Người phụ nữ đặc biệt xứ Huế

Người phụ nữ đặc biệt xứ Huế

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Được xem là nhà vườn có kiến trúc độc đáo từ thời xa xưa để lại, nhà vườn An Hiên là nơi lưu giữ những nét văn hóa độc đáo ở cố đô Huế mà nhiều nhà vườn khác không giữ lại được. Nhưng khi nhắc đến nhà vườn này không thể không nhắc tới bà Đào Thị Xuân Yến người phụ nữ có một không hai ở đất Huế, người có công xây dựng, gìn giữ và bảo tồn nhà vườn.

Ngôi nhà vườn độc đáo

An Hiên, cái tên của nó có nghĩa là: Mái nhà bình an. Nhà vườn đặc biệt này nằm ở địa chỉ 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, thôn Xuân Hòa, xã Hương Long, ngôi nhà hướng mặt ra dòng sông Hương thơ mộng và nằm gần chùa Thiên Mụ.

Sự kiện - Người phụ nữ đặc biệt xứ Huế

Nét đẹp độc đáo của nhà vườn

Trước năm 1895, nguyên là Phủ của Công chúa thứ 18 con vua Dục Đức. Sau năm 1895 thì được nhường lại cho ông Phạm Đăng Thập, con trai của một thần thời Gia Long. Năm 1920 Phủ nhường lại cho ông Tùng Lễ. Năm 1936 Phủ lại qua tay Tuần vũ Nguyễn Đình Chi. Ông Tuần vũ mất, bà Đào Thị Xuân Yến (Vợ Tuần Vũ), người con gái tài giỏi, chung thủy, sau này là Hiệu trưởng trường Đồng Khánh, đại biểu Quốc hội khóa VI, khóa VII và Ủy viên Ủy ban TW MTTQ Việt Nam thừa kế. An Hiên vì vậy gắn liền với tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của vị chủ nhân, một nhà hoạt động chính trị xã hội tích cực, một nhân sĩ yêu nước có nhiều công lao đóng góp với quê hương Huế.

Khuôn viên nhà vườn An Hiên có diện tích 4.608 m2, được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của Việt Nam và của xứ Huế. Với một bố cục chỉnh chu, các công trình kiến trúc tuy không nhiều nhưng đều được sắp xếp một cách có quy chuẩn. Ở giữa khu vườn là ngôi nhà được chạm trổ và trang trí nội thất hết sức mẫu mực, quy củ. Chức năng chủ yếu của ngôi nhà cổ này là dùng để thờ phụng và tiếp khách, ở gian chính giữa được thiết trí các bàn thờ theo nguyên tắc "tiền phật hậu linh". Lối đi từ cổng vào nhà dài đến 34m được viền bằng 2 dãy cây bạch mai ở hai bên đan ngọn vào nhau tạo ra một chiều sâu hun hút, một ấn tượng thâm nghiêm và thanh tĩnh.

Ngôi nhà được trang hoàng những bàn ghế cổ, tủ chè xưa và treo nhiều hoành phi câu đối mang những nội dung văn học nghệ thuật và đạo lý thật sâu sắc. Trước sân nhà là cái bể cạn rất lớn và tấm bình phong xây bằng gạch khá rộng: Vừa biểu thị cho những yếu tố của thuật phong thủy trong kiến trúc, vừa làm gia tăng các giá trị thẩm mỹ của tổng thể công trình. Ngôi nhà được bao bọc bởi những hàng cây ăn quả đặc trưng của xứ Huế và của nhiều vùng miền khác nhau và trăm loài hoa quý, thay nhau đơm trái cả bốn mùa. Vườn có nhiều loại hoa, dân dã có các loại nhài, lý, thạch lựu, mặt trời, tường vi và các giống hồng bản địa, quí phái như các loại thổ lan và phong lan, và bên cạnh những khóm hồng hiện đại nhập giống từ các hang nổi tiếng ở châu Âu, người ta còn có thể nhìn thấy một bụi hoa sim dại. Đặc biệt có cây Trà Mi do Hội hoa Nhật Bản tặng. Khu vườn ở đây suê cây trái ngọt quanh năm: Măng cụt, sầu riêng, hồng, vải thiều....

Cổng nhà vườn được xây theo hình vòm cổ kính, nóc mái trang trí hình hổ phù, hai bên có hoa văn cách điệu. Chính giữa cổng, ở mặt ngoài, bên dưới mái là bức hoành cuốn thư đắp nổi ốp tường, biển ngạch đề hai chữ Hán: An Hiên khảm sành hai màu xanh trắng trên nền tường đen. Phía trên hai bức hoành còn có hai con dơi nằm đối xứng sãi cánh nhìn xuống cổng. Sát dưới bức hoành là hình hổ phù nhiều màu sắc, dáng thanh thoát, nhẹ nhàng đặt nằm trong hình bán nguyệt.

Sự kiện - Người phụ nữ đặc biệt xứ Huế (Hình 2).

Chị Nguyễn Thị Thạnh người quản lý nhà vườn đang giới thiệu nhà vườn cho khách

Người đàn bà đặc biệt

Nữ chủ nhân nổi tiếng của ngôi nhà vườn An Hiên bà Nguyễn Đình Chi (tên thời con gái là Đào Thị Xuân Yến) với tên gọi bà Tùng Chi. Sinh ra ở Bình Định, nhưng bà Nguyễn Đình Chi yêu Huế với một tình yêu đặc biệt. Cả đời bà, ngoài việc thờ chồng, nuôi con và đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thì việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa Huế và các giá trị truyền thống của Huế là điều mà bà quan tâm hơn mọi thứ.

Chồng của bà là ông cử Nguyễn Đình Chi (sinh năm 1888). Ông đỗ Cử nhân năm 1912 dưới triều Duy Tân. Ông Nguyễn Đình Chi góa vợ sớm, nên phải sống cảnh gà trống nuôi con khi cậu con trai mới biết đi chập chững. Khi ông cử Nguyễn Đình Chi được bổ vào làm Tri huyện An Nhơn (Bình Đình), hằng ngày ông thường đi xe ngựa đến Huyện đường ở phía Tây Bắc thành phố Quy Nhơn bây giờ. Trên đường đi ông cử Chi bắt gặp hình ảnh một gia đình tình nguyện để nước ngoài đường cho khách bộ hành uống. Cảm phục trước tấm lòng của họ, ông đã tìm đến nhà và thăm hỏi gia đình đó. Kết quả cuối cùng ông đã lấy cô Đào Thị Xuân Oanh (sinh năm 1903). Bà là một trong sáu người con của cụ Đào Thái Hanh – Tham biện Viện cơ mật, một vị quan rất nổi tiếng dưới triều Duy Tân đã mất năm 1916. Ông hết mực lo cho gia đình và các em của vợ. Ông nuôi hai người em út của gia đình vợ là Đào Thị Xuân Yến (sinh năm 1909) và Đào Thị Xuân Nhạn (sinh năm 1910) ra học nội trú ở trường Đồng Khánh (Huế).

Nhưng số ông lận đận. Sau mấy năm hương lửa hạnh phúc, bà Xuân Oanh qua đời vào năm 1934. Ông Tuần hết sức đau đớn và phải tiếp tục cảnh gà trống nuôi con.

Khi đó, bà Đào Thị Xuân Yến đã đỗ tú tài, trở thành người phụ nữ Trung Kỳ đầu tiên có bằng tú tài. Rất nhiều quan lại trẻ, trí thức ở Hà thành và Kinh đô Huế muốn được kết duyên với bà. Nhưng bà đã lặng lẽ chọn chính anh rể của mình để lấy làm chồng dù người anh rể chưa bao giờ ngỏ ý. Bà muốn mình thay chị và gia đình trả ơn cho người anh rể.

Nhưng bà chỉ chung sống với ông Tuần Chi được 5 năm thì ông đổ bệnh nặng rồi qua đời. Bà đưa chồng về an táng tại quê nhà Chí Long, trở thành quả phụ khi mới ngoài 30 tuổi. Kể từ đó bà thủ tiết thờ chồng, nuôi mẹ, nuôi con chồng và nuôi một người con gái ăn học cho đến khi trưởng thành. Tâm sự về lý do thủ tiết thờ chồng, bà nói: “Tôi lấy ông Tuần vì sự kính trọng, lấy để bù đắp nỗi mất mát hạnh phúc gia đình của ông, để giúp ông nuôi người con nối dõi tông đường. Lấy ông Tuần để trả ơn ông đã cưu mang gia đình tôi. Tôi phải chung thủy trọn đời với cái nghĩa ấy”.

Sự kiện - Người phụ nữ đặc biệt xứ Huế (Hình 3).

Bà Đào Thị Xuân Yến – người phụ nữ có một không hai ở xứ Huế

Là người giỏi giang nhưng cuộc đời bà phải trải qua nhiều gian truân. Khi còn học ở trường nữ sinh Đồng Khánh, bà luôn đứng ở vị trí nhất, nhì lớp. Khi bà học năm thứ 3 trường Đồng Khánh, thì cũng là lúc Nhà yêu nước Phan Bội Châu bị bắt. Bà đã được là người đại diện cho học sinh Đồng Khánh năm thứ 3 đến thăm cụ Phan Bội Châu tại nơi cụ bị quản thúc. Năm 1927 bà bị “đuổi học vĩnh viễn ra khỏi trường Trung học Đồng Khánh vì đã tham gia tích cực vào cuộc bãi khóa ngày 27/4/1927”. Sự việc liên quan đến một học sinh Nguyễn Chí Diễu khi bị thầy Pháp nhục mạ là đồ “sale race” – nòi giống dơ bẩn. Cậu học trò này cãi lại và bị đuổi ra khỏi lớp. Bà đã cùng nhiều học sinh viết đơn phản đối việc đuổi học Nguyễn Chí Diễu.

Năm 1933, bà vẫn đậu kỳ thi Tú tài tại trường Albert Sarraut, trở thành người phụ nữ Trung kỳ đầu tiên có bằng Tú tài Tây. Bà hiên ngang trở lại trường Đồng Khánh với vị thế một cô gái, rồi trở thành Hiệu trưởng trường Đồng Khánh (bà là người phụ nữ Việt Nam thứ 3 nắm giữ cương vị này).

Năm 1968, bà đã bỏ lại khu nhà vườn An Hiên để thoát ly tham gia kháng chiến. Bà là người giỏi nhiều thứ tiếng như Pháp, tiếng Anh, Hán lại có phong cách quý phái Việt Nam, bà thường dẫn nhiều đoàn ngoại giao ra nước ngoài vận động thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam, tiếp xúc với nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Không có bất cứ một người phụ nữ thứ hai nào ở miền Nam Việt Nam có thể so sánh với bà.

Tuy bà đã mất đi nhưng mỗi khi đi qua ngôi nhà vườn An Hiên đã không còn bóng dáng bà, người ta vẫn luôn cảm nhận thấy bà luôn ở đó, trong từng gốc cây, ngọn cỏ, từng bông hoa ở An Hiên. Với nhiều người Huế, bà là người phụ nữ Huế nhất trong tất cả những người phụ nữ Huế.

Kim Long


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.