Khối bướu “bất trị”
Người phụ nữ trong ca phẫu thuật này là chị Nguyễn Thị Ngọc D. (40 tuổi, ở TP.HCM). Thời gian gần đây, chị bỗng thấy bụng ngày một to ra một cách bất thường như người có thai, nhưng không có điều kiện để khám bệnh và “cố gắng lướt qua”. Tháng trước, khi thấy bụng căng tức, ăn uống khó tiêu, mệt mỏi, sút cân, bệnh nhân mới chịu đi khám tại bệnh viện Bình Dân.
Sau thăm khám bụng, bác sĩ phát hiện một khối u lớn chiếm hết nửa bụng bên phải của người bệnh. Khối bướu chèn ép vào đường ruột gây ra các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, căng tức bụng. Kết quả chụp CT scan bụng cho thấy một khối u lành tính (u bao gồm mỡ, cơ và mạch máu) xuất phát từ cực dưới của thận phải, kích thước 30cm x 25cm, đi từ mặt dưới gan kéo dài đến tận bàng quang. Khối u vượt qua đường giữa bụng, chèn ép vào các mạch máu lớn trong ổ bụng. Ngoài ra, ở thận còn lại cũng có 1 khối u với bản chất tương tự, nhưng kích thước nhỏ hơn, chỉ khoảng 3cm. Bệnh nhân được giới thiệu đến điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược.
Tại đây, TS.BS Nguyễn Hoàng Đức – Trưởng khoa Tiết niệu nhận định đa số các trường hợp bướu lớn như bệnh nhân này, cách xử trí thông thường là cắt bỏ bướu cùng thận. Hiếm khi nào giữ lại được thận. Thế nhưng, các bác sĩ đã tìm cách giữ lại thận cho chị D. bởi ở thận trái cũng có 1 bướu tương tự mặc dù kích thước còn nhỏ. Nếu cắt bỏ thận phải, và trong tương lai 5-10 năm, bướu ở thận trái phát triển to ra thì nguy cơ người bệnh bị suy thận mạn tính sẽ rất cao.
“Chúng tôi coi việc giữ lại thận cho bệnh nhân là một vấn đề sống còn. Rất khó, nhưng phải cố”, BS Nguyễn Hoàng Đức chia sẻ. Cuối cùng, các bác sĩ đưa ra một phương án khá táo bạo đó là mang thận của bệnh nhân ra ngoài để… bóc tách khối bướu rồi ghép ngược lại trái thận đã được bảo tồn về cơ thể người bệnh.
Vậy là ê-kíp hơn chục bác sĩ đã mất hơn 90 phút để bóc tách bộc lộ và bảo tồn cuống mạch máu của thận. Nếu việc bóc tách không cẩn thận làm tổn thương rách cuống mạch máu thận thì sẽ không thể giữ lại được quả thận. Sau khi bảo tồn được cuống mạch máu thận, ê-kíp mất thêm 60 phút nữa để bóc tách khối u ra khỏi các cơ quan dính xung quanh. Khối u cùng với thận được cắt đem ra ngoài cơ thể. Phẫu thuật viên nhanh chóng cắt khối u ra khỏi thận để tiến hành rửa sạch thận và ướp lạnh thận. Thận sau khi rửa sạch lại được đưa vào trong cơ thể người bệnh để ghép vào vùng hố chậu bên phải.
Ca ghép thận tự thân có một ê-kíp bác sĩ hùng hậu không kém các ca mổ ghép thận khác. Cuộc mổ hoàn tất sau hơn 4 tiếng. Bảo tồn được tuyệt đối thận phải cho người bệnh. Khối bướu lấy ra cân nặng 4,1kg. Các bác sĩ cho biết, để lấy được hết phần bướu, các bác sĩ đã phải cắt bỏ 20% quả thận. Tuy nhiên, thận bị cắt bỏ một phần vẫn có thể hoạt động tốt. Kiểm tra sau mổ cho thấy thận phải hoạt động tốt. Khối bướu nhỏ trong thận trái sẽ được theo dõi định kỳ.
Sau ca mổ trên, chị D. đã bình phục, sức khỏe rất tốt. Chị chia sẻ, bao nhiêu năm qua, chị gắn bó với công việc bán trái cây dạo để chăm lo cho hai con nhỏ, rất ít khi quan tâm đến sức khỏe của mình. Khi đi khám, nhiều bác sĩ đã đưa ra phương án cắt bỏ trái thận: “Lúc đó, tôi ao ước có cách nào đó giữ lại được trái thận bởi không muốn sau này mình phải phụ thuộc máy chạy thận. Khi gặp bác sĩ Đức, bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị có thể giữ lại được thận. Tôi đã đặt niềm tin tuyệt đối vào bác sĩ và chỉ biết cầu nguyện cho ca mổ thành công”.
Tại sao phải ghép thận tự thân?
Trong nhiều năm qua, ghép thận không phải là một khái niệm mới. Hơn 2.000 người đã được ghép thận thành công. Tuy nhiên, hầu hết các ca ghép thận diễn ra đều từ người cho sống, tức lấy thận của một người khác ghép vào cơ thể người bệnh. Ghép thận tự thân là một khái niệm khá mới mẻ.
BS Nguyễn Hoàng Đức giải thích, ghép thận tự thân (lấy thận của người bệnh ghép lại cho chính người bệnh) được áp dụng khi cần giữ lại thận của người bệnh nhưng trái thận đó lại bị các bệnh lý như bướu lành tính, hẹp động mạch thận, teo hẹp niệu quản phức tạp, chấn thương cuống mạch máu thận. Quả thận sẽ được lấy ra khỏi cơ thể người bệnh để phẫu thuật viên sửa lại các bệnh lý và khiếm khuyết của thận. Sau đó, thận lại được đưa trở lại vào trong cơ thể, ghép lại cuống mạch máu để nuôi sống thận.
Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Ngọc D,, thận của chị có khối u là u lành. Với loại bướu này, nếu nhỏ hơn 4cm, các bác sĩ có thể chỉ định cho theo dõi định kỳ bằng siêu âm bụng mỗi 6 tháng. Nếu khối bướu có kích thước 4-6cm thì có thể điều trị bằng can thiệp thuyên tắc mạch máu đến nuôi bướu để bướu teo nhỏ lại. Những khối bướu lớn hơn kích thước này thì thuộc hàng khó trị bởi nó có thể vỡ trong cơ thể gây xuất huyết bên trong ổ bụng, nguy hiểm đến tính mạng.
Một khối bướu thuộc hàng khủng, với kích thước 30cm x 25cm không thể nào dùng các phương pháp điều trị trên. Các bác sĩ cũng không thể tiến hành mổ lấy khối bướu ra vì khối bướu chiếm hết ổ bụng, không còn chỗ để đưa dụng cụ phẫu thuật vào. Bác sĩ buộc phải mang thận bệnh nhân ra ngoài để bóc tách, bảo tồn. BS Nguyễn Hoàng Đức còn cho biết, trường hợp bướu lớn như chị D. được kê vào hàng hiếm gặp. Y văn trong và ngoài nước cũng chỉ mới ghi nhận được một vài trường hợp tương tự.
BS Đức cho biết, trong thời gian tới, bệnh viện sẽ trở thành một trung tâm có thể tiến hành kỹ thuật ghép thận một cách thường xuyên. Bởi hiện nay, theo ước tính, số người bị bệnh lý thận, suy thận phải chạy thận nhân tạo chiếm 8% dân số. Trong khi đó, số trung tâm có thể ghép thận cho bệnh nhân còn quá ít (khoảng 7-8 trung tâm trên cả nước). Còn quá nhiều người bệnh nằm trong danh sách chợ đợi được ghép.
U mỡ - cơ - mạch máu của thận (viết tắt tiếng Anh là AML) thường gặp ở nữ tuổi 40-45. Thống kê khoảng 1% dân số mắc bệnh. Tỉ lệ mắc bệnh ở nữ nhiều hơn nam gấp 4 lần. Khi kích thước bướu còn nhỏ, người bệnh hầu như không có triệu chứng gì đặc hiệu. Khi bướu lớn sẽ gây đau tức vùng bụng. Khối bướu có thể được phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ qua chẩn đoán hình ảnh, siêu âm. Khối bướu lớn có thể gây ra triệu chứng đau tức vùng bụng. |
Theo Lao động