Ngược dòng định kiến
Bước sang tuổi 42, VĐV Mỹ Linh vẫn căng tràn nhựa sống và hăng say tập luyện. Không chỉ vậy, chị còn truyền lửa cho những bạn trẻ yêu thích bộ môn thể hình, tạo cho các bạn một môi trường thể thao lành mạnh, vui tươi, đầy nhiệt huyết. Từ lâu, những khái niệm mệt mỏi, buồn bã đã không gây áp lực, hay chiếm quá nhiều thời gian cũng như xuất hiện trong ý nghĩ và cuộc sống của người đẹp "kiến càng" Mỹ Linh. Để sống với đam mê thể hình, chị đã vượt qua rất nhiều khó khăn, đến nỗi nước mắt không thể chảy và chân không thể khụy xuống.
Ngoài khuôn mặt nữ tính, xinh đẹp, đôi mắt dịu dàng, hút hồn, Mỹ Linh sở hữu một cơ thể rắn chắc đến đàn ông cũng còn thua xa về mặt cơ bắp. Khi người ta "chê" giống đàn ông, chị không buồn, không tự ái và không hề nghĩ đến việc từ bỏ việc rèn luyện cơ bắp. Chị có một tình yêu kỳ lạ với những khối tạ và niềm tự hào khôn tả về các nếp cơ cuồn cuộn trên cơ thể: "Tôi không nghĩ những khối tạ, những cục sắt kia vô hồn. Tôi yêu những khối sắt đó và tôi tin chúng cũng có cảm xúc, có sự vận động, sự sống. Chúng chuyển động không ngừng. Khi tôi lấy chúng ra tập, tôi và viên tạ làm thành một, tạ sẽ chuyển động theo tâm của tôi. Tâm tôi tĩnh, những viên tạ cũng tĩnh. Tôi bất ổn, tôi không yêu chúng nữa thì chúng cũng bất ổn và quay lại làm hại tôi".
"Khi tập luyện, bạn không tập trung cao độ, ngay lập tức bạn bị nội thương. Việc rách cơ, đau cơ rất bình thường với những vận động viên thể hình. Mỗi lần bị thương, vận động viên mất ít nhất 10 ngày để bình phục. Sự ngưng trệ ấy khiến sức nóng trong cơ thể giảm đi, khi quay lại tập luyện rất khó khăn và giảm phong độ. Đàn ông chơi bộ môn này khó một thì phụ nữ gặp khó khăn đến mười. Ngoài sức khỏe dẻo dai để tập luyện, phụ nữ còn bị chi phối về mặt tình cảm, quán xuyến việc gia đình, chăm sóc con cái. Điều khó vượt qua nhất, dễ đầu hàng nhất là định kiến của xã hội và ngay cả người thân bên cạnh mình".
ĐV Mỹ Linh đang hướng dẫn học trò tập luyện. Ảnh Hà Nguyễn.
VĐV Mỹ Linh nhớ lại những ngày đầu chật vật thuyết phục từng người trong gia đình: "Tôi sinh ra trong gia đình võ thuật, mang hai dòng máu Việt-Ấn. Từ bé, tôi đã gắn với những đường quyền, binh khí và những bài học về công dung ngôn hạnh. Năm 18 tuổi, tôi đã thành võ sư thái cực quyền và nhu đạo được nhiều người nể trọng và có mấy trăm môn sinh theo học. Ba tôi muốn tôi nối nghiệp võ nhưng tôi lại thích thể dục nhịp điệu và aerobic". Cuộc sống dần trôi, chị đến với thể hình như cái duyên khó tránh. Dẫu chồng chị, anh Nguyễn Văn Lực một huấn luyện viên thể hình vẫn khó tránh những ác cảm khi vợ mình theo nghiệp "khoe cơ".
"Ban đầu, anh không cho tôi tập luyện, nói tôi có con cái rồi làm sao bước lên sàn mặc áo hai mảnh cho thiên hạ nhìn, rồi bình luận. Mẹ tôi cũng cấm cản, khóc lên khóc xuống. Nhưng thấy quyết tâm của tôi lớn quá, không ai ngăn cản được nên quay sang động viên và ủng hộ hết mình", Mỹ Linh cho biết. Chị đến với thể hình khi ở tuổi 33, cái tuổi "xế chiều" của người vận động viên. Nhưng chị vẫn tỏa sáng và cố gắng vượt qua thử thách, chông chênh của nghề. Một môn thể thao đã nặng trong tập luyện, lại khó khăn trong chế độ ăn uống mà chị yêu nó, cười vui với nó mỗi lần tập luyện.
Tỏa sáng sau nghi án dùng doPping
Chế độ ăn khắc nghiệt của vận động viên thể hình VĐV Mỹ Linh chia sẻ: "Tôi không được ăn vặt. Những món ngon đều bị cấm trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho giải đấu. Khẩu phần ăn của một vận động viên thể hình khi vào mùa giải bao gồm: 2kg tôm sú, 2kg thịt gà, 2kg táo, các loại rau củ và chất xơ... Khổ nhất, tôi phải ăn nhạt tất cả các loại thức ăn ấy. Thực sự, những thứ đó rất khó nuốt khi không được chế biến vừa miệng. Tôi phải lấy táo ăn với tôm để có vị chua chua ngọt ngọt dễ nuốt. Không chỉ mùa giải, những ngày thường, tôi cũng tự đảm bảo chế độ ăn cho hợp lý để không tăng cân. |
Miệt mài tập luyện rồi thi đấu, VĐV Mỹ Linh mang về rất nhiều huy chương vàng cho đoàn thể thao Việt Nam ở các giải trong nước và thế giới. Năm 2004, sau ba năm đến với bộ môn thể hình, chị tham gia thi đấu lần đầu tiên một giải mang tầm châu lục. Chị đã giành ngay chiếc huy chương bạc vô cùng quý giá ở hạng cân 52kg của giải Vô địch Châu Á. Liên tiếp những năm sau đó, chị đều đạt được thứ hạng cao nhất của giải ở khu vực Châu Á. Bất ngờ, một tai nạn nghề nghiệp không may đã chọn người phụ nữ mạnh mẽ, làm bước thử chứng minh khả năng vực dậy tinh thần của một vận động viên chuyên nghiệp.
Năm 2008, giải Vô địch thể hình châu Á chứng kiến phong độ đỉnh cao của người đẹp "kiến càng" đến từ Việt Nam Mỹ Linh. Chị xuất sắc lấy lại ngôi vương chỉ sau một năm đứng ở vị trí thứ hai. Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn, ban tổ chức giải thông báo VĐV Mỹ Linh đã sử dụng chất kích thích trong quá trình thi đấu. Chị dính vào án doping với lý do mà chính chị cũng không biết: "Để chuẩn bị cho mùa giải Châu Á, tôi phải ăn kiêng nên bị đau thắt lưng và bí đường tiểu. Tôi đã đến bệnh viện 115 (TP.HCM) để khám bệnh và được các bác sỹ cho 5 ngày thuốc. Tôi không ngờ trong số thuốc đó có chứa chất cấm sử dụng trong thi đấu thể thao. Sự thiếu hiểu biết ấy khiến tôi bị sốc mà hình ảnh của đội, danh tiếng của đất nước cũng bị ảnh hưởng".
Lần đó, chị bị cấm thi đấu 2 năm. Nhưng chị đã chứng minh được mình chỉ vô tình sử dụng thuốc có chất cấm nên được giảm án kỷ luật xuống còn một năm. Thế nhưng, những đàm tiếu, của người trong nghề lẫn người ngoài chưa hiểu nội tình cứ đeo mang chị. Chị nhớ: "Ngày xảy ra biến cố đó, tôi chỉ biết trách sự dại dột và thiếu hiểu biết của mình rồi khóc. Cả nhà tôi ai thấy tôi trong hoàn cảnh đó cũng đồng loạt bắt tôi giải nghệ lo cho gia đình. Nhưng tôi vốn dĩ sinh ra để đứng dậy và vượt qua khó khăn, “bơi” trong dòng nước ngược. Tôi không chịu đầu hàng số phận mà lại lao vào tập luyện để chờ ngày thoát án, rửa sạch tiếng nhơ".
Với những nỗ lực tập luyện quên ngày tháng, VĐV Mỹ Linh trở lại thi đấu ngay khi hết án phạt. Và ngay lập tức, chị đã giành được những huy chương quý giá và khẳng định một cách mạnh mẽ, chính trực tên tuổi của mình bằng cú đúp khi đăng quang tại giải Vô địch Châu Á và giải Vô địch Thế giới.
Truyền lửa cho thế hệ sau
Khi tên tuổi được khẳng định, con đường trở lại của VĐV Mỹ Linh càng tràn đầy năng lượng. Chị chia sẻ: "Tôi không dám nhận mình làm huấn luyện viên của các em. Tôi thấy mấy đứa quý mình và có niềm đam mê, khao khát trở thành vận động viên thể hình nên tôi nhận các em vào nhóm để hướng dẫn. Tôi không nhiều tiền nhưng sẵn sàng bán sợi dây chuyền đang đeo để đóng học phí cho các em học tại trung tâm thể thao Lan Anh. Đam mê của các em đã chạm đến trái tim đồng cảm của tôi. Thế nên, tôi rất sẵn lòng bỏ qua những giá trị vật chất để nhận được giá trị tinh thần các em mang đến. Thấy các em hăng say tập luyện, tôi không còn niềm vui nào lớn hơn".
Mỹ Linh sẵn sàng bỏ công, bỏ sức hướng dẫn cho các em mà không lấy một đồng học phí. Chị hết lòng chăm lo cho đời sống của từng em trong nhóm. Bạn nào chưa có chỗ trọ, hai vợ chồng chị tất tả liên hệ với người quen thuê cho các em. Bạn nào không có việc làm, chị tạo điều kiện lấy hàng thực phẩm chức năng về cho bạn đó bán. Anh Thái Hoàng Minh, người được chị Linh giao trách nhiệm làm anh cả bảo ban cho các em chia sẻ: "Dù mới theo cô có một tháng, nhưng chúng tôi có cảm giác rất thân thuộc. Cô rất hòa đồng và nhiệt tình. Có bao nhiêu kinh nghiệm, cô sẵn sàng truyền dạy hết. Cô cũng rất nghiêm khắc trong tập luyện. Học theo cô, chúng tôi luôn cố gắng rèn luyện để sớm có sự phát triển trong đam mê đã chọn".
Ngọc Lài - Hà Nguyễn