Người phụ nữ bị thiên hạ cho là… “vác tù và hàng tổng” bởi gần 20 năm cưu mang chó

Người phụ nữ bị thiên hạ cho là… “vác tù và hàng tổng” bởi gần 20 năm cưu mang chó

Dương Thị Thu Nga

Dương Thị Thu Nga

Chủ nhật, 18/11/2018 07:00

Trong căn nhà 3 tầng trên đường số 40 (P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM), bà Nguyễn Thị Kim Loan (61 tuổi) cưu mang chó hoang đã gần 20 năm và bà dành hẳn tầng trệt làm nơi ở cho hơn 30 con chó.

Người phụ nữ gần 20 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Cơ duyên đưa bà đến việc nuôi nhiều chó là cách đây trên 10 năm, bà thấy chủ căn nhà ở gần nhà bán nhà đi chỗ khác và mang con chó đến trước UBND phường để đó.

Lúc đi chợ qua bà thấy một chú chó đứng bên đường, bà về nấu cơm ăn rồi mang đồ ăn ra cho nó nhưng không thấy, bà hỏi thăm được biết, bà chủ tiệm vàng Ngọc Châu ở gần đấy đưa chó về tắm. Bà Loan đến gặp bà chủ tiệm vàng và ngỏ ý muốn nuôi chú chó này, vậy là chú chó được đưa về nhà bà.

Trước khi bắt đầu nhận “các con” về nhà, bà Loan đã từng làm công việc bị nhiều người cho là rảnh hơi, bao đồng. Cứ chiều chiều, bà lại đến các khu chợ, cửa hàng xin thức ăn thừa, để tối đến mang ra cho chó mèo hoang ăn. Cả những con chó người ta đang nuôi, nhưng trông ốm yếu, bà cũng đút thức ăn vào sân cho chúng. Suốt nhiều năm liền, hàng xóm đã quen với hình ảnh một người phụ nữ tối nào cũng xách xô thức ăn đi khắp nơi, có hôm đến tận gần sáng bà mới về đến nhà.

Rồi nhìn nhiều con chó vô chủ bệnh tật, gầy trơ xương hay ghẻ lở khắp người đi lang thang, bà Loan không đành, nên quyết định mang luôn về nhà chạy chữa, chăm sóc. Bà trở thành khách hàng quen thuộc của một trạm thú y gần nhà. Từ đó hễ có chó bị bỏ rơi, nhân viên trạm lại gọi cho bà. Bà chẳng từ chối con chó nào, cứ thế mà ngôi nhà chung ngày một rộn ràng hơn.

Tuy đôi lúc bực mình vì phải sống chung với chó, suốt ngày nghe tiếng "ăng ẳng" bên tai, nhưng chồng con bà Loan vẫn ủng hộ công việc của bà.

Dân sinh - Người phụ nữ bị thiên hạ cho là… “vác tù và hàng tổng” bởi gần 20 năm cưu mang chó

Bà dành hẳn tầng trệt làm "ngôi nhà chung" cho chó.

Ông Nguyễn Đức Mỹ, chồng bà Loan tỏ vẻ thông cảm:”Cả tuổi trẻ bả đã vất vả, dành cho chồng, con. Giờ ở tuổi xế chiều, bả có niềm vui riêng, cha con tôi không ai nỡ phản đối. Miễn sao bả cảm thấy mãn nguyện là được”.

Và ông Mỹ cũng phải xắn tay, bỏ thời gian phụ người vợ bệnh tật chăm sóc gần 50 sinh linh cơ nhỡ, ít la cà quán xá, đàn đúm bạn bè. Hàng ngày ông Mỹ có nhiệm vụ đi gom thực phẩm người ta cho, mang về nuôi chó.

Anh Nguyễn Đức Thắng, con trai bà Loan hiện đang là Thạc sĩ-bác sĩ khoa phẫu thuật của bệnh viện Hoàn Mỹ, cũng ủng hộ mẹ làm công việc bị thiên hạ cho là… “vác tù và hàng tổng” này.

Dân sinh - Người phụ nữ bị thiên hạ cho là… “vác tù và hàng tổng” bởi gần 20 năm cưu mang chó (Hình 2).

Con trai bà Loan có "nhiệm vụ" dắt cho đi dạo. (Ảnh: Petrotimes)

Bà Loan tự hào: “Đi làm về, con trai tôi còn phải dẫn bầy chó đi dạo, cho chúng ăn. Xong phải điểm danh đủ số, mới an tâm đóng cửa lại. Nó vui vẻ, không than vãn gì".

"Thỉnh thoảng thấy một con chó lạ trong nhà, chỉ hỏi đúng một câu: Lại thêm một con nữa hả mẹ, rồi thôi. Nó đang làm luận án tiến sĩ đó, bận rộn lắm nhưng hằng ngày vẫn không quên nhiệm vụ”, bà Loan kể tiếp về đứa con trai thành đạt.

“Đứa con gái lớn đang định cư ở nước ngoài cũng thường xuyên gọi về nhắc nhở mẹ chăm sóc chó cũng phải biết gìn giữ sức khỏe”, bà Loan khoe.

Đang trò chuyện, bầy chó khủng ùa ra cửa, sủa inh ỏi. Bà Loan cười: "Thằng con trai tôi đi làm về. Tụi nhỏ mừng lắm, sắp được đi chơi đó". Dẫn chiếc xe vào nhà, chào khách, chưa kịp thay đồ, anh Thắng vội vã dẫn bầy chó ra cửa.

Tốn tiền chuộc “các con” vì “cẩu tặc” luôn rình rập đêm ngày

Để tiết kiệm chi phí nuôi đàn chó “khủng”, hàng ngày bà Loan ra chợ xin thịt vụn, đầu cá về nấu. Biết bà Loan vất vả vì những con chó cơ nhỡ, các tiểu thương vui vẻ dành phần, chờ đến giờ chồng bà Loan đến lấy. Chủ tiệm vàng Ngọc Châu (đường Lê Văn Lương, Q.7), cảm kích trước tình yêu thương động vật của người phụ nữ bệnh tật này, hàng tháng hỗ trợ thêm 30 ký gạo.

“Tuy tiết kiệm phần nào tiền thức ăn, nhưng cũng vẫn phải tốn tiền chích ngừa cho tụi nhỏ. Mỗi lần thú y quận gọi báo ngày chích ngừa bệnh dại, tôi lại phải lo rồi. Đếm con quy ra tiền, cũng bạc triệu chứ không ít. Chưa kể là có khi sơ suất, kẻ gian bắt mất một con, còn phải tốn tiền chuộc về”, bà Loan nói.

Một lần bà Loan nằm cấp cứu ở bệnh viện, trở về thấy thiếu mất con Bin. Bà tất tả ra chợ chó ở đường Lê Hồng Phong tìm chuộc. Phải bỏ ra hai triệu rưỡi đồng, mới mang được con chó cỏ về nhà.

Bà kể: “Tôi gặp mấy tên trộm chó hoài. Lần đó vừa tối, chúng đã mon men đến nhà kia, tôi bắt gặp nên hô hoán cho chủ nhà mà không ai ra. May mắn, con chó nghe la quá nên chạy ra phía bờ sông trốn. Không bắt được, chúng nhớ mặt và đâm ra thù tôi. Khuya hôm đó, lúc tôi chưa về, chúng đến nhà lấy đá ném vỡ hết cửa kính”.

Bữa khác, bọn chúng còn rình mò rồi cuỗm mất chó cưng của bà. “Lần đó con Laica vừa chạy ra ngoài đã bị chúng bắt mất. Nghe người ta chỉ, tôi chạy qua Lê Hồng Phong tìm. Có người hỏi tôi đi đâu, xong bảo tôi tả hình dáng đi rồi người ta tìm. Khi tôi về nhà thì họ gọi đến báo giá chuộc chó là 2,5 triệu đồng. Thương quá tôi chuộc về, mới được 1 tuần thì bị bắt nữa. Con Laica chuộc 2 lần. Con Su 1 lần. Còn con Lucy tới tận 3 lần. Đến nỗi tôi biết luôn tên “đầu nậu”, cứ mất chó là gọi cho hắn”, bà kể.

Dân sinh - Người phụ nữ bị thiên hạ cho là… “vác tù và hàng tổng” bởi gần 20 năm cưu mang chó (Hình 3).

"Đứa con" quá cố của bà Loan. (Ảnh: Thanh niên)

Điều khiến bà day dứt nhất vẫn là “đứa con” tên Bin. Con chó giờ đây chỉ còn vỏn vẹn trong hũ tro cốt được bà cất kỹ trong tủ. Bên ngoài chiếc hũ đề rõ: "Thú cưng Bin. Mất ngày: 5/9/2016", như một người quá cố.

Ôm chiếc hũ trong tay, giọng bà trầm xuống: “Bin nó mắc cười lắm, ngoan mà ngố ngố, không bao giờ dám bước ra tới bậc cửa, chỉ ở suốt trong nhà. Nó được 12 tuổi thì bị một cái bướu ác tính. Tôi mang đi chạy chữa, nào ngờ bị di căn. Sau lần mổ cuối cùng thì nó mất… Tôi buồn không chịu nổi, mới cùng con gái mang xác Bin lên Bình Hưng Hòa thiêu. Giờ nhớ nó thì đành mang hũ cốt ra trò chuyện”.

“Đàn con” của bà Loan đã từng bị hàng xóm than phiền vì nghe tiếng chó đến mất ngủ, thậm chí có người còn gửi đơn kiện. Chính quyền phường Tân Phong cũng đã xuống tận nơi làm việc, nhắc nhở, nhưng khi biết bà Loan nuôi chó từ thiện, không mục đích kinh doanh nên chỉ nhắc nhở để bà quản lý chúng kỹ hơn. Bà Loan cũng đảm bảo tiêm phòng đầy đủ, không thả rông gây mất vệ sinh công cộng, nên rồi mọi người cũng dần thông cảm.

Nuôi đàn chó “khủng”, mỗi ngày bà Loan phải nấu đến 2 kg gạo. Cảm kích trước tấm lòng ấy, hằng tháng, chủ tiệm vàng Ngọc Châu (đường Lê Văn Lương, Q.7, TP.HCM) đã hỗ trợ 30 kg gạo cho bà Loan. Bà Châu cũng đang cưu mang hơn chục chú chó mèo hoang, nhưng vì không tiện nuôi thêm nên bà luôn giúp đỡ bà Loan làm công việc này.

Phong Linh (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.