"Bà tiên" nhân hậu của những mảnh đời bất hạnh
Chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Thu Hương (43 tuổi) tại bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) trong một chiều mưa tầm tã. Vừa ngồi nói chuyện với chúng tôi không được bao lâu thì có hai thanh niên chạy xe máy tới trước nhà chị gọi: "Mẹ ơi! Giúp chúng con với, có nhiều người bị máy cắt đứt lìa ngón tay trong lúc đang làm việc nhưng không nơi nào giải quyết cho chúng con cả".
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng chuyện của những người lao động tứ xứ về đây làm việc nhưng khi bị tai nạn, họ không một ai chịu giúp đỡ, không biết trông chờ ai vậy là họ tìm đến mẹ Hương. Trước những cảnh ấy chị lại dang rộng vòng tay, tìm cách giúp đỡ. Chị nói trong rơm rớm nước mắt: "Đôi bàn tay của các con tôi đã bị cụt rồi, tôi không thể đem lại đôi bàn tay lành lặn được, nhưng tôi muốn các con có niềm tin vào con người, về lòng thương yêu. Tôi không muốn sau này các con tôi dạy con của chúng rằng ngày ấy, khi ba bị mất những ngón tay này, không ai giúp ba. Vậy thì những thế hệ sau nữa họ sẽ mất đi niềm tin vềâ lòng yêu thương con người, khi ấy xã hội của chúng ta sẽ thật nhẫn tâm”.
Chị Thu Hương quan niệm rằng, yêu thương là cách để con người trở nên hoàn thiện hơn.
Chị Hương từng "gõ cửa" tìm đến nhiều nơi để tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng không phải nơi nào cũng chịu giúp chị. Thậm chí, thứ mà chị nhận được còn có cả những lời nói đe dọa, có người đã nói thẳng với chị rằng: "Muốn sống yên thân, thì đừng dính vào những chuyện này" như một câu để cảnh cáo. Vì giúp người tìm lại sự công bằng mà có đôi khi chị là cái gai trong mắt của nhiều người. Tuy vậy, chị Hương vẫn kiên trì chọn sứ mệnh sống vì người khác. Biết nhiều người dân trong xã nay yếu mai đau, nên chị bỏ công sức đi học châm cứu. Ngày chị học châm cứu thành công, cũng là lúc chị một mình lặng lẽ đến từng nhà châm cứu miễn phí cho bà con. Nhiều người sau khi được châm cứu đã khỏe lên hẳn khiến chị mừng lắm. Chị Hương tâm sự: "Mỗi lần giúp được ai là thấy lòng mình sung sướng lắm. Nên dù cho bị nhiều người chửi hay không nghĩ tốt về mình, tôi đều mặc kệ mà luôn chú tâm vào việc của mình".
Bãi rác xã Đông Thạnh giờ cây cối đã mọc lên tươi tốt, nhưng trước đây nó từng là một nơi rất khủng khiếp. Mùi rác rưởi bốc lên hôi thối dữ dội, ruồi nhặng thì bay khắp nơi. Nguồn nước ở trong vùng ít nhiều cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, khiến nhiều người dân trong vùng mắc bệnh ung bứu chạy chữa tốn kém. Nhiều gia đình vì khó khăn nên không có tiền mua được bình nước lọc uống.
Nghĩ rằng do mọi người uống nước không sạch nên bị bệnh vậy là chị tìm cách để dành tiền túi, khi gom góp được một ít, là chị chạy đi mua bình lọc nước về tặng các nhà trong xóm. Bây giờ, đi nhiều nhà trong xã sẽ thấy chiếc bình nước nghĩa tình mà chị tặng được đặt trân trọng trong từng nhà dân. Giúp đỡ nhiều người, nhưng chị không bao giờ đắn đo suy nghĩ thiệt hơn. Chị Hương hiền hòa nói: "Hãy để trái tim, khối óc của mình ở trạng thái yêu thương chứ đừng nghĩ ngợi gì thêm".
Dù vẫn còn nghèo, nhưng chiều nào cũng vậy, mỗi lần nấu cơm chị lại nấu một nồi thật lớn để ai qua đường đói bụng, đều có thể vào nhà chị dùng cơm. Những buổi cơm gia đình vì thế nên lúc nào cũng đông đúc và rộn tiếng cười. Trong căn nhà nhỏ, chị Thu Hương còn nhận nuôi mấy người con. Mỗi đứa con là một hoàn cảnh khác nhau. Và dù không đứt ruột sinh ra, nhưng chị luôn yêu thương con bằng một tình yêu chân thành như con đẻ của mình. Chị luôn dạy con học cách yêu thương và cho con ăn học tới nơi tới chốn.
Chị Hương tâm sự, đến khi nào con học thành tài rồi chị mới có thể yên tâm được. Hỏi chị đã nuôi bao nhiêu người con rồi, chị lắc đầu cười hiền từ bảo không nhớ rõ. Khi đứa này trưởng thành, chị lại tiếp tục nhận nuôi đứa khác, nên cũng chẳng nhớ được bao nhiều người.
Đường vào bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM).
Mẹ bị ung thư, con bị bệnh xương thuỷ tinh vẫn xả thân vì việc nghĩa
Là một người luôn giúp đỡ người khác lúc khó khăn, nhưng điều khá ngạc nhiên là chị cũng không có nguồn thu nhập ổn định. Không chỉ vậy, trong người chị còn bị bệnh như nang thận, u xơ tử cung, cách đây không lâu chị cũng đi mổ bướu cổ. Nói về cuộc đời mình chị Hương cho biết: "Cuộc đời tôi từng có những lúc khổ sở kinh khủng. Tôi đã phải sống lay lắt vì không biết bao nhiêu lần bán nhà để chữa bệnh cho con (con chị mắc bệnh xương thủy tinh - PV). Hiện tôi mưu sinh bằng rất nhiều nghề từ đi làm thuê, viết kịch bản, làm phim, viết sách... Đối với tôi, việc nào tôi cũng không từ chối, miễn là nó lương thiện".
Chị Hương chia sẻ: "Thử nhìn xung quanh mình còn biết bao người đau khổ hơn, khi ấy mình sẽ thấy nỗi đau của mình không là gì cả". Khi đứa con trai duy nhất của chị bị bệnh xương thủy tinh. Để có tiền chữa bệnh cho con, chị phải bán thứ tài sản đáng giá nhất của mình đó là ngôi nhà. Từ ngôi nhà to, chị bán đi để về một nơi xa hơn với ngôi nhà nhỏ hơn. Cứ như thế, chị trôi dạt khắp nơi và phải dừng chân ở bãi rác xã Đông Thạnh, để rồi "nhập tịch" thành cư dân của bãi rác. Tuy giúp được nhiều việc cho bà con, nhưng lúc nào chị cũng tự nhận mình là một người bé mọn trong xã hội. Chị bảo: "Đừng bao giờ cho mình là hoàn thiện, phải cố gắng sống tốt trong từng ngày".
Nói về mình, chị vẫn rất khiêm tốn: "Trong cuộc sống không cần phải hướng đến hình tượng một anh hùng, chỉ cần mình yêu thương hết mình, sống hết mình với những người bên cạnh từng ngày, đã là một việc tốt rồi. Mọi người xung quanh chúng ta đều là con người, nên khi đối xử với họ hãy nghĩ đó như là những người ruột thịt. Bạn cứ nghĩ việc gì cũng phải tìm cho mình một chữ tình, thì mình sẽ làm tốt hơn. Còn lúc nào cũng nghĩ mình hoàn thiện và muốn tôn vinh thì sẽ dễ sa ngã".
Dù nhiều lần chị được mời ra Hà Nội để tuyên dương, cũng được mời ở trong những khách sạn cao cấp. Nhưng chỉ được một đêm là chị lại quay về với "bãi rác". Với chị đây là nơi thiêng liêng hơn bao giờ hết, nơi chị được sống và làm nhiều việc có ích vì người khác. Nhiều người chạy theo xa hoa ở chốn đô hội, thì chị lại tìm ở bãi rác những trái tim cùng nhịp đập. Bởi với chị trái tim nhân hậu của chị mới chính là thứ quý giá nhất trong cuộc đời, là thứ nếu không biết yêu thương dù có tiền muôn bạc triệu thì cũng không mua được. Câu chuyện về chị đúng là câu chuyện về một cổ tích có thật ở giữa đời thường ồn ã...
Hợp Phố - Hạ Du