Hai trường hợp vỡ túi nâng ngực
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận 2 trường hợp vỡ túi nâng ngực, đáng nói có bệnh nhân không triệu chứng và không hề hay biết mình bị vỡ túi ngực.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Sức khỏe & Đời sống BS. Hoàng Hồng, Phụ trách khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trường hợp thứ nhất là một phụ nữ 55 tuổi (Hà Nội), đặt túi ngực từ năm 2010.
Bệnh nhân tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thăm khám tổng quát, tuy nhiên, kết quả siêu âm, chụp MRI cho thấy hình ảnh túi ngực bên trái đã vỡ. Bệnh nhân cho biết, không thấy dấu hiệu bất thường nên không hay biết túi ngực đã vỡ.
Trước đó, tại khoa cũng đã tiếp nhận một phụ nữ 31 tuổi (Hà Nam) tới khám do thấy vùng ngực trái căng tức và biến dạng. Được biết, người phụ nữ này đã đặt túi nâng ngực cách đây 4 năm. Kết quả chiếu chụp cho thấy túi ngực bên trái của bệnh nhân bị vỡ, vùng khoang ngực xung quanh túi ngực có nhiều dịch.
Cũng theo BS. Hoàng Hồng, cả hai trường hợp đều được chỉ định phẫu thuật sớm để lấy túi ngực ra ngoài, làm sạch dịch tiết cũng như silicone gel thoát ra xung quanh, làm sạch khoang túi, đồng thời đặt túi ngực mới trở lại.
Từ những trường hợp trên bác sĩ cảnh báo, việc vỡ túi ngực nếu không được phát hiện và xử lý sớm, dịch tích tụ nhiều có thể dẫn tới các phản ứng viêm, nhiễm trùng lan rộng, gây biến dạng ngực, phải điều trị lâu dài. Bên cạnh đó, khi ngực đã bị viêm nhiễm, nếu đặt túi độn lại sẽ tăng nguy cơ bị xơ dính, co bao.
Nguyên nhân nào dẫn tới vỡ túi nâng ngực?
Theo các bác sĩ, tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân vỡ túi ngực do túi ngực để quá lâu, trên 10 năm.
BS. Hồng cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân dẫn tới vỡ túi nâng ngực như do vật sắc nhọn (kim khâu, kim tiêm, dao kéo), ngoại lực mạnh tác động từ bên ngoài khi túi ngực chất lượng đã kém...
Túi vỡ còn có thể do chất lượng của nhà sản xuất túi ngực hoặc sau thời gian độn lâu dài chất lượng sẽ kém đi dễ bị rách túi.
Đa số bệnh nhân đều chia sẻ, khi đến các cơ sở thẩm mỹ xin tư vấn nâng ngực sẽ được thuyết phục rằng “bảo hành trọn đời”, hoặc không được giải thích kỹ nên bệnh nhân chủ quan không nghĩ tới việc phải thăm khám lại hay thay túi ngực.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm và thực phẩm Mỹ khuyến cáo phụ nữ nên thay túi ngực sau 10 năm và không nên để quá 15 năm.
Bác sĩ Hồng nhấn mạnh chị em khi đặt túi nâng ngực cần thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường như sưng đau, căng tức, ngực biến dạng... Trường hợp không phát hiện dấu hiệu bất thường, sau khoảng 7-8 năm chị em nên siêu âm, chụp chiếu để kiểm tra túi và nên thay túi sau 10 năm.
Một số dấu hiệu vỡ túi ngực, chị em đã từng thẩm mỹ ngực không nên bỏ qua
Người bệnh có thể nhận biết túi ngực vỡ nhờ những dấu hiệu sau đây trên tuyến vú, thường là một bên: Đau, nhức hoặc sưng. Thay đổi về kích thước hoặc hình dạng. Cục u trong vú. Có chỗ vú bị cứng lên.
Đáng chú ý, túi ngực có thể vỡ bất cứ lúc nào. Vỡ túi ngực mà không gây bất kỳ triệu chứng nào được gọi là "vỡ thầm lặng". Vỡ túi ngực thầm lặng không làm thay đổi hình dáng bầu ngực nên khó phát hiện vết nứt. Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp hiệu quả giúp phát hiện tình trạng này.
Trao đổi với báo Giao Thông về ưu, nhược điểm của phương pháp phẫu thuật nâng ngực sử dụng túi silicon, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt, Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết:
Ưu điểm:
– Kích thước ngực sẽ lớn hơn, cao hơn, đầy đặn hơn và trông sẽ trẻ trung hơn.
– Kết quả sau phẫu thuật sẽ kéo dài hơn.
– Túi ngực có nhiều loại, hình dáng, kích thước, vì vậy bạn có thể chọn kích thước và hình dáng phù hợp nhất với cơ thể và sở thích của bạn.
Nhược điểm:
- Hãy đến và tư vấn trực tiếp với bác sĩ phẫu thuật của bạn về các phương pháp nâng ngực ít ảnh hưởng nhất đến khả năng cho bú và ít bị ảnh hưởng nhất theo thời gian.
– Túi cấy ghép không phải là thiết bị trọn đời. Bạn đặt túi càng lâu thì khả năng phải thay thế càng cao. Tuy nhiên, khả năng phải thay túi phụ thuộc vào cơ thể mỗi người, phẫu thuật viên càng có kinh nghiệm với tay nghề cao làm giảm các nguy cơ này.
Trúc Chi (t/h)