núm vú trái của bệnh nhân H.M. có biểu mô bất thường trong dịch núm vú, khả năng carcinoma (ung thư biểu mô). Đồng thời, theo kết quả siêu âm có tổn thương xáo trộn cấu trúc vú trái.
Trên có sở đó, bệnh nhân H.M. được các bác sĩ chẩn đoán cần theo dõi ung thư vú trái. Ngay sau đó, bệnh nhân được chỉ định chuyên sâu là thực hiện sinh thiết u vú trái. Qua đó, phát hiện carcinoma (ung thư biểu mô) ống tuyến vú, thể nội ống. Đây là loại tế bào ung thư vú ở giai đoạn tại chỗ (giai đoạn 0).
Ngay sau đó, bệnh nhân H.M. đã được các bác sĩ giải thích, tư vấn về tình trạng bệnh và các phương hướng điều trị, tỷ lệ khỏi bệnh sau khi điều trị. Đồng thời, thống nhất phương pháp điều trị tiếp theo bao gồm: Đoạn nhũ và nạo hạch nách trái triệt để.
Ca phẫu thuật diễn ra thành công tốt đẹp. Sau 5 ngày phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân H.M. ổn định và được cho xuất viện về nhà theo dõi.
BS.CKI. Từ Ngọc Hiếu, Đơn vị Ung bướu thuộc Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, ung thư vú là căn bệnh có tỉ lệ mắc cao nhất so với tất cả các loại bệnh ung thư ở phụ nữ.
Theo bác sĩ Từ Ngọc Hiếu, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc điều trị ung thư vú sẽ dễ dàng và hiệu quả, ngăn chặn tỷ lệ tử vong cho người bệnh. Ở giai đoạn sớm này các tế bào bất thường đã xuất hiện nhưng chưa lan rộng ra mô kế cận, cũng có thể gọi là ung thư tại chỗ (carcinoma in situ – CIS). Sau khi điều trị thì tỉ lệ tái phát ở giai đoạn này dưới 5%.
Theo đó, những phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt là phụ nữ có có tiền sử gia đình liên quan đến ung thư vú và ung thư buồng trứng cần chủ động đi khám sức khỏe định kỳ 1-2 năm/lần để được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
“Ở giai đoạn sớm của ung thư vú, các dấu hiệu lâm sàng không rõ ràng nên rất khó phát hiện bệnh nếu không được thăm khám tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện trang thiết bị chẩn đoán và tầm soát. Do đó, các nhóm đối tượng nguy cơ ung thư vú nên chủ động khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh” – bác sĩ Từ Ngọc Hiếu khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Hiếu, có một số dấu hiệu phát hiện sớm bệnh ung thư vú như: Tiết dịch núm vú bất thường (dịch màu đen, đỏ), u bất thường quanh ngực, da trên vú nề đỏ, loét… Nếu phát hiện các dấu hiệu này, người dân nên đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và chẩn đoán kịp thời.
Khánh Ngọc