Khoảnh khắc đáng sợ này được Ellen Sherman ở Geneva, Florida, Mỹ ghi lại.
Trong clip, một con rắn nước đang từ từ nuốt chửng một con cá rô phi xanh. Con cá xui xẻo vẫn còn sống, nó cố vùng vẫy để thoát khỏi miệng của con rắn nhưng không thành công.
Sau khi đã khống chế được con mồi, con rắn lớn màu nâu chậm rãi nuốt chửng cho đến khi con cá nằm trong thực quản của nó. Sau đó, con rắn co cơ thể đẩy con cá sâu xuống cổ họng.
Cô Sherman cho biết: "Suy nghĩ đầu tiên của tôi là một con rắn ngầu, và sau đó ngạc nhiên khi thấy nó không sợ tôi".
Rắn có mặt ở mọi nơi trên thế giới, sống ở mọi địa hình như trên cây, dưới nước, trên cạn, dưới biển... Một vài loài rắn có độc, một vài loài không có. Rắn ăn thịt. Thức ăn yêu thích là chuột, chim. gà và những con thú nhỏ.
Nhưng đôi khi, rắn cũng có thể săn và nuốt chửng những con mồi to gấp 2, 3 lần kích thước đầu của nó. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng khác với phần lớn động vật khác, quai hàm của rắn có cấu tạo phức tạp. Hai nửa hàm trên và dưới không gắn cố định cứng nhắc với nhau mà được nối bằng các khớp nối trong hộp sọ và dây chằng linh hoạt, giúp chúng mở rộng được chiếc miệng tối đa để nuốt trọn con mồi. Đôi khi con mồi to gấp đôi kích thước đầu rắn.
Sau khi ngoạm mồi nuốt trọn con mồi, bước tiếp theo rắn làm là đẩy con mồi dọc theo đường tiêu hóa. Chất dịch ở dạ dày giúp rắn phân hủy các mô. Khi ăn con mồi nhỏ, rắn có thể dùng hàm đẩy giun hoặc chuột xuống đường tiêu hóa. Nhưng với bữa ăn lớn, rắn sử dụng xương ở đầu và hàm để dồn con mồi xuống bụng.
Hệ tiêu hóa của rắn cũng sẽ phình to ở mức tối đa trong 48h sau khi nuốt chửng mồi. Các enzym tiêu hóa sẽ hòa tan và hấp thụ mọi thứ của con mồi, bao gồm cả xương. Lông và móng vuốt của con mồi bị bài tiết ra ngoài dưới dạng chất thải.
Hải Vân (T/h)