Không thể tìm việc vì béo phì
Đã 25 tuổi nhưng Sam Brattle sống tại Anh chưa từng có được một công việc đúng nghĩa và cô sợ rằng sẽ chẳng bao giờ cô được các công ty tuyển dụng bởi cô quá béo. Sam không muốn sống một cách vô vị như hiện tại nên cô đã nộp đơn xin việc vào 850 vị trí tuyển dụng ở khắp nơi cùng hơn 50 cuộc phỏng vấn, song dường như mọi cố gắng đều vô ích.
Sam có trọng lượng giao động từ 120kg đến 135kg, Sam thường nhận được những lời xì xầm to nhỏ, bàn luận về thân hình quá khổ của mình. Các nhà tuyển dụng thường lắc đầu khi gặp một người thừa cân như Sam. Sam nói: "Các nhà sử dụng lao động không muốn người béo làm việc cho họ và họ sẽ tìm bất kỳ lý do nào đó để từ chối những người như tôi. Thật bất công và khó chịu. Mọi người nghĩ tôi là một gánh nặng nếu tôi nhận việc nhưng tôi có thể chứng minh đó là cách suy nghĩ hoàn toàn sai lầm".
Trước đây, sau khi ra trường năm 2008, Sam đã từng tình nguyện làm trợ giảng và làm nhiệm vụ chăm sóc trẻ nhỏ trong một trường tiểu học.
Sam cho rằng, đây là công việc thích hợp nhất với mình và sẽ dễ dàng được các nhà tuyển dụng chấp nhận nhưng thực tế rất phũ phàng. Các trường học cũng như các trung tâm trông trẻ đều từ chối nhận Sam bởi họ lo Sam có thể gây hại cho trẻ nhỏ với thân hình đồ sộ đó dù cô có kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực này. Cô bức xúc: "Tôi luôn tỏ ra nhã nhặn và lịch sự trong các cuộc phỏng vấn. Họ đều khen tôi thông minh và có tiềm năng. Thế nhưng, họ lại chê tôi không có kinh nghiệm nên không thể tuyển tôi. Nếu cứ từ chối tôi như vậy thì sao có được kinh nghiệm như họ yêu cầu? Tôi nghĩ, tất cả những gì họ nói có nghĩa là "Bạn quá béo và chúng tôi không muốn bạn"”.
Sam là nạn nhân của nạn phân biệt đối xử với người béo phì.
Do không có việc làm nên hiện tại, Sam vẫn sống cùng bố mẹ tại London và sống bằng 71 bảng Anh trợ cấp thất nghiệp. Mọi sinh hoạt của cô đều dựa vào bố mẹ và những tổ chức từ thiện cấp phát đồ miễn phí. Dù đi từ thất bại này đến thất bại khác trong vấn đề tìm việc nhưng Sam vẫn không hề xấu hổ vì thân hình của mình. "Béo cũng có nét đẹp riêng. Tôi không quan tâm ai nói sao, tôi tự hào và rất hài lòng với kích thước của mình", Sam khẳng định.
Từ chối là "xúc phạm"!
Sam nói: "Béo không phải là lỗi của tôi. Ngay từ bé, tôi đã gặp vấn đề với nội tiết tố khiến tôi bị thừa cân. Nếu người ta chỉ trích tôi quá béo thì thật quá đáng. Vấn đề không phải ở kích thước thân hình tôi mà ở chính cách nhìn của họ". Trước tình trạng thất nghiệp chung của những người có thân hình quá khổ, Sam đang lên kế hoạch về một chiến dịch đòi lại sự công bằng cho người béo và yêu cầu chính phủ tạo điều kiện cho cô cùng những người béo khác có cơ hội được làm việc.
Cô thậm chí còn tâm sự: "Tôi thật sự sợ hãi khi nạn phân biệt đối xử với những người thừa cân ngày một lan rộng. Họ thường khinh thường chúng tôi là những kẻ ăn không ngồi rồi, đần độn và thiển cẩn do quá béo. Tôi như thấy bị xúc phạm vậy".
Mặc dù khá hài lòng với kích thước hiện tại của mình nhưng Sam vẫn muốn chính phủ có quy định phẫu thuật dạ dày miễn phí cho những người thừa cân để họ có được một cơ thể nhỏ gọn hơn, giúp họ dễ dàng kiếm việc hơn. Cô nói: "Nếu mọi người quá quan tâm đến vấn đề thừa hay thiếu cân thì hãy giúp đỡ và tạo điều kiện cho chúng tôi được thon thả. Phẫu thuật miễn phí là một cách khá hay".
Các căn bệnh đồng hành cùng người béo phì Các nhà tuyển dụng thường không tuyển người béo phì bởi những người béo phì luôn thuộc nhóm có nguy cơ cao đối với một số căn bệnh, ví dụ như huyết áp và tim mạch hay đái tháo đường, như vậy rất khó hoàn thành được công việc được giao. Những người béo phì hay bị các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt và thay đổi huyết áp hành hạ. Một số người bị nặng hơn có thể dẫn tới mất khả năng lao động, thậm chí trở thành phế nhân. Thực chất, béo phì là một dạng bệnh mãn tính, đang trở thành một trong những vấn đề chủ yếu về sức khỏe tại hầu hết các quốc gia công nghiệp phát triển. Béo phì bệnh lý thực sự trở thành nguy cơ vì thường dẫn tới một số bệnh lý nặng khác. Tại Hoa Kỳ, nó là nguyên nhân của khoảng 300.000 ca tử vong hàng năm. |
A.M (Theo Mirror)