Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, trong vụ việc này cần xác định hành vi đỗ xe của chủ xe có đúng quy định pháp luật giao thông hay không, khu vực đỗ xe có thuộc khu vực cấm đỗ hay không và có cản trở hoạt động tham gia giao thông hay sinh hoạt của người khác hay không. Nếu chủ xe có hành vi vi phạm này thì là đáng trách và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm.
Tuy nhiên kể cả trong trường hợp chủ xe có hành vi vi phạm thì người phát hiện sự việc hoặc có liên quan chỉ được phép nhắc nhở hoặc báo cơ quan chức năng xử lý. Pháp luật không cho phép cá nhân tự ý đập phá, hủy hoại tài sản của người khác trái phép.
Hành vi của người phụ nữ cầm búa đập liên tục vào chiếc xe ô tô gây hậu quả hư hại lớn như vậy là có dấu hiệu tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác quy định tại Điều 178, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017.
Theo đó nếu giá trị tài sản thiệt hại từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì người có hành vi vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nếu hành vi gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tuy nhiên việc quyết định hình phạt ngoài căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự nêu trên thì còn cân nhắc đến tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu trong vụ việc này, nguyên nhân dẫn đến hành vi hủy hoại tài sản của người phụ nữ là do nóng nảy, thiếu hiểu biết hoặc có lỗi một phần của chủ xe thì hình phạt có thể giảm nhẹ hơn.
Ngoài ra, người phụ nữ còn có trách nhiệm dân sự phải bồi thường thiệt hại cho chủ xe.
Qua vụ việc này, luật sư Cường cũng nhấn mạnh rằng đây chính là bài học cho nhiều người trong các hành vi ứng xử hàng ngày, cần nâng cao ý thức tìm hiểu các quy định của pháp luật, đừng vì quá nóng giận hoặc thiếu hiểu biết mà dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Như đã đưa tin, ngày 15/1 một tài khoản đăng tải một clip trên mạng xã hội có nội dung về một người phụ nữ lớn tuổi đã dùng búa đập liên hồi vào đầu chiếc xe sang Mercedes Benz AMG trị giá khoảng 2 tỷ đồng vì lý do chiếc xe này đậu chắn trước cửa. Cả kính, đèn, phần mui xe đều bị vỡ, hư hại lớn. Chiếc xe còn bị dính cả sơn đen.
Ngay sau đó, lực lượng công an đã có mặt để giải quyết vụ việc. Người phụ nữ đã bị triệu tập lên cơ quan công an để xử lý.
Theo Điều 178, Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017: "Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" được quy định như sau:
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, tài sản là di vật, cổ hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa hoặc tài sản trị giá dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
h) Tái phạm nguy hiểm.