Vì tình yêu thương và nỗi khao khát kiếm một đứa con trai cho chồng khiến cho người phụ nữ ở miền Tây xứ Nghệ đi đến một quyết định mà hiếm người phụ nữ nào dám làm đó là… cưới vợ cho chồng. Nhưng lạ lùng thay, mấy chục năm chung sống, hai người vợ ấy xem nhau như chị em ruột và hết lòng chăm sóc chồng chu đáo.
Đi hỏi vợ cho chồng
Người phụ nữ cao thượng đó là bà Lương Thị Sâm (SN 1959) trú tại bản Cướm, xã Diên Lãm, huyện Qùy Châu (Nghệ An). Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, nhưng lúc xưa bà Sâm là một thiếu nữ có dáng người phổng phao, xinh đẹp lại siêng năng nên lọt vào tầm ngắm của rất nhiều chàng trai. Sau rất nhiều đắn đo, người thiếu nữ dân tộc Thái này đã lựa chọn chàng trai là Lữ Văn Bằng, trú cùng bản. Hai gia đình cùng cảnh ngộ nên đám cưới nhanh chóng được tổ chức trịnh trọng với nhiều lời chúc mừng từ người dân trong bản.
Ngôi nhà hai bà vợ và một ông chồng đang sinh sống.
Cuộc sống gia đình trôi qua rất hạnh phúc. Năm 1980, bà Sâm sinh con gái đầu lòng trong niềm vui sướng của hai gia đình. Có đứa con gắn kết nên hai vợ chồng ngày càng thương nhau hơn. Ông Lữ Văn Bằng ngày càng cố gắng đi làm nương rẫy, mở thêm diện tích đất để canh tác mong cuộc sống gia đình sung túc hơn. Biết chồng nghĩ, nhưng bà Sâm không biết làm thế nào cả, chỉ mong đứa tiếp theo sẽ là một thằng cu cho chồng yên lòng. Nhưng hạnh phúc một lần nữa lại không mỉm cười với bà, bởi lẽ, đứa con thứ ba vừa sinh ra đã bị chết. Càng thất vọng sau lần thứ ba sinh nở, bà Sâm bị bệnh và cơ thể suy yếu trông thấy.
Bà đã đi chữa bệnh rất nhiều thầy lang trong và ngoài bản nhưng tất cả đều vô vọng. Hi vọng bao nhiêu, bà càng thất vọng bấy nhiêu, bởi nhiều năm trôi qua nhưng bà không thể sinh con cho chồng được nữa. Biết nguyên nhân, mình không thể sinh con cho chồng, nhiều lần bà đã khuyên chồng đi lấy vợ lẽ nhưng chồng bà vẫn nhất quyết từ chối, bởi cứ hi vọng vợ mình sẽ sinh nở được nữa. Thêm vào đó, lấy vợ hai là vi phạm luật hôn nhân gia đình nên chồng bà không làm cái điều phạm pháp và vô tình đó.
Nhưng bố mẹ chồng, anh em họ hàng nói ra nói vào, càng khiến bà Sâm suy nghĩ nhiều hơn. Khuyên chồng không được, bà đi đến một quyết định gây sốc, đó là đi tìm vợ hai cho chồng. Người phụ nữ bà nhắm đến không ai khác, đó là chị Lô Thị Nguyệt (SN 1976) trú ở bản bên. Chị Nguyệt cũng rất hoàn cảnh khi bị chồng đuổi ra khỏi nhà để đi lấy vợ khác. Thấy chị Nguyệt là người hiền lành chăm chỉ nên bà quyết định đem trầu cau sang hỏi vợ cho chồng. "Lúc đầu, tôi suy nghĩ nhiều lắm, cứ do dự mãi, nhưng nghĩ chồng không có con trai nối dõi nên tôi cắn răng đưa lễ vật sang hỏi vợ lẽ cho chồng. Mọi người trong bản ai cũng nói tôi dở hơi, thần kinh nhưng tôi mặc kệ. Tình cảm vợ chồng gắn bó với nhau mấy chục năm, ai muốn làm việc đó nhưng gánh nặng có đứa con trai nối dõi cho chồng nên tôi đã quyết định như vậy" - chị Sâm tâm sự.
Bà Sâm kể về quyết định không giống ai của mình.
Chuyện đời của cuộc tình tay ba
Đáng lẽ ra, san sẻ chồng mình cho người khác bà Sâm sẽ buồn và sinh ra chán nản nhưng ngược lại, bà rất vui vẻ và đối xử với chị Nguyệt rất tốt. Thậm chí, họ còn xem nhau như chị em ruột. Mong chị Nguyệt có con sớm nối dõi tông đường cho chồng nên tất cả mọi công việc trong nhà, bà Sâm đều dành lấy phần mình. Khổ mấy bà Sâm cũng chịu mong sao, vợ hai sớm sinh cho chồng một quý tử để thỏa khát khao sau mấy chục năm trông chờ.
Người dân trong bản ai cũng cảm phục tấm lòng bà, vì không ai có đủ can đảm để làm cái việc cao thượng chẳng giống ai như vậy. Nhưng đối với bà thì khác, lúc nào cũng hi sinh vì chồng con. Thời gian đầu, mấy đứa con gái của bà phản đối nhiều lắm vì họ thương bà bệnh tật lại phải chấp nhận cuộc sống chung chồng. Nhưng rồi, tấm lòng của bà đã khiến tất cả phải nể và để bà hành động theo những gì bà suy nghĩ.
Những đêm sinh hoạt vợ chồng đã xảy ra rất nhiều chuyện bi hài, vì hai chiếc giường chỉ cách nhau có một tấm màn. Những lúc như vậy, bà Sâm chạy sang ngủ với đứa con cho chồng và vợ hai tiện "sinh hoạt". "Lúc đầu, tôi cũng tủi lắm, người chồng mình chung sống với nhau mấy chục năm, giờ đang ân ái với một người phụ nữa khác, khó chịu lắm. Nhưng cứ nghĩ đến việc phải kiếm cho chồng một đứa con trai nên tôi đành chịu đựng", bà Sâm trải lòng.
Khi mới hỏi vợ về cho chồng, mọi người đều nghĩ bà Sâm sẽ bỏ nhà ra đi bởi ai mà chịu được cảnh chồng mình ôm ấp một người khác. Bà Lữ Thị Vi - hàng xóm chia sẻ: "Đó là bà Sâm, chứ tôi không làm được như vậy, cứ nghĩ đến chuyện chồng gần gũi với người khác đã tức điên trong người rồi chứ nói gì đến chuyện đêm đêm chứng kiến cảnh chồng ôm ấp một ai đó. Nhìn bà Sâm đối xử với bà hai tốt như vậy ai cũng cảm phục".
Ngày chị Nguyệt mang thai, bà Sâm mừng như vớ được vàng. Bà dành hết tất cả công việc nặng nhọc về mình. Để cho vợ hai an dưỡng thai thật tốt, có miếng gì ngon bà đều để dành hết cho chị Nguyệt. Bà đã tự mình đi bộ hàng trăm cây số để lấy thuốc bổ thai về sắc cho chị Nguyệt uống, chăm lo như người chị lúc "bà hai" trở dạ, sinh con.
Thấy hai người vợ chung sống với nhau hòa thuận, ông Bằng vui lắm. Ông Bằng vui vẻ tâm sự: "Ban đầu, tôi cũng thấy ngại và suy nghĩ nhiều lắm. Không biết sống cùng một mái nhà họ có hòa thuận được không nữa. Nhưng thấy hai bà thương nhau như chị em ruột tôi mừng lắm. Chuyện một chồng hai vợ chẳng hay ho gì, nhưng tôi không còn cách nào khác, bởi quan niệm con trai nối dõi ở địa phương này đã ăn sâu, trong khi bà Sâm một hai chấp nhận hy sinh nên tôi đành phải chiều theo ý bà ấy. Nghĩ rằng, tôi được con trai sẽ mất vợ cả nhưng không ngờ, bà Sâm quá cao thượng và giờ tôi gần như có tất cả...".
Khi chị Nguyệt sinh cho chồng một đứa con trai bụ bẫm đặt tên Lữ Trọng Đại, bà Sâm vui lắm. Từ cho ăn, thay tã cho bé, bà Sâm đều giành làm hết. Bà thầm cảm ơn người vợ hai đã chịu khó sinh cho chồng một đứa con trai. Bà quan tâm nó hơn đứa con ruột của mình. Mấy chục năm làm vợ, bà giờ mới thấy cuộc sống gia đình trọn vẹn bởi đã cố gắng có cả nếp, cả tẻ cho chồng.
Cái kết có hậu
Bây giờ, hai người con gái của bà Sâm đã đi lấy chồng, hai bà vợ lại càng thương yêu nhau hơn. Bà Sâm tuổi cũng đã cao, thường xuyên đau ốm, chị Nguyệt lại như người em, chăm sóc chị gái của mình. Chị Nguyệt cũng thầm cảm ơn người vợ cả bởi trong lúc bị chồng đánh đập, đuổi ra khỏi nhà, bà Sâm không những cưu mang mà còn san sẻ chồng cho mình nữa.
Bà cố Trương Thị Thinh - mẹ của ông Bằng tâm sự: "Biết đó là vi phạm Luật hôn nhân gia đình nhưng rất may mắn, hai đứa nó rất thương nhau, nên làng xóm không xì xào bàn tán. Đặc biệt khi chị Nguyệt sinh được một thằng cu, gia đình hạnh phúc lắm. Tôi đã thầm cảm ơn ông trời đã cho tôi đứa con dâu hiếu thảo như vậy".
Trong căn nhà sàn đơn sơ, hai người phụ nữ và một người đàn ông sống với nhau hạnh phúc. Đó cũng là câu chuyện tình mà khi đặt chân đến vùng đất này, ai cũng được người dân địa phương háo hức kể cho nghe.
Cảm thông Ông Lữ Trọng Nguyên, Trưởng bản Cướm cho biết: "Bản làng cũng đã nhắc và có hình thức kỉ luật khi nhà ông Bằng vi phạm luật hôn nhân gia đình, nhưng vì hoàn cảnh nên chúng tôi đành thông cảm. Tưởng rằng gia đình sẽ rơi bi kịch, nhưng trái lại hai người vợ của ông bằng sống rất hòa thuận. Trong bản chưa bao giờ nghe hai người đó cãi vã nhau. Nhưng hơn bất cứ điều gì, đó chính là tình yêu thương của bà Sâm đối với chồng, ai cũng phải khâm phục". |
Hà Hằng - Kim Thoa