Ngày 23/12, trên trang facebook Đ.V.T đã đăng tải một đoạn video quay lại cảnh một người phụ nữ trên tay đang bế con nhỏ, người này đang tỏ ra khá gay gắt tranh giành chiếc ghế ngồi cạnh cửa thoát hiểm với lý do cho con chơi.
Trong clip, mặc dù nam nhân viên đã nhẹ nhàng giải thích, ghế thoát hiểm trên máy bay không dành cho người đang đi kèm con nhỏ, thế nhưng người phụ nữ ấy nhất quyết không chịu. Người phụ nữ nói lớn trong clip:
“Ngồi chỗ cho trẻ con chơi không thể nào ngồi ghế cuối cùng được. Em đừng nói lý, rõ ràng bọn em sai. Chị bảo có trẻ con là phải ngồi ở chỗ này. Chị làm gì có chỗ cho cháu, cháu cứ đòi ra, chị biết làm thế nào? Mà chị đi rất nhiều máy bay rồi, bao giờ người ta cũng check-in cho chị ngồi ở chỗ này. Nguyên tắc của người check vé đều phải biết em bé ngồi ở chỗ nào".
Thấy hành khách phản ứng mạnh, nhân viên máy bay đã liên tục xin lỗi và cũng đã nói lời xin lỗi, khẳng định “Đúng theo nguyên tắc là không được ngồi vì là lối thoát hiểm”, mặc dù vậy, người phụ nữ này không chuyển đi chỗ khác.
Vài giờ chia sẻ, đoạn clip đã nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội với hơn 500 ngàn lượt xem, 6 ngàn lượt like và hơn 3 ngàn lượt chia sẻ từ cộng đồng mạng. Những người dùng mạng đều lắc đầu ngao ngán với cách ứng xử của người phụ nữ này.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, anh Đ.V.T (chủ nhân của đoạn clip đang làm “dậy sóng mạng” ngày cuối tuần) cho biết, sự việc xảy ra trên chuyến VNA 286 của hãng hàng không Vietnam Airlines từ TP.HCM ra Hà Nội.
Khi đăng tải sự việc lên mạng xã hội, anh Đ.V.T cho biết bản thân anh cũng không ngờ sự việc lại được nhiều người quan tâm, chia sẻ đến vậy.
Người đàn ông này chia sẻ anh là hành khách trên chuyến bay, ngồi gần người phụ nữ trên, khi người phụ nữ bế con nhỏ có hành động như vậy, anh đã rất buồn.
“Mình buồn vì người phụ nữ ấy tỏ thái độ trên chuyến bay, thứ hai là bởi trên chuyến bay đó có tổng 37 người Nhật, họ hỏi mình một câu thế này “sao chị ấy to tiếng vậy anh, rất căng thẳng, có gì không ổn sao mà làm phiền người khác vậy?”. Khi đó, mình không biết trốn vào đâu, nếu chị ấy thật sự lo lắng cho cháu nhà, chị có thể book vé ở vị trí rõ ràng. Khi lên máy bay rồi, có sự vụ phát sinh thì không thể giải quyết được kịp thời”, anh T. nói.
Chia sẻ với PV, anh T. cũng bày tỏ rất nhiều cảm xúc: “Mình thấy buồn vì hành động chị ấy quát mắng vào nhân viên máy bay, họ cũng chỉ là người làm công ăn lương mà gặp khách hàng như vậy. Mình cũng băn khoăn không hiểu mai một chị ấy sẽ dạy cháu nhà thế nào đây?”.
Vì tính chất công việc, nên anh T. thường xuyên bay ra bay vào giữa Hà Nội – TP.HCM và ngược lại. Anh T. cũng chia sẻ thêm trong quá trình bay, anh gặp không ít câu chuyện “dở khóc dở cười” mà anh không tiện kể. Nhưng sự việc lần này khiến anh rất buồn, vì thế anh đã quyết định chia sẻ trên mạng xã hội.
Anh T. chia sẻ thêm thông tin: “Theo quy định đảm bảo an toàn khi bay và theo đúng quy tắc của Hiệp hội Hàng không Hoa Kỳ và Quốc tế, khu vực đó là khu vực hạn chế chỉ cho những người có đủ sức khỏe và lí trí để xử lý tình huống, mở cửa thoát hiểm. Nếu chị ấy để em bé chạy nhảy ở khu vực đó, lỡ có sự cố thì sẽ xử trí ra sao?”.
Hiện câu chuyện này vẫn đang được cư dân mạng chia sẻ, bàn luận trái chiều.
Thanh Lam